Vì đâu 98% doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ?

Hoàng Linh - 08:23, 04/07/2019

TheLEADERHầu hết doanh nghiệp tập trung vào thị trường trong nước, không đủ quy mô, khả năng tiếp cận tài chính là công nghệ để trở thành đơn vị sản xuất hiệu quả, Ngân hàng thế giới lý giải.

Vì đâu 98% doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ?
98% trong số khoảng 500.000 doanh nghiệp trong nước hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

World Bank trong báo cáo mới đây nhận định khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam có sự luân chuyển mạnh, trong đó số lượng các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và số lượng doanh nghiệp đóng cửa đều tăng lên trong những năm qua.

Năm 2018, 107.000 doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm dừng kinh doanh, cao hơn con số 73.000 của năm trước đó. 5 tháng đầu năm 2019, 24.000 doanh nghiệp đóng cửa kinh doanh, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt hơn 131.000 trong năm 2018, vượt qua mức 127.000 của năm 2017 và cao hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp đóng cửa trong cả hai giai đoạn.

Số lượng doanh nghiệp thành lập cũng trội hơn số doanh nghiệp đóng cửa trong năm tháng đầu năm 2019, với 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Trong số các doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp thương mại bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm 40% tổng các doanh nghiệp bị giải thể hoặc tạm dừng hoạt động.

Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 (PCCI) chỉ ra rằng những do chính dẫn đến giải thể hoặc tạm dừng kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm khó khăn về tìm kiếm thị trường phù hợp, năng lực cạnh tranh thấp của sản phẩm và doanh nghiệp trong nước, hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính và lao động.

Mặc dù phát triển năng động, khu vực tư nhân trong nước vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chi phối về số lượng.

World Bank cho biết 98% trong số khoảng 500.000 doanh nghiệp trong nước hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Dù tạo ra phần lớn việc làm cho nền kinh tế nhưng phần nhiều doanh nghiệp nói trên lại hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến đơn giản và lĩnh vực dịch vụ (buôn bán nhỏ lẻ và nhà hàng) có năng suất tương đối thấp.

Hầu hết đều tập trung vào thị trường trong nước và chỉ có ít doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Các doanh nghiệp đó thường không đủ quy mô, khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ để trở thành đơn vị sản xuất hiệu quả, World Bank lý giải.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, nhu cầu chính sách quan trọng nhất được nhận định là phải tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

World Bank cho rằng Việt Nam tuy đã đạt được nhiều tiến triển về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn những méo mó đã tồn tại ăn sâu bén rễ.

Theo đó, Chính phủ cần rà soát lại chương trình chính sách về cạnh tranh nhằm củng cố những thể chế hỗ trợ cạnh tranh đồng thời phân cấp đầy đủ quy trình ra quyết định để tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp đều có khả năng tiếp cận công bằng các yếu tố sản xuất chính, như đất đai, tín dụng, lao động và công nghệ.

Chính phủ cũng cần triển khai cải cách nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tiếp tục giảm vai trò còn lớn bất tương xứng của Nhà nước trong nền kinh tế.

Sự hiện diện hùng hậu của khối doanh nghiệp Nhà nước dẫn đến giá cả không hiệu quả và những méo mó khác trên thị trường, gây chèn ép khu vực tư nhân trong nước.

Hợp lý hóa vai trò của Nhà nước đòi hỏi phải loại bỏ những méo mó ở khu vực tư nhân và ưu ái cho các DNNN.

Nhà nước cần từng bước loại bỏ vai trò quản lý trực tiếp các hoạt động kinh tế ở những nơi các yếu tố thị trường vận hành hiệu quả để tập trung nhiều hơn vào vai trò kiến tạo và tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, World Bank khuyến nghị.