Tổng giám đốc Gojek Việt Nam: Cửa hàng nhỏ cần nhiều lực đẩy để chuyển đổi số

Nguyễn Hưng - 08:00, 06/01/2023

TheLEADERVới nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, lãnh đạo Gojek Việt Nam tin rằng số hóa là điều cần thiết cho sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Theo số liệu khảo sát từ VCCI, tới 90% các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và rất cần được hỗ trợ. Nhóm này được xem là đối tượng dễ bị tác động bởi những thay đổi từ môi trường bên ngoài và thường không được chuẩn bị sẵn sàng trước những rủi ro của nền kinh tế.

Trong ngành ẩm thực F&B, các cửa hàng kinh doanh ẩm thực truyền thống quy mô nhỏ là nhóm gặp nhiều khó khăn hơn cả trong việc tiếp cận với khách hàng, do vị trí quán khuất, diện tích quán nhỏ, ít chỗ ngồi, và chủ quán không có hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh, không biết cách quảng bá cửa hàng.

“Giúp họ đứng vững và phục hồi, tiếp tục phát triển là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp lớn, trong đó có Gojek, với mục tiêu giúp nền kinh tế được phát triển bền vững”, ông Phùng Tuấn Đức - Tổng giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hiện là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam khi chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và đóng góp hơn 40% GDP quốc gia.

Với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, vị lãnh đạo Gojek Việt Nam tin rằng số hóa là điều cần thiết cho sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp này.

Việc chuyển đổi thành các doanh nghiệp kỹ thuật số có thể giúp các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận và thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng - những người hiện đang sử dụng nền tảng kỹ thuật số nhiều hơn để đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày của họ - từ đó nâng cao doanh thu.

Tổng giám đốc Gojek Việt Nam: Cửa hàng nhỏ cần nhiều lực đẩy để chuyển đổi số
Ông Phùng Tuấn Đức - Tổng giám đốc Gojek Việt Nam

Do đó, ông Phùng Tuấn Đức khẳng định, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ luôn là nhóm đối tượng được Gojek ưu tiên. Tháng 11/2022, công ty đã khởi động dự án mang tên “Quán nhỏ vượt sóng to” - một sáng kiến toàn diện nhằm hỗ trợ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ cải thiện sinh kế nhờ chuyển đổi số.

“Sứ mệnh của Gojek là tạo ra tác động xã hội, trao quyền cho các đơn vị và các cá nhân kinh doanh vừa, nhỏ và rất nhỏ. Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, thì việc chuyển đổi thành doanh nghiệp số là một yêu cầu tất yếu đặt ra cho các đơn vị kinh doanh. Trong dự án “Quán nhỏ vượt sóng to”, Gojek xây dựng một mô hình điển hình về cách chuyển đổi số cho các cửa hàng truyền thống, cung cấp cho họ các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để giúp họ bắt nhịp với sự chuyển dịch thói quen người tiêu dùng trong môi trường mới”, ông Đức chia sẻ thêm.

Trong khuôn khổ dự án, Gojek Việt Nam đã ra mắt một thư viện online, bao gồm các hướng dẫn cụ thể cho việc xây dựng và vận hành một cửa hàng kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, với những kiến thức cơ bản từ việc mở một cửa hàng, đặt tên, định giá, đến các giải pháp hỗ trợ tiếp thị, xử lý đơn đặt hàng, thanh toán, vận chuyển và quản trị, v.v.

Bên cạnh đó, Gojek còn tổ chức các buổi đào tạo cho 200 cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ về các kỹ năng cụ thể khi kinh doanh trực tuyến, và sau đó hỗ trợ họ mở cửa hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek.

Thực tế cho thấy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi lớn, với ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến. Các cá nhân, doanh nghiệp buộc phải tận dụng công nghệ để có thể thích nghi với nếp sinh hoạt mới của người dân.

Sự dịch chuyển này tiếp tục được duy trì trong giai đoạn bình thường mới, khi người dùng ngày càng dành sự quan tâm cho sự tiện lợi.

