Tín dụng tăng nhanh trở lại

Trần Anh - 16:52, 30/11/2021

TheLEADERTính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020, tăng hơn 1,3% sau chưa đầy một tháng.

Tại toạ đàm: “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm chưa đầy một tháng trước (29/10) mới chỉ đạt 8,72%. 

Cơ cấu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước hướng tới các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Mức tăng trưởng tích cực này đã được các công ty phân tích dự báo từ trước. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ tiếp tục khả quan, và đạt mức tăng 13% cho cả năm 2021. Trước đó, trong năm 2020, chỉ trong 1 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã bật mạnh từ 7,26% (cuối tháng 11) lên 12,13%.

BVSC cho biết không có hoạt động bơm/hút ròng mới nào được thực hiện trong tuần qua trên các kênh tín phiếu và OMO của thị trường mở. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại tiếp tục duy trì ở mức 0.

Diễn biến này tiếp tục cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào, khi lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn vẫn đang thấp hơn mức trung bình cả năm.

Đồng quan điểm, SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đi ngang và duy trì ở mức thấp trong suốt 3 tháng qua, phản ánh thanh khoản dồi dào nhờ lượng tiền Đồng được bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ.

NHNN trong tuần qua đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

Theo dự kiến của SSI Research, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới vào khoảng 13%.

Ngoài ra, NHNN cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong thông tư 08/2020-NHNN. Mặc dù tỷ lệ này hiện tại không còn đáng lo ngại khi hầu hết ngân hàng đều đáp ứng mức yêu cầu của NHNN, việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung-dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cao tốc Bắc-Nam.

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 3 mục tiêu về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2022.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất – kinh doanh.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh áp dụng các giao dịch “phi tiếp xúc” để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai toàn diện, quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trọng tâm là tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô lẫn chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống.

Đồng thời, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.