Truy tìm gốc rễ 'căn bệnh' sợ sai

An Chi - 13:59, 02/06/2023

TheLEADERĐại biểu Quốc hội tiếp tục chỉ ra một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc, gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp.

Truy tìm gốc rễ 'căn bệnh' sợ sai

Xử lý nghiêm "cán bộ, công chức không làm gì cả"

Những tranh luận của các đại biểu Quốc hội về thực trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, không dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm, khiến hoạt động của toàn bộ bộ máy hành chính ách tắc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đã tiếp tục làm nóng nghị trường trong ngày thứ hai thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước.

Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), Tạ Văn Hạ ( Quảng Nam), Tô Văn Tám (Kon Tum) đã chỉ ra rằng, căn bệnh sợ trách nhiệm là thực trạng có thật và vô cùng nan giải. 

Hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều bộ ngành, từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là tại các lĩnh vực như đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, làm trì trệ, tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, gây thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế. Các doanh nghiệp và người dân suy giảm niềm tin kinh doanh, mất đi động lực phát triển, đóng góp cho sự tăng trưởng chung. 

"Cán bộ, công chức không làm gì cả cũng là hành vi vi phạm pháp luật"
Đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn tỉnh Nam Định

Nhìn sâu vào thực trạng này, đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn tỉnh Nam Định nêu rõ, đây là vấn đề có thật trên thực tế, tuy nhiên, "các ý kiến phát biểu tại phiên họp là chưa đủ hoặc chưa chỉ rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất".

Nguy hiểm hơn, theo ông Kim: "Các cán bộ đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài". 

Ông Kim nói: "Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm". 

Khẳng định, "đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới", vị đại biểu này nhấn mạnh, Chính phủ cần có sự hỗ trợ giúp đỡ để các cơ quan, đơn vị có điều chỉnh cần thiết trong hoạt động.

Phát biểu tranh luận về quan điểm cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, phần lớn nguyên nhân nằm ở các cán bộ công chức e ngại trong thực hiện công vụ. Công tác cán bộ là gốc rễ cho nhiều vấn đề hiện nay.

Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc.

Ông Vân chỉ ra ba trường hợp cán bộ không hành động. Trường hợp thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động. Trường hợp thứ hai là do không có lợi nên không hành động. Trường hợp thứ ba là biết, nhưng sợ nên không hành động.

Vị đại biểu này nhấn mạnh, cả ba trường hợp, cán bộ đều không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật, nhà nước, nhân dân giao phó và khẳng định mạnh mẽ rằng: "Việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật.

Trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động, không hành động là một bất tắc vi, trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà nhà nước giao cho. Đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý. Chính phủ cần xử lý hành vi này dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả gây ra của hành vi này".

"Nếu cứ phạt thẻ đỏ sẽ rất nguy hiểm"

Bên cạnh việc xử lý nghiêm các cán bộ trì trệ trong thực thi công vụ, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm công tác thanh kiểm tra, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế.

“Phạt ba thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu cứ phạt thẻ đỏ như này sẽ rất nguy hiểm", ông Kim nêu quan điểm và cho rằng, "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo". Điều này là hết sức nguy hiểm, vì nó ảnh hưởng đến niềm tin, động lực của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Về giải pháp, theo ông Kim, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan có liên quan... phụ trách cơ quan đơn vị nào thì phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan đơn vị đó. Như vậy mới đảm bảo công bằng.

Bên cạnh đó, cần "hết sức tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế". Một mặt, Chính phủ cần hoan nghênh thẩm phám làm đúng, đầy đủ, xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng đồng thời phải để cho luật sư làm hết nghĩa vụ của mình và làm một cách xuất sắc trong môi trường nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật.

Đồng quan điểm, ông Vân cũng cho rằng, trong lúc doanh nghiệp đang rất khó khăn, thị trường giảm cầu, đơn đặt hàng không có, thay vì sự thấu hiểu, cơ quan quan bảo vệ pháp luật lại tiếp tục siết chặt kiểm soát, thanh tra, kiểm tra. "Trong lúc doanh nghiệp kiệt quệ vẫn phải đón tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra càng gây thêm khó khăn cho rất lớn cho họ". 

Ông Vân đồng tình với quan điểm của ông Kim về việc "không nên hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự", thay vào đó, Chính phủ cần điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, giữ chân doanh nghiệp và thu hút thêm đầu tư. Chính phủ cần có các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển để có hệ thống doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh.