Tôn vinh những người phụ nữ thầm lặng

Phạm Sơn - 09:26, 14/10/2022

TheLEADERNhững người thu gom đồng nát, ve chai, đa phần là phụ nữ, đang âm thầm đóng góp cho công tác quản lý chất thải rắn tại đô thị. Tuy nhiên, những đóng góp ấy chưa từng được ghi nhận một cách nghiêm túc.

Một phần không nhỏ rác thải sinh hoạt, chủ yếu là rác có giá trị tái chế cao, đang được thu gom bởi lực lượng phi chính thức. Đó chính là các chị, các cô thu mua đồng nát, ve chai, vẫn rong ruổi trên khắp các tuyến phố và trở thành hình ảnh quen thuộc tại các đô thị lớn.

Những năm gần đây, khái niệm kinh tế tuần hoàn bắt đầu xuất hiện và được định hướng là giải pháp hiệu quả giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với hải hòa lợi ích xã hội, môi trường. Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận ra, thực tế mô hình này đã tồn tại một cách sơ khai, chính là lực lượng thu gom rác thải phi chính thức nói trên.

Thực tế, người thu gom ve chai, đồng nát gần như không thể thay thể trong bức tranh chung về quản lý rác thải. Khả năng phân loại của các chị, các cô đồng nát, theo nhận xét của chuyên gia thì còn nhanh và chính xác hơn so với nhiều giáo sư, tiến sĩ vật liệu.

Tuy nhiên, đây cũng là mắt xích yếu nhất trong chuỗi giá trị tuần hoàn. Với tính chất phi chính thức, người thu gom phế liệu không nhận được sự bảo trợ cần thiết từ xã hội, phải đối diện với nhiều rủi ro trong công việc.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Chủ tịch Công ty VietCycle, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhận công sức, đảm bảo quyền lợi của nhóm lao động này, không chỉ đối với việc thiết lập nền kinh tế tuần hoàn, mà còn để giải quyết các vấn đề xã hội như sinh kế, trao quyền cho phụ nữ…

Từ chính nỗi trăn trở đó, tới đây, hướng tới ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, VietCycle tổ chức Chương trình Lễ tôn vinh những người phụ nữ thầm lặng nghề ve chai Hà Nội.

Chương trình nhằm mục đích chia sẻ bài học kinh nghiệm, thảo luận đề xuất cơ chế, chính sách tăng cường hỗ trợ khối phi chính thức, thông qua tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội và tăng cường sinh kế; tăng cường hợp tác, trao đổi để lan tỏa, thúc đẩy trao quyền cho khối lao động này.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng giới thiệu mạng lưới lao động thu gom phế liệu phi chính thức (IWCs) với dự án Hồi sinh rác thải nhựa điều phối bởi Công ty CP VietCycle cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của Công ty TNHH Unilever Việt Nam.

Đặc biệt, với sự tham gia của hơn 100 chủ đại lý thu gom, chủ các trung tâm xử lý rác thải và những người hành nghề đồng nát, ve chai, Chương trình là diễn đàn để nhóm lao động này chia sẻ “tiếng lòng”, qua đó giúp công chúng thấu hiểu và cảm thông hơn với lực lượng thu gom rác thải phi chính thức. Đây cũng là dịp để tri ân, tôn vinh các chị, các cô đồng nát, ve chai nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.