Bức tranh chuyển đổi bền vững nông nghiệp miền Tây

Phạm Sơn - 11:01, 08/09/2022

TheLEADERVới tầm nhìn, tư duy phát triển mới, ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực chuyển đổi để tạo ra những giá trị mới và cơ hội mới hướng đến phát triển bền vững và thuận thiên.

Là tỉnh duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long có địa bàn nằm ở cả 2 bên bờ sông Hậu, An Giang sở hữu nhiều tiềm lực về phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và du lịch.

Tuy nhiên, cũng giống như các tỉnh, thành phố miền Tây, An Giang từ nhiều năm nay phải đối diện với những thách thức mang tính vùng. Đó là sự chìm dần của nền đất, là biến đổi khí hậu khiến những hiện tượng cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc. Miền Tây cũng là vùng trũng của cả nước về đầu tư, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục.

Ý thức được những thách thức, dựa trên Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long (Mekong Delta Plan) được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng vào năm 2013 và Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017, theo ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, suốt nhiều năm qua, An Giang đã từng bước định hình chiến lược phát triển bền vững phù hợp với định hướng phát triển của vùng.

Quản lý nguồn nước và an ninh lương thực là 2 trong số những trụ cột phát triển bền vững của tỉnh An Giang. Trong đó, đối với quản lý nguồn nước, An Giang chủ trương phát triển dự án trữ nước ngọt kết hợp với nuôi trồng thủy sản, phát triển năng lượng và du lịch, tạo đa giá trị phục vụ sinh kế người dân.

Đối với an ninh lương thực, An Giang đăng ký với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 150 nghìn héc ta lúa trong Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Canh tác lúa được An Giang chia thành 4 vùng chuyên canh, sản xuất bền vững theo mô hình SRP.

Nông nghiệp bền vững cũng là chủ trương được tỉnh Hậu Giang tích cực và chủ động triển khai. Ông Trương Thịnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, nông nghiệp bền vững của tỉnh hướng đến “mục tiêu kép”, vừa gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, đất đai và sinh thái.

Thực hiện những mục tiêu này, Hậu Giang ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cơ giới hóa vào tất cả các khâu, từ canh tác cho đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và xúc tiến thương mại.

Một giải pháp khác là mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ hiện đang được tỉnh thí điểm và vận động người dân tham gia.

Tại Bến Tre, địa phương có thế mạnh lớn về nhiều loại nông sản, từ trái cây cho đến thủy sản, chuyển đổi nông nghiệp bền vững được thực hiện qua việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn liền sản xuất với thị trường thông qua các liên kết ngang và dọc.

Chuyển đổi để thuận thiên

Theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đặc thù, với nhiều điều kiện thiên nhiên và thổ nhưỡng phù hợp với phát triển nông nghiệp.

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi vùng đất Chín Rồng được định hướng trở thành vựa nông sản, được giao nhiệm vụ duy trì an ninh lương thực cho đất nước.

Tuy nhiên, đối diện với những thách thức lớn như sự sụt lún, sạt lở đất, sự chìm dần của nền đất cùng những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt… do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều câu hỏi lớn đã được đặt ra với định hướng phát triển nông nghiệp của vùng. Theo ông Thắng, đây chính là động cơ và cũng là cơ hội để nông nghiệp miền Tây thực hiện chuyển đổi.

Quan điểm thuận thiên trong nghị quyết 120/NQ-CP cùng tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới và cơ hội mới được đưa ra tại Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, đã đặt ra hướng đi mới cho nông nghiệp của miền Tây.

Chuyển đổi nông nghiệp miền Tây đang diễn ra trên nhiều khía cạnh. Đầu tiên là chuyển đổi cơ cấu theo hướng giảm bớt tỷ trọng lúa gạo, tăng tỷ trọng thủy sản và cây ăn quả, từ đó tận dụng hiệu quả cả nguồn nước mặn, nước lợ, tạo ra giá trị ngay trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu.

Tiếp theo là chuyển đổi theo hướng bền vững, giảm phát thải, áp dụng công nghệ 4.0, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang nước ngoài. Công nghiệp chế biến cũng được đẩy mạnh để đa dạng hóa và đa giá trị hóa cho nông sản.

Đối với lâm nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phục hồi, phát triển rừng ngập mặn và xây dựng các khu bảo tồn, từ đó bảo vệ đa dạng sinh học, giữ đất, giữ nước phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, đồng thời đem lại tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Định hướng cho chuyển đổi nông nghiệp miền Tây, dựa trên những thực tiễn đã diễn ra và yêu cầu trong bối cảnh mới, ông Thắng đúc kết, điều đầu tiên là phải đi theo hướng thuận thiên, tận dụng điều kiện tự nhiên làm lợi thế. Thứ hai là nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, gắn liền với phát triển trung tâm nông sản đầu mối và trung tâm công nghiệp năng lượng. Cuối cùng là thay đổi tư duy phát triển, tập trung vào những tư duy mới như chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị, nuôi biển…

Gỡ khó cho chuyển đổi nông nghiệp miền Tây

Đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong chuyển đổi nông nghiệp theo hướng thuận thiên và phát triển bền vững nhưng đối với tỉnh An Giang, vẫn còn một chặng đường dài với nhiều mục tiêu, tầm nhìn phía trước. Để hoàn thành những mục tiêu này, An Giang cần thêm động lực.

“Động lực quan trọng nhất để thúc đẩy là những chính sách đặc thù làm tiền đề”, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh tại Tọa đàm Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức.

Đồng quan điểm với lãnh đạo tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng nhấn mạnh vai trò của chính sách trong chuyển đổi nông nghiệp theo hướng bền vững.

Theo ông Cảnh, thời gian qua đã có nhiều chính sách hướng đến phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên vẫn dàn trải và chưa đủ sức hút để mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Hiện tại, với sự vào cuộc tích cực của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Cảnh kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ chế mới để tập trung nguồn lực cho Bến Tre cũng như cho toàn vùng.

Hạ tầng giao thông là nút thắt khiến vùng đất Chín Rồng chưa thể cất cánh. Điều này cũng được lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.

Một vấn đề khác được tỉnh Bến Tre nhấn mạnh là việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Hiện tại, các đề tài khoa học tại địa phương chủ yếu được thực hiện ở các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệu quả thực tiễn không cao. Ông Cảnh đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp cũng tham gia nghiên cứu, từ đó cho ra đời những giải pháp phù hợp để giải quyết những thách thức vùng đang gặp phải.

Liên quan đến nghiên cứu khoa học, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học tích cực nghiên cứu để đưa ra một số mô hình khả thi thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó nâng tầm hiệu quả chuyển đổi nông nghiệp.

“Có mô hình cụ thể tạo ra hiệu quả thì có thể tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia, lấy đó làm tiền đề thực hiện mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp bền vững, ông Tuyên trao đổi với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam.