Vắng bóng dự án BOT nguồn điện

Thái Bình - 10:02, 23/02/2024

TheLEADERSuốt 3 năm qua, ngành năng lượng không đón thêm bất cứ dự án BOT nguồn điện nào dù đây là lĩnh vực duy nhất thu hút được nhà đầu tư nước ngoài cũng như huy động vốn tư nhân lớn nhất.

Vắng bóng dự án BOT nguồn điện
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Ảnh minh họa: Năng lượng Việt Nam

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Luật PPP) có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP gồm: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải/chất thải; y tế, giáo dục – đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.

Tính đến hết năm 2022, trong số 135 dự án PPP chuyển tiếp (không gồm dự án BT), chỉ có 16 trường hợp trong lĩnh vực năng lượng, trong khi đó có tới 96 dự án thuộc lĩnh vực giao thông. 

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, số lượng dự án PPP về năng lượng không nhiều so với giao thông nhưng hầu hết có quy mô đầu tư rất lớn. 

Tuy nhiên, đã 3 năm từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành vẫn chưa có thêm dự án nguồn điện mới nào đầu tư theo hợp đồng BOT (không tính các dự án đã và đang triển khai trước khi luật này đi vào áp dụng). 

Về thực trạng trên, Bộ Công thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc triển khai các dự án nguồn điện dạng này phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thu xếp từ các tổ chức tài chính quốc tế. 

Trong khi đó, các tổ chức này luôn yêu cầu các bảo đảm, bảo lãnh từ Chính phủ như: cân đối ngoại tệ, nguồn than/khí, bảo lãnh của Chính phủ khi cơ quan ký kết hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

Đặc biệt, để bảo đảm nguồn thu và nghĩa vụ bao tiêu nhiên liệu, các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế đều yêu cầu hợp đồng mua bán điện PPA phải được ký kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo các hợp đồng PPA ký giữa EVN và các doanh nghiệp dự án BOT, hàng năm EVN cam kết huy động các nhà máy phát điện với sản lượng điện năng nhất định để đảm bảo nghĩa vụ bao tiêu nhiên liệu. Trường hợp vi phạm cam kết trong PPA, EVN sẽ phải thanh toán khoản bồi thường cho doanh nghiệp dự án. 

Bộ Công thương cho rằng, nếu tổng quy mô công suất các dự án BOT nguồn điện lớn thì sẽ gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện quốc gia với nhiều dự án năng lượng tái tạo.

Vì vậy, việc tiếp tục triển khai dự án điện than, điện khí theo loại hợp đồng BOT như thời gian trước đang bị hạn chế do khả năng tiếp tục ký kết các hợp đồng PPA của EVN gặp nhiều khó khăn.

Các dự án BOT điện trước đây (đã và đang triển khai trước khi Luật PPP ra đời) được áp dụng quy trình, thủ tục riêng về chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán hợp đồng. 

Điển hình như chủ đầu tư có tên trong quy hoạch điện được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi, quá trình đàm phán hợp đồng thường kéo dài vì liên quan đến nhiều bên như hợp đồng PPA với EVN, thuê đất với địa phương, cung cấp nguyên liệu với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng việc chuyển tiếp thực hiện các dự án dạng này theo Luật PPP cần một cơ chế đặc thù để xử lý. Tuy nhiên, tới nay Bộ Công thương chưa có đề xuất cụ thể về giải pháp xử lý liên quan.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý các dự án BOT nguồn điện đã có chủ đầu tư nhưng đến nay chưa ký kết hợp đồng.

Thống kê giai đoạn từ khi thi hành Luật PPP đến hết năm 2022, ghi nhận 17 dự án BOT nguồn điện áp dụng quy định chuyển tiếp tại Luật PPP với 12 nhà máy nhiệt điện và 5 nhà máy nhiệt điện tua-bin khí hóa hơi (gọi tắt là điện khí).

Đáng chú ý, 9 dự án trong đó vẫn chưa thể xác định tiến độ hoàn thành gồm nhiệt điện Vũng Áng 2, Sông Hậu II, Vĩnh Tân III, Nam Định 1, Quảng Trị, Sơn Mỹ I & II, điện khí Quảng Trị và Dung Quất II.

Riêng 3 dự án điện khí Sơn Mỹ I & II và Quảng Trị chưa có tổng mức đầu tư cụ thể.

Như TheLEADER thông tin, quy hoạch điện VIII đã xác định thời hạn triển khai cụ thể đối với 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn bao gồm Công Thanh (600MW), Nam Định (1.200MW), Quảng Trị (1.320MW), Vĩnh Tân III (1.980MW) và Sông Hậu II (2.120MW).

Quy hoạch điện VIII nêu, Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư các dự án nêu trên, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Được cấp chứng nhận hoặc giao đầu tư từ nhiều năm trước (có trường hợp từ năm 2011), các dự án này đều khó khăn trong triển khai, thu xếp vốn. Tuy nhiên, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. 

Theo quan điểm của Bộ Công thương, cần tiếp tục để các dự án này trong quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án BOT, để tránh rủi ro pháp lý và nhà nước phải đền bù.

Trong số này, dự án BOT Sông Hậu 2 rơi vào tình trạng đáng lo ngại khi viễn cảnh khai tử đã được tính tới từ quý IV năm vừa qua.

Đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, dự án BOT Sông Hậu 2 có tổng công suất 2.120MW, tổng mức đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD do Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 6/2024. Tổ máy 1 và nhà máy dự kiến vận hành thương mại chậm nhất vào tháng 9/2028 và tháng 3/2029.

Thời điểm cuối năm ngoái, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng xem xét việc thực hiện bước tiếp theo đối với dự án này theo phương án: Bộ Công thương sẽ thực hiện quyền gửi “Thông báo ý định chấm dứt” theo quy định tại hợp đồng BOT sớm nhất vào 1/4/2024 và Công ty BOT sẽ có 90 ngày cuối cùng để khắc phục việc thu xếp tài chính cho dự án.

Đến hết 30/6/2024, nếu Công ty BOT vẫn không khắc phục được việc thu xếp tài chính thì sớm nhất vào 1/7/2024, Bộ Công thương sẽ gửi thông báo chấm dứt cho Công ty BOT. Với thông báo này, hợp đồng BOT sẽ bị chấm dứt ngay lập tức. 

Được biết, Bộ Công thương đã đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành thu xếp vốn, đồng thời gia hạn ký quỹ bảo đảm ban đầu để đảm bảo nghĩa vụ thu xếp vốn.