Tranh chấp giằng co tại khu công nghiệp Sơn Mỹ 1

Nguyễn Cảnh - 09:51, 04/03/2021

TheLEADERBị thúc giục nhiều lần về việc giải phóng mặt bằng, tạm ứng kinh phí đầu tư khu tái định cư, chủ đầu tư hạ tầng KCN Sơn Mỹ 1 (tỉnh Bình Thuận) thậm chí còn phản bác phương án tách dự án điện khí ra khỏi KCN.

Tranh chấp giằng co tại khu công nghiệp Sơn Mỹ 1
Chủ đầu tư hạ tầng KCN Sơn Mỹ 1 đánh giá, tổ hợp liên doanh đầu tư EDF – Sojitz – Pacific không có tính khả thi trong đầu tư nhà máy điện khí mà chỉ tồn tại trên danh nghĩa

Năm 2017, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân) có quy mô 1.070ha, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ (gọi tắt là IPICO) làm chủ đầu tư.

Tới hết năm 2020, thông tin từ huyện Hàm Tân cho thấy, việc đền bù giải tỏa và tạm ứng kinh phí để đầu tư khu tái định cư KCN Sơn Mỹ vẫn chưa hoàn thành.

Cụ thể, UBND huyện Hàm Tân đã nhiều lần có văn bản đề nghị IPICO khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đền bù giải tỏa và tạm ứng kinh phí để đầu tư khu tái định cư KCN Sơn Mỹ theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tuy nhiên, IPICO triển khai thực hiện các nhiệm vụ quá chậm, chưa cung cấp bản đồ thu hồi đất để có cơ sở áp giá đền bù.

Ngoài ra, IPICO cũng chưa tạm ứng kinh phí (trước mắt ứng 3 tỷ đồng/8,5 tỷ đồng) để huyện Hàm Tân triển khai đầu tư xây dựng dự án khu tái định cư, chưa khởi công xây dựng KCN Sơn Mỹ 1 trong quý III/2020 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Từ khi được giao làm chủ đầu tư (tháng 1/2018) đến nay, IPICO đã chuyển tạm ứng kinh phí 18,48 tỷ đồng để thực hiện hoàn trả kinh phí cho Công ty IDICO (chủ đầu tư cũ) và thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể, đã nhận bàn giao mốc ngoài thực địa đối với phần diện tích đã bồi thường giải tỏa 86,95 ha (45,5 ha đất xã quản lý, 41,45 ha đất của 22 hộ dân), đang hoàn chỉnh bản đồ đo đạc, đang lập quy hoạch chi tiết 1/500,…

Đáng chú ý, bất chấp việc huyện Hàm Tân đã nêu chi tiết tại văn bản gửi IPICO về việc tạm ứng kinh phí thực hiện dự án khu tái định cư trước đó 2-3 tháng, IPICO vẫn đưa ra lý do dẫn tới việc chậm trễ của mình là vì huyện không cung cấp cho công ty bất cứ hồ sơ nào (thời điểm tháng 6/2020).

Đặc biệt là quan điểm phản bác của IPICO về việc sở ngành tỉnh Bình Thuận lấy ý kiến về phương án tách dự án nhà máy nhiệt điện khí Sơn Mỹ 1 và dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm điện lực Sơn Mỹ ra khỏi dự án KCN Sơn Mỹ 1 (theo đề xuất của Tổ hợp chủ đầu tư EDF – Sojitz – Kyushu – Pacific) hồi cuối năm 2019.

Theo IPICO, đến thời điểm các sở ngành của tỉnh và UBND huyện Hàm Tân cắm mốc, bàn giao diện tích đất KCN Sơn Mỹ 1 theo Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 của UBND tỉnh, công ty đã thực hiện đầy đủ và đúng quy trình đầu tư theo quy định pháp luật.

"Việc tách các dự án điện khí ra khỏi KCN sẽ xóa bỏ tất cả hồ sơ pháp lý của dự án KCN Sơn Mỹ 1, trong đó có quyết định của Thủ tướng, phá vỡ tất cả kết cấu quy hoạch dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt", IPICO nêu rõ trong văn bản. Tách khỏi KCN cũng đồng nghĩa với việc phải thực hiện lại toàn bộ hồ sơ pháp lý dự án, việc này là không thể vì mất rất nhiều thời gian, kinh phí và cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện chi trả.

