VDSC: Covid-19 sẽ thay đổi vĩnh viễn cách hoạt động của doanh nghiệp

Trần Anh - 14:46, 19/12/2021

TheLEADERNhiều thói quen có thể thay đổi ngay cả khi đại dịch đã kết thúc.

VDSC: Covid-19 sẽ thay đổi vĩnh viễn cách hoạt động của doanh nghiệp

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, về cơ bản, sự gián đoạn bởi Covid-19 gây ra một số thay đổi mang tính lâu dài trong hành vi của người tiêu dùng cùng với những thay đổi về hành vi của doanh nghiệp nhằm thích nghi với các quy định của chính phủ. Mặt khác, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng cũng dẫn đến những bước chuyển trong kinh doanh ở tương lai gần.

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế hậu đại dịch, VDSC cho rằng đầu tiên cần tìm hiểu sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sự thay đổi lớn nhất chính là quá trình số hóa sẽ trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Cụ thể, với sự gián đoạn do đại dịch gây ra, các doanh nghiệp đón nhận một cú hích lớn đối với việc triển khai các công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa trong hoạt động kinh doanh. Những thói quen có thể thay đổi ngay cả khi đại dịch đã kết thúc, chẳng hạn việc tiếp tục thúc đẩy hoạt động làm việc từ xa và các cuộc họp trực tuyến, đặc biệt tại ở các đô thị lớn.

Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao, tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ buộc cả người sử dụng lao động và người lao động phải ưu tiên sức khỏe lên hàng đầu. 

Trong một cuộc khảo sát do PwC thực hiện, 80% doanh nghiệp cho rằng áp dụng chế độ làm việc từ xa là “bình thường mới” của thị trường lao động. Một cuộc khảo sát khác của Manpower Group cho thấy 41% người lao động Việt Nam muốn làm việc tại nhà ít nhất ba ngày mỗi tuần. 

Theo đó, xu hướng làm việc từ xa sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu gia tăng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ viễn thông.

Về phía người tiêu dùng, Covid-19 đã không thay đổi động lực chính của tăng trưởng kinh tế, vốn là tầng lớp trung lưu đang nổi lên nhanh chóng. Theo McKinsey, Việt Nam sẽ có thêm 36 triệu người tiêu dùng gia nhập tầng lớp trung lưu trong thập kỷ tới, tăng từ 40% dân số hiện nay lên gần 75% vào năm 2030. 

Hơn nữa, các công dân kỹ thuật số dự kiến ​​sẽ chiếm 40% tiêu dùng của Việt Nam đến năm 2030, vốn là động lực cơ bản cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong hành vi của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Kết hợp với động lực này, đại dịch đã tạo ra một động lực to lớn cho việc áp dụng công nghệ số của người tiêu dùng, bao gồm mua sắm điện tử, ví điện tử, giải trí điện tử và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. 

Danh mục sản phẩm từ các nhà bán lẻ trực tuyến hiện được mở rộng ra rất nhiều loại từ các mặt hàng từ rau củ đến giải trí, chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục và thậm chí là bất động sản. Nhìn chung, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ thúc đẩy cải thiện năng suất, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Trên quy mô toàn cầu, đại dịch đã đặt ra những thách thức đáng kể cho các chuỗi cung ứng. Một cuộc khảo sát với các giám đốc điều hành cao cấp chuỗi cung ứng của McKinsey vào năm 2020 cho thấy 93% người được hỏi mong muốn họ có thể tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt và mạng lưới sản xuất tinh gọn hơn.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát gần đây nhất vào quý II/2021 cũng do McKinsey thực hiện cho thấy các doanh nghiệp đa quốc gia thực ra nhanh chóng tích trữ hàng tồn kho hơn là đa dạng hóa cơ sở sản xuất trong chuỗi cung ứng.

Mặc dù biến thể Delta đã gây ra sự gián đoạn lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam trong quý III/2021, các chính sách ít hạn chế hơn từ Chính phủ và việc đẩy nhanh độ phủ vaccine sẽ giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam ít tổn thương hơn trước làn sóng nhiễm bệnh do biến thể mới gây ra. 

Do đó, VDSC cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để Việt Nam thu hút các khoản đầu tư FDI mới diễn ra quá trình tái tổ chức chuỗi cung ứng trong thời gian tới.