Trung Nam đầu tư dự án thủy điện tỷ đô tại Ninh Thuận

Nguyễn Cảnh - 08:56, 26/10/2020

TheLEADERCông ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đang đề xuất với tỉnh Ninh Thuận thực hiện dự án thủy điện tích năng với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Trung Nam đầu tư dự án thủy điện tỷ đô tại Ninh Thuận
Việc dồn lực cho những dự án mới khiến tình hình tài chính của Trung Nam chịu nhiều áp lực.

Trong quy hoạch điện VII có định hướng phát triển một nhà máy thủy điện tích năng tại địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. 

Tuy nhiên, quy hoạch điện VII điều chỉnh đã loại bỏ dự án ra khỏi quy hoạch. 

Thời điểm này Ninh Thuận chỉ còn một Nhà máy thủy điện tích năng tại huyện Bác Ái với công suất 1.200MW (vừa được chủ đầu tư EVN khởi công hồi đầu năm, tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng).

Đồng thời, dự thảo Quy hoạch điện VIII có định hướng phát triển các loại hình nguồn điện linh hoạt (thủy điện tích năng, pin tích năng, động cơ đốt trong sử dụng LNG,...) phù hợp với quy mô nguồn năng lượng tái tạo. 

Đối với dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn, trước đây đã được đơn vị tư vấn EPDC (nay là JPOWER) tổ chức nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đây chính là cơ sở Trung Nam đưa ra minh chứng cho sự phù hợp của dự án đề xuất.

Trung Nam cho biết đang kế thừa một số nội dung của dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn như: Quy mô công suất 1.200 MW, gồm 4 tổ máy, lượng điện sản xuất hằng năm khoảng 8.973MWh/năm. Hồ trên có diện tích khoảng 44,8 ha, chiều cao đập khoảng 55m, dung tích khoảng 6,17 triệu m3. Hồ dưới có diện tích khoảng 42,9 ha, chiều cao đập khoảng 58m, dung tích khoảng 6,17 triệu m3. Tổng vốn đầu tư khoảng 1,023 tỷ USD.

Về đề xuất của Trung Nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận đánh giá, theo báo cáo của chủ đầu tư, mặc dù trước đây dự án có trong Quy hoạch điện VII, tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của dự án, chủ đầu tư cần phối hợp tư vấn đánh giá rõ nguồn nước để phục vụ dự án (như dự án thủy điện tích năng Bác Ái gắn liền với hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hồ Sông Cái); đảm bảo hài hòa giữa thủy lợi và thủy điện tích năng; phạm vi dự án có nhiều khả năng ảnh hưởng đến đất rừng.

Do đó, sở này đề nghị chủ đầu tư đánh giá, đề xuất dự án cụ thể để có ý kiến chính thức.

Bên cạnh đó, đối với dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn, hiện Ban quản lý dự án điện 3 đang báo cáo EVN để trình bổ sung vào quy hoạch điện VIII. Dự án chỉ được triển khai khi được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch đấu nối.

Sở Công thương Ninh Thuận đánh giá, dự án thủy thiện tích năng có nhiệm vụ chính giúp điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn, tin cậy; phủ đỉnh biểu đồ phụ tải và góp phần giảm sự chênh lệch biểu đồ phụ tải, việc đầu tư dự án phải đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên. Do đó, chủ đầu tư được đề nghị tính toán kỹ hiệu quả kinh tế của dự án trước khi triển khai.

Về phía địa phương, huyện Ninh Sơn tỏ ra ủng hộ việc nghiên cứu đầu tư dự án theo đề xuất của Trung Nam vì lý do cần thiết cho tương lai.

Tương tự, Sở Kế hoạch và đầu tư cũng nhìn nhận việc triển khai đầu tư dự án thủy điện tích năng góp phần điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn, tin cậy; phủ đỉnh biểu đồ phụ tải và góp phần giảm sự chênh lệch biểu đồ phụ tải; việc đầu tư dự án là cần thiết trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đang phát triển mạnh.

Do đó, việc đề xuất nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án là có cơ sở xem xét. 

Tuy nhiên, hiện nay Công ty Trung Nam chưa xác định cụ thể vị trí đầu tư dự án, chưa có hồ sơ đăng ký đầu tư dự án cụ thể theo quy định của Luật đầu tư, do đó các sở, ngành và địa phương chưa có cơ sở có ý kiến cụ thể đối với đề xuất của chủ đầu tư.

Sau khi dự án được bổ sung vào quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Sở Kế hoạch và đầu tư kiến nghị UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan rà soát tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Trung Nam đang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng với nhiều dự án lớn ở 3 mảng là điện mặt trời, điện gió và thủy điện. 

Theo giới thiệu của tập đoàn, đến nay công suất các dự án thủy điện 118MW, điện gió 152MW và điện mặt trời 344MW. 

Trong đó tổ hợp điện gió và điện mặt trời tại Ninh Thuận đã đi vào hoạt động giai đoạn 1. Riêng nhà máy điện mặt trời tại đây có công suất 204 MW, diện tích 264 ha. 

Tập đoàn cũng đang phát triển nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại Trà Vinh với công suất 165MW, diện tích 171 ha.

Việc dồn lực cho những dự án mới quy mô hàng nghìn tỷ đồng đã tạo ra áp lực tài chính lớn cho Trung Nam. 

Tổng tài sản công ty tăng chủ yếu do đẩy mạnh vay nợ trong khi hoạt động kinh doanh chưa có lợi nhuận. 

Để đảm bảo khả năng trả nợ, Trung Nam đã thế chấp nhiều tài sản tại các ngân hàng trong đó có cổ phần của các công ty điện mặt trời, điện gió được thế chấp tại Ngân hàng Quân đội (MB); các quyền và lợi ích từ dự án chống ngập tại TP. HCM được thế chấp tại BIDV…

Điển hình, cuối năm 2019, MB mua 1.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Điện mặt trời Trung Nam (Trung Nam SPC). 

Đổi lại, Công ty Trung Nam SPC thế chấp dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận; toàn bộ cổ phần Trung Nam SPC do các cổ đông sở hữu. Đồng thời toàn bộ quyền sử dụng đất, các quyền gắn liền hoặc phát sinh trong tương lai từ việc khai thác/ thụ hưởng các nguồn thu từ việc kinh doanh các lô đất được phân lô của fự án Golden Hills (không gồm phần đất chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ - CENGroup mua lại và chịu trách nhiệm thanh toán cho Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội) và dự án Vệt 50m, Đà Nẵng thuộc sở hữu Trung Nam SPC hoặc bên thứ ba.

Mới đây, Trung Nam đã công bố phát hành thành công lô trái phiếu doanh nghiệp trị giá 600 tỷ đồng - được thu xếp phát hành bởi MBS và tài sản đảm bảo tại MB.