Triển vọng tín nhiệm nhiều ngân hàng Việt Nam bị hạ xuống tiêu cực

Phương Linh - 12:23, 20/12/2019

TheLEADERHãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Việt sau khi công bố hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) mới đây công bố thay đổi đánh giá tín nhiệm của một loạt ngân hàng Việt Nam trong danh sách mà hãng này theo dõi, bao gồm ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, Liên Việt, MBBank, Nam A Bank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.

Cụ thể, Moody’s giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn đối với 10/18 ngân hàng, thay đổi triển vọng các ngân hàng này sang Tiêu cực khi xem xét để hạ cấp.

Trong số 10 ngân hàng trên, Moody's giữ nguyên đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và điều chỉnh BCA của 4 ngân hàng. 6 ngân hàng còn lại được giữ nguyên đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (Đánh giá CR) và Xếp hạng rủi ro đối tác (CRR).

Moody's giữ nguyên xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng và thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành Tiêu cực để xem xét hạ cấp.

Đồng thời, 3 ngân hàng còn lại được giữ nguyên các Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CR) và Xếp hạng rủi ro đối tác (CRR).

Moody’s cho biết việc thay đổi đánh giá tín nhiệm với 18 ngân hàng này không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.

Việc xem xét đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng được thực hiện sau khi Moody's cho biết sẽ cân nhắc hạ bậc triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vào ngày 9/10.

Ngày 18/12, Moody's đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, tuy nhiên điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực.

Theo Moody's, xếp hạng khả năng thanh toán là yếu tố quan trọng để họ đưa ra mức xếp hạng các ngân hàng Việt Nam bởi yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới khả năng Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ các ngân hàng trong những giai đoạn khó khăn.

Theo đánh giá mới đây của tổ chức này, rủi ro chậm thanh toán các khoản nợ của Việt Nam đang tăng lên, đặc biệt đối với một số nghĩa vụ nợ gián tiếp. Moody's cho rằng Chính phủ cần có những biến pháp cụ thể và cần thiết để cải thiện sự phối hợp giữa các bên và việc quản lí nợ.

Trong trường hợp xếp hạng tín nhiệm về thanh toán của Việt Nam tiếp tục hạ hoặc suy giảm mạnh về sức mạnh tín nhiệm cơ bản, mức xếp hạng của nhóm 10 ngân hàng trên sẽ có thể tiếp tục bị hạ xuống.

Đối với 8 ngân hàng còn lại, Moody's có thể nâng cấp hoặc hạ cấp xếp hạng dài hạn của họ nếu mức đánh giá BCA của ngân hàng thay đổi nhờ các yếu tố cơ bản về tín dụng được cải thiện hoặc xấu đi đáng kể.