Trợ lực nào cho nông nghiệp tuần hoàn?

Phạm Sơn - 14:20, 14/09/2022

TheLEADERNhiều chính sách đã và sẽ tiếp tục được đưa ra để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, như một hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến động như hiện nay.

Năm 2016, anh Lê Đình Trúc ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định bỏ việc về quê trồng nấm, viết tiếp giấc mơ xây dựng mô hình trồng nấm bền vững tại địa phương của người cha quá cố.

Vốn là kỹ sư điện, anh Trúc đã mạnh dạn đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị để mở rộng mô hình trồng nấm, đồng thời cất công đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm theo mô hình công nghệ cao. Sau vài lần thất bại, giờ đây anh Trúc đã là giám đốc của hợp tác xã trồng nấm với doanh thu 4 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Đến với Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII, bên cạnh vai trò là một đại diện tiêu biểu của người nông dân chuyên nghiệp được trí thức hóa, anh Trúc còn mang theo một niềm trăn trở.

Đó là khi Việt Nam mỗi năm có hàng chục triệu tấn rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân lõi ngô cùng nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác. Số phụ phẩm này, thay vì thải bỏ ra môi trường, nếu được sử dụng để trồng nấm, có thể cho ra đời hàng triệu tấn nấm thương phẩm, phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng nấm sản xuất trong nước không nhiều, thị phần đến hơn 60% là nấm nhập từ Trung Quốc.

“Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tôi đã biến nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu trồng nấm. Đây chính là kinh tế tuần hoàn. Vậy Nhà nước sẽ khuyến khích và hỗ trợ nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn như thế nào”, anh Trúc đặt câu hỏi.

Trợ lực nào cho nông nghiệp tuần hoàn?
Anh Lê Đình Trúc đặt câu hỏi tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII. Ảnh: Dân Việt

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, sản xuất nông nghiệp truyền thống thực chất đã mang hình hài của nông nghiệp tuần hoàn, đơn giản chỉ như việc chăn nuôi rồi lấy phân phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt lại được chế biến để chăn nuôi.

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số nhanh đã làm dấy lên nhiều nỗi lo về an ninh lương thực. Bên cạnh việc ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi mới, ngành nông nghiệp cũng sử dụng thêm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn công nghiệp để gia tăng năng suất.

Canh tác thiếu bền vững khiến ngành nông nghiệp dù tăng cao năng suất nhưng lại phải đối diện với nhiều vấn đề khác. Đó là vệ sinh an toàn thực phẩm; canh tác nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là gây hại cho chính những người nông dân…

Cùng với việc tài nguyên ngày càng cạn kiệt, kinh tế tuần hoàn cho ngành nông nghiệp lại được đặt ra, tuy nhiên ở phạm vi và mức độ rộng hơn, sâu hơn, phù hợp với thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay.

Trả lời câu hỏi của anh Trúc, ông Cường cho biết, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tại quyết định này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật hỗ trợ chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nông nghiệp tuyến tính sang nông nghiệp tuần hoàn.

Trong đề án, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn cho các chuỗi giá trị nông sản chủ lực được xem là giải pháp nâng cao cạnh tranh, nâng cao giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Kinh tế tuần hoàn sẽ được lồng ghép vào Chương trình nông nghiệp xanh, chương trình phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình kinh tế tuần hoàn cũng được giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất triển khai.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, bổ sung, mới đây, nghị quyết 20 đã được Trung ương thông qua, trong đó có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, thu hút nguồn lực và ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Thực tế, nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang được triển khai ở Việt Nam, từ những mô hình vừa và nhỏ như của anh Trúc, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng bưởi Diễn ở Hop Farm… cho tới mô hình của các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH, Nestlé…

Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền nông nghiệp phải đối diện với “3 biến” là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong thị hiếu tiêu dùng.