Theo số liệu từ Gojek, tình hình hoạt động kinh doanh của các nhà bán hàng trên nền tảng GoFood có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể, với doanh thu trung bình trong 6 tháng đầu năm 2022 của các cửa hàng tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lượng các nhà bán hàng tham gia GoFood cũng có xu hướng tăng khi các thành phố lớn bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà bán hàng hoạt động trên GoFood tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng giám đốc Gojek Việt Nam: Cửa hàng nhỏ cần nhiều lực đẩy để chuyển đổi số 1
Dự án "Quán nhỏ vượt sóng to" do Gojek thực hiện trao cơ hội cải thiện sinh kế cho 200 cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

“Hai yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số của các cá nhân khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực trên nền tảng số mà chúng tôi được nghe chia sẻ nhiều nhất là: thiếu thông tin về các nền tảng công nghệ có thể hỗ trợ họ thực hiện chuyển đổi số, và khi có thông tin rồi, họ lại không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu, nhờ ai hỗ trợ. Do đó, việc trang bị kỹ năng, kiến thức cơ bản cho các chủ cửa hàng về nền tảng kỹ thuật số sẽ là trọng tâm của Gojek trong giai đoạn này”, bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển đối tác GoFood của Gojek Việt Nam chia sẻ.

Đồng hành cùng Gojek trong dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” là Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. HCM với mục tiêu trao quyền và nâng cao kỹ năng cho những người phụ nữ làm chủ, giúp họ tận dụng thương mại điện tử để tiếp cận các cơ hội thu nhập mới, giảm bớt rào cản liên quan đến tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. HCM cho biết: “Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, nhưng còn gặp không ít rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Do vậy, các giải pháp hỗ trợ toàn diện để giúp họ có thể thích ứng nhanh với bối cảnh mới khi nền kinh tế đang phục hồi là hết sức cần thiết. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Gojek trong việc hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh ăn uống có thể từng bước chuyển đổi số để tiến tới cải thiện sinh kế”.

Trước đó vào các năm 2020 và 2021, Gojek đã triển khai chiến dịch “Để không ai bị bỏ lại phía sau” tại Việt Nam. Năm 2020, chiến dịch tập trung vào việc đưa các cửa hàng kinh doanh ẩm thực gặp khó khăn và các cửa hàng kinh doanh nhỏ trong các ngõ hẻm lên GoFood. Rất nhiều chủ cửa hàng trong số đó chưa bao giờ được tiếp cận với smartphone, gặp nhiều trở ngại khi quán đặt ở vị trí khuất, vắng khách, trong khi tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19.

Năm 2021, để mở rộng quy mô của chiến dịch, Gojek tạo điều kiện cho người thân các đối tác tài xế khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Chương trình bao gồm chuỗi các buổi đào tạo nhằm hỗ trợ người tham gia phát triển một số kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp mặt hàng ăn uống. Sau đó, các học viên được hỗ trợ mở cửa hàng ẩm thực rồi đưa cửa hàng lên ứng dụng Gojek để bán hàng trên GoFood.

Kết quả là nhiều cửa hàng đã và đang gặt hái thành công trên nền tảng. Riêng ở mùa 2, có những quán nhỏ của gia đình đã tăng trưởng doanh thu gấp 10 lần. Có những gia đình cả vợ cả chồng cùng nhau khởi nghiệp trên GoFood, hoặc chồng chạy xe GoRide, vợ bán hàng GoFood.

“Gojek ra đời với sứ mệnh sử dụng công nghệ để dỡ bỏ rào cản trong các vấn đề của cuộc sống hàng ngày, bao gồm việc đồng hành cùng các cửa hàng kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong tương lai, nhóm doanh nghiệp này vẫn cần nhiều lực đẩy để tham gia và được hưởng lợi từ nền kinh tế số, do đó họ sẽ tiếp tục là trọng tâm trong những dự án hỗ trợ của Gojek”, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam nhấn mạnh.