Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp bền vững

Phạm Sơn - 16:15, 14/04/2021

TheLEADERCông nghệ, đổi mới sáng tạo là giải pháp tối ưu để phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp bền vững
Nhiều thách thức đang đặt ra đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Báo Tài nguyên và môi trường.

Nông nghiệp được coi là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế, giúp đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm và duy trì sinh kế cho một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, ngành nông nghiệp Việt Nam đang bộc lộ ra nhiều hạn chế, thiếu sót rất lớn, dẫn tới tình trạng chất lượng nông sản chưa đạt yêu cầu, tạo ra giá trị gia tăng thấp, không nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng quốc tế.

Đối với ngành chăn nuôi, theo bà Đinh Tuyết Nhung, giám đốc một hợp tác xã chăn nuôi thuộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, vấn đề khó khăn đang đặt ra là bài toán để đảm bảo sức khỏe vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, tối ưu hóa sử dụng thức ăn để đảm bảo giá thành. Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải, xử lý mùi hôi cũng là điều quan trọng giúp quá trình sản xuất không gây hại tới môi trường cũng như sức khỏe của người lao động.

Trong lĩnh vực trồng trọt, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh cho biết, toàn ngành đang cần có những giải pháp để hướng dẫn nông dân, nông hộ canh tác bền vững, thu được đầu ra an toàn, chất lượng.

Mặt khác, cơ chế dự báo về sản lượng, nhu cầu cũng là điều vô cùng quan trọng. “Phải làm sao để sản lượng trồng trọt thu được gia tốt nhất, làm thế nào để đánh giá nhu cầu thị trường, tối ưu hóa mùa vụ và sản lượng”, ông Thông đặt vấn đề.

Về nhóm ngành thủy hải sản, ông Lê Đình Huynh, đại diện Liên minh Tôm sạch Việt Nam (VSSA) nhận định, 3 vấn đề thủy hải sản đang gặp phải bao gồm giá thành cao hơn các nước trong khu vực từ 20 – 30%, chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng bởi hóa chất đầu vào và chất thải đầu ra và sản phẩm bị nhiễm kháng sinh.

Đại diện các lĩnh vực nông nghiệp đều nhất trí, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để giải quyết gốc rễ các vấn đề, giúp nông sản Việt Nam tận dụng cơ hội thuận lợi trong thương mại quốc tế, khẳng định tên tuổi trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng quan điểm với các đại diện sản xuất nông nghiệp, ông Tùng đưa ra nhận xét, doanh nghiệp đang đầu tư, sản xuất nông nghiệp chịu trách nhiệm lớn trong việc tìm ra giải pháp về công nghệ để tháo gỡ vướng mắc cho toàn ngành, hướng tới thực hiện hóa mục tiêu đưa nông sản Việt trở thành “món ăn được chọn đầu tiên của các gia đình trên thế giới”.

Cũng chính từ khát vọng ấy, chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp (GRAFT Challenge Vietnam 2021) được tổ chức, nằm trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation, một sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ Úc và Việt Nam.

GRAFT được tổ chức bởi cơ quan sáng tạo đổi mới Beanstalk, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và MIB Innovation, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và thương mại Úc, Cơ quan Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Úc và Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam.

GRAFT là chương trình dành cho những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, với các giải pháp, sáng kiến đã đi vào thực tế, cho thấy hiệu quả hoạt động và sẵn sàng mở rộng quy mô.

Đến với GRAFT, các sáng kiến, giải pháp được đánh giá bởi chính những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, những người “đặt ra bài toán” các vấn đề về nông nghiệp. Ít nhất 6 doanh nghiệp hàng đầu tham gia sẽ được ban tổ chức hỗ trợ về tiếp cận thị trường, tư vấn trực tiếp, quảng bá sản phẩm và kết nối với khách hàng.

Chương trình sẽ nhận hồ sơ trực tuyến đến hết ngày 14/5/2021. Doanh nghiệp mong muốn tham gia GRAFT đăng ký tại: https://graftchallenge.com/vietnam-challenge-2021/