‘Trực chiến’ ở sân bay Vân Đồn

Lam Giang - 11:16, 26/03/2020

TheLEADERMột cử chỉ yêu thương, dù rất nhỏ của cán bộ nhân viên làm việc tại sân bay quốc tế Vân Đồn - những người đầu tiên trên “tiền tuyến” đón đồng bào trở về từ vùng dịch - trong những ngày tháng chất chứa khó khăn này, cũng đủ đem lại hạnh phúc tới người cho lẫn người nhận.

‘Trực chiến’ ở sân bay Vân Đồn
Cán bộ nhân viên sân bay Vân Đồn túc trực liên tục 24/7 trong giai đoạn này, sẵn sàng đón đồng bào về nước.

Căn nhà im ắng trầm mình trong một khu phố nhỏ. Một cuộc điện thoại giữa đêm khuya tĩnh lặng: “Sớm mai 6 giờ có chuyến bay về đấy, em đi hỗ trợ nhé!”. Vậy là 4 giờ sáng, giữa lúc mọi người còn đang êm giấc nồng trong chiếc chăn ấm sực, cô gái nhỏ bé Nguyễn Thị Hà My, nhân viên phục vụ hành khách (phòng Khai thác mặt đất) lặng lẽ khoác vội chiếc áo mưa đi vào sân bay giữa làn mưa phùn lạnh căm của miền Bắc những ngày rét nàng bân.

Chuyến bay về lúc hơn 6 giờ sáng nghĩa là My đã phải sẵn sàng mọi thứ từ lúc 5 giờ. Thành thạo mặc bộ quần áo bảo hộ trùm kín người, đeo kính và khẩu trang chuyên dụng, mang ủng, bao tay,… My thao tác nhanh nhẹn và chuẩn xác hệt như một nhân viên y tế chuyên nghiệp. Cô cười xòa, đùa rằng: “Kinh nghiệm tích lũy từ gần 10 chuyến bay giải cứu công dân từ vùng dịch của em cũng không tầm thường đâu”.

Sân bay Vân Đồn: Chuyện những người đầu tiên đón đồng bào về đất mẹ
Dù phải làm việc tới 4h song mọi cán bộ nhân viên sân bay đều tràn đầy niềm vui khi đón khác về an toàn.

Thức khuya, dậy sớm, đột ngột nhận lệnh điều động… tình trạng “trực chiến” tại sân bay trong chiến dịch giải cứu này cứ luôn tiếp diễn như vậy. Hôm nay, My phục vụ hai chuyến bay đón khách từ Anh và Đức về, số lượng lên tới hơn 500 người và hạ cánh chỉ cách nhau hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng dường như nụ cười của cô gái ấy chưa khi nào tắt sau lớp khẩu trang.

“Bọn em đều được trang bị bảo hộ cẩn thận rồi nên việc tiếp đón khách là rất an toàn, đâu phải cứ tiếp xúc là lây nhiễm đâu. Mới thế này đã sợ hãi thì bao nhiêu y bác sĩ đang phải chữa bệnh hàng ngày cho người bệnh thì sao? Lúc đón đồng bào về, em lại càng nghĩ rằng hẳn họ đều phải lo lắng lắm khi mới bước ra từ vùng dịch, nên bọn em đều cố gắng chào đón với sự niềm nở, chu đáo nhất để đồng bào mình cảm thấy ấm lòng khi bước xuống máy bay và cảm nhận được đây là chính đất mẹ”, My tâm sự.

Sân bay Vân Đồn: Chuyện những người đầu tiên đón đồng bào về đất mẹ 1
Mọi nhân viên sân bay đều phải mặc trang phục bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Vừa thoăn thoắt trợ giúp cho từng hành khách xong, mồ hôi còn chưa kịp khô sau lớp đồ bảo hộ bí bách, chỉ thoáng thấy bộ phận tiếp nhận hành lý bị quá tải, cô và nhóm chị em trong đội lại bươn sang hỗ trợ, không nề hà từ việc khuân vác, nhiều khi hành lý rất cồng kềnh. Kết thúc việc đón chuyến bay cũng là lúc My và nhiều “đồng đội” khác mới kịp giật mình nhớ ra mình đã đứng mòn chân liên tục 5,6 tiếng đồng hồ chưa kịp ngồi lấy một phút và còn cả một chiếc bánh mì cho bữa sáng chưa kịp ăn, bây giờ cũng đã nguội lạnh. 

