Uber đã ra đi, taxi Vinasun vẫn đặt mục tiêu kinh doanh giảm 1.000 tỷ đồng

Trần Anh - 06:51, 16/04/2018

TheLEADERVinasun đặt mục tiêu doanh thu từ hoạt động kinh doanh trong năm 2018 chỉ 2000 tỷ đồng, mức thấp nhất của công ty kể từ năm 2010 đến nay.

Công ty cổ phần Ánh Dương, chủ quản thương hiệu taxi Vinasun mới đây vừa đặt mục tiêu kinh doanh trong năm 2018 này. Năm nay, Vinasun đặt ra mục tiêu giảm doanh thu gần 1.000 tỷ đồng do vấp phải sự “cạnh tranh không lành mạnh” từ phía các doanh nghiệp nước ngoài.

“Doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường taxi TP HCM với gần 30.000 chiếc, tận dụng tiềm lực tài chính mạnh và kẽ hở của quy định hiện hành để áp dụng các phương thức cạnh tranh bất bình đẳng, mang tính chất tận diệt là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty”, báo cáo cả Vinasun trình đại hội cổ đông đánh giá.

Dù không chỉ đích danh doanh nghiệp, không khó để biết Vinasun đang ám chỉ ai. Grab, đơn vị vừa tiến hành thâu tóm Uber Đông Nam Á, hiện là ứng dụng gọi xe có số lượng người dùng đông đảo nhất Việt Nam. Trong quá khứ, cũng đã rất nhiều lần ban lãnh đạo Vinasun tỏ ra bất bình và yêu cầu xử lý Grab vì vi phạm pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam.

Trước sức ép từ phía những ứng dụng công nghệ hiện đại, doanh thu của Vinasun đã sụt giảm nhanh trong vòng 3 năm qua. Năm 2016, doanh thu của Vinasun đạt 4,5 nghìn tỷ đồng. Con số này chỉ còn 2,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2017 và dự kiến chỉ còn 2 nghìn tỷ đồng trong năm 2018.

Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Vinasun cũng là mức thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2010. Lợi nhuận dự kiến thu về trong năm nay cũng chỉ 119 tỷ đồng, bằng một nửa so với kết quả năm 2017.

Uber đã ra đi, taxi Vinasun vẫn đặt mục tiêu kinh doanh giảm 1.000 tỷ đồng

Sự sa sút về doanh thu và lợi nhuận đến từ việc Vinasun phải thu hẹp quy mô hoạt động do không cạnh tranh nổi với Uber, Grab. Năm 2017, Vinasun đã phải thanh lý gần 1.300 xe taxi, trong đó có tới 972 chiếc là loại xe 7 chỗ ngồi thường dùng tại thị trường Tp.HCM. Dù doanh thu trong năm 2017 giảm nhưng tiền thu về từ hoạt động thanh lý, bán bớt xe của Vinasun lại tăng hơn 50 tỷ đồng so với năm 2016.

Song song với thanh lý, công ty cũng phải chuyển đổi mô hình kinh doanh sang nhượng quyền để giảm áp lực vận hành. Mặc dù vậy, việc chuyển sang mô hình nhượng quyền cũng tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ của Vinasun.

Các tài xế taxi không được công ty hỗ trợ, cũng ít mặn mà hơn khi số cuốc xe họ nhận được mỗi ngày cũng ít dần.Trong năm 2017, số lượng cuộc gọi bình quân mỗi ngày của Vinasun giảm hơn 12.000 cuộc gọi, chỉ đạt 36,3 nghìn cuộc. Nếu tính trung bình, mỗi tài xế Vinasun chỉ nhận được 6,2 cuộc gọi xe mỗi ngày, giảm hẳn so với 2016 và những năm trước đó.

“Việc cạnh tranh bằng giá thấp phi lý, liên tục dùng nguồn tài lực để khuyến mãi cho khách hàng, tài trợ cho chủ xe, lái xe nhằm xâm chiếm thị phần của các Công ty nước ngoài đã gây tác động lớn đến thị phần của công ty”, phía Vinasun đánh giá.

Đặt kế hoạch kinh doanh thấp trong năm 2018, song Vinasun cũng cho thấy quyết tâm khi cố gắng giữ vững số lượng taxi như năm 2017. Công ty dư định mua thêm 700 xe mới và thanh lý 662 xe để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Nhiệm vụ ưu tiên được đặt ra trong năm nay đó là tập trung giữ vững thị phần, đồng thời tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông xếp loại hoạt động của các hãng taxi công nghệ nhằm đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp trong nước.