Cũng theo IPICO, tổ hợp liên doanh đầu tư EDF – Sojitz – Pacific đã hình thành từ hơn 10 năm trước, nhưng đến nay chưa có bất cứ cơ quan thẩm quyền nào thẩm định hồ sơ và chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Hiện Sojitz đã rút khỏi liên doanh, Tập đoàn Pacific mới đây có văn bản gửi Sở Công thương tỉnh phản đối việc đầu tư theo hình thức BOT là không thực hiện được. 

Do đó, IPICO xác định, tổ hợp này không có tính khả thi trong đầu tư nhà máy điện khí mà chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Ngoài ra, IPICO cho biết thêm, Tập đoàn AES liên doanh với PVGas đến nay chưa đàm phán xong MOU và đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư Nhà máy điện khí vào KCN Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế). Được biết trước đó, vào tháng 10/2020, đã diễn ra lễ ký “Thỏa thuận các điều khoản chính của hợp đồng liên doanh dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ” giữa PV GAS và Tập đoàn AES (Hoa Kỳ).

Dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ nằm trong chuỗi dự án điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận, với công suất kho cảng là 3 triệu tấn/năm (cho giai đoạn 1 và lên đến 6 triệu tấn vào giai đoạn tiếp theo) nhằm tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho hai nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 từ năm 2024.

IPICO kiến nghị tỉnh không tách những dự án tiềm năng lại thực hiện theo hình thức BOT ra khỏi KCN. Bởi lẽ, việc đó sẽ dẫn tới hệ quả vô cùng khó khăn, phức tạp và rất tốn kém. Mặt khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ đầu tư KCN, các kế hoạch của IPICO bị phá sản, lòng tin và ý chí bị giảm sút.

Cần nhắc lại, chuỗi các dự án khí - điện LNG tại xã Sơn Mỹ (trong đó có dự án nhà máy nhiệt điện tua bin khí hỗn hợp Sơn Mỹ I công suất 3 x750 MW, đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương tại công văn 138/TTg-KTN ngày 16/1/2013 về đề án tổng thể phát triển các dự án đưa LNG vào sử dụng tại Việt Nam. Bộ Công Thương phê duyệt đề án tại Quyết định 3022/QĐ-BCT ngày 10/5/2013. 

Theo đó, dự án nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II có hình thức đầu tư là: Xây dựng –Kinh doanh – Chuyển giao (BOT). 

Đồng thời, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực Sơn Mỹ (gồm 2 nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II) tại Quyết định 2158/QĐ-BCT ngày 6/5/2010 và phê duyệt hiệu chỉnh quy hoạch địa điểm vào tháng 8/2013.

Trong đó địa điểm quy hoạch Trung tâm điện lực Sơn Mỹ (tổng diện tích 286,6 ha) nằm trong khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - dầu khí Sơn Mỹ. 

Năm 2010, UBND tỉnh đã thỏa thuận vị trí xây dựng Trung tâm điện lực Sơn Mỹ đặt trong khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (KCN Sơn Mỹ 1 thuộc khu liên hợp Sơn Mỹ).

Công ty IPICO (thành lập năm 2017), do ông Trương Ngọc Thanh làm giám đốc. Tới thời điểm hiện tại (tháng 3/2020), vốn điều lệ của IPICO là 155 tỷ đồng. Các cổ đông góp vốn gồm Công ty CP An Trường An (37,2 tỷ đồng), cá nhân Trương Đình Xuân (47,5 tỷ đồng) và Trương Thị Thảo Nguyên (70,3 tỷ đồng) đều chung địa chỉ hộ khẩu thường trú tại TP. Quy Nhơn đã thoái sạch. Thay vào đó là các cá nhân Nguyễn Thị Thu Hiền, Lê Văn Huyên và Lê Phi Long. Trong đó, ông Lê Phi Long làm tổng giám đốc.

Đáng chú ý, ông Xuân và ông Thanh đều đảm đương chức vụ quan trọng trong ban lãnh đạo An Trường An (ATG). 

Ông Lê Phi Long từng được biết tới với vai trò trưởng ban thư ký trợ lý Công ty CP Bất động sản Netland và được đề cử làm thành viên HĐQT của Công ty CP Bất động sản Danh Khôi (DKR) (giữa năm 2020).