Chuyện các chị em trong nhóm của My nhiều người mất ngủ cả đêm vì canh điện thoại chờ đợi sếp điều động đột xuất hay ai đó quần quật từ sáng sớm đến tận lúc khách lên xe đi về khu cách ly, xong việc chưa kịp về nghỉ thì tụt huyết áp... vẫn diễn ra như cơm bữa.

Những chuyến bay dài mệt mỏi và nhiều thủ tục hơn bình thường dễ khiến hành khách khó chịu, dễ bẳn gắt… nhưng cán bộ nhân viên sân bay Vân Đồn chỉ một lòng tâm niệm “đặt mình vào vị trí của họ” để từ đó thấu hiểu, sẻ chia và chu đáo hơn.

Sân bay Vân Đồn: Chuyện những người đầu tiên đón đồng bào về đất mẹ 2
Sun Group đặc biệt chú trọng khử khuẩn tại sân bay Vân Đồn.

Gian khổ biết dành phần ai

Vân Đồn là một sân bay mới hơn một năm tuổi. Nhưng trong cuộc chiến chống Covid-19 lại tiên phong “gánh” trọng trách mà quốc gia giao phó là đón các chuyến bay từ vùng dịch và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay Vân Đồn chia sẻ: “Tôi luôn khích lệ anh em, đây là công việc mang ý nghĩa cộng đồng và xã hội. Sân bay đang góp sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch, ngăn ngừa mọi nguồn lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. Và dần dà, khi tâm lý anh em đã ổn định hơn, thì chính các anh em lại trang bị sẵn cho mình một tâm thế sẵn sàng, một niềm tự hào khi tham gia vào công việc ý nghĩa này”.

Qua các chuyến bay về từ Trung Quốc, Hàn Quốc và mới đây là châu Âu, quy trình mà sân bay Vân Đồn đang triển khai được các chuyên gia đánh giá là tối ưu để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên, hành khách và không ảnh hưởng tới các chuyến bay thương mại khác. Máy bay khi hạ cánh sẽ đậu ở bãi đỗ xa. Hành khách làm thủ tục nhập cảnh và kiểm tra hải quan tại khu vực phía ngoài nhà ga, đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động chung của sân bay.

Sân bay Vân Đồn: Chuyện những người đầu tiên đón đồng bào về đất mẹ 3
Trong hơn 1 tháng, sân bay Vân Đồn đã đón 3.500 đồng bào về nước.

Tất cả hành khách xuống máy bay phải tiến hành khai báo y tế bắt buộc. Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa; phun khử trùng hành lý của hành khách. Hành khách được làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan sau đó bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đưa về các điểm cách ly theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định.

Tất cả nhân sự tại sân bay Vân Đồn tiếp xúc trực tiếp với hành khách đều được trang bị đồ bảo hộ y tế, được tập huấn các thao tác mặc và cởi đồ bảo hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm virus vào cơ thể. Sau khi đón hành khách xong, toàn bộ khu vực làm thủ tục, luồng di chuyển của hành khách và các thiết bị tại sân bay được phun xịt khử trùng, phòng lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Sáu cho biết: “Thấm nhuần văn hóa Sun Group, quan điểm của chúng tôi là đào tạo cho nhân viên về tinh thần trước khi đào tạo chuyên môn. Chuyên môn rất cần thiết nhưng tinh thần, trách nhiệm, văn hóa là điều cốt yếu để tạo nên một tập thể mạnh. Trước khi đón các chuyến bay, chúng tôi phải rà soát tất cả quy trình, trang thiết bị và rà soát con người có đảm bảo hay không. 

Đây là lý do tại sao chúng tôi luôn phục vụ ở tâm thế tốt nhất. Con người, phương tiện và quy trình chính là 3 mũi nhọn tạo nên sức mạnh của chúng tôi, đảm bảo cho việc khai thác sân bay tốt nhất”.

Trong những diễn biến không vui vì dịch bệnh, vẫn có những “ngọn lửa” của đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng và tình người thắp lên từ đây. Việc vừa lặn lội quãng đường xa trở về nhà từ sân bay, chưa kịp bưng bát cơm đưa lên miệng, lại nhận “lệnh” điều động gấp đi đón khách. 

Thậm chí, có những lần “phi như bay” đến nơi thì chuyến bay lại bị hủy là chuyện thường như cơm bữa của anh em sân bay thời “trực chiến’. Nhưng ai cũng không nề hà, bởi một tinh thần “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”.