Vietnam Post và Viettel Post đang mất dần thị phần

Việt Hưng - 09:43, 01/04/2019

TheLEADERTại các thành phố trọng điểm của hoạt động TMĐT là Hà Nội và TP. HCM, thị phần của Vietnam Post và Viettel Post đang bị đe dọa bởi các đối thủ như: EMS, Giao hàng nhanh, hay Giao hàng tiết kiệm.

Báo cáo từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tiếp nên quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 đã lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Thị trường này được VECOM diễn giải gồm: bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ sản phẩm số khác.

Trong đó, hoạt động về dịch vụ giao hàng được VECOM đánh giá là có mối quan hệ khăng khít với TMĐT. Cụ thể, trong năm 2018, thị trường đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ logistics, chuyển phát, hoàn tất đơn hàng,...

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử, trên phạm vi cả nước Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đang chiếm thị phần 61% với hoạt động bán lẻ trực tuyến, tiếp đó là Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm chiếm lần lượt 5%, 1% và 1%. Còn các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%.

Tuy nhiên, tại các thành phố trọng điểm của hoạt động TMĐT là Hà Nội và TP. HCM, Vietnam Post và Viettel Post dường như đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ.

Tại Hà Nội, thị phần của Vietnam Post chỉ là 20%, Viettel Post chiếm tới 52%, EMS là 4%, Giao hàng Nhanh là 10%, Giao hàng Tiết kiệm là 9%. Trong khi tại TP. HCM, các tỉ lệ này tương ứng là 15%, 28%, 10%, 5% và 7%.

Cũng theo báo cáo của VECOM, top 10 sản phẩm được mua bán và giao hàng trực tuyến phổ biến nhất bao gồm: Quần áo, giày dép; Điện tử, điện lạnh; Sản phẩm Mẹ và bé; Sách, văn phòng phẩm; Thủ công, mỹ nghệ; Linh phụ kiện; Hóa mĩ phẩm; Đồ nội thất; Thực phẩm, đồ uống; Đồ ăn nhanh.

Đáng chú ý, đồ ăn nhanh đã lần đầu lọt vào nhóm 10 sản phẩm hàng đầu được mua bán và giao hàng trực tuyến nhiều nhất. Kết quả này phù hợp với sự nổi lên của nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và cung cấp dịch vụ giao đồ ăn nhanh như Now.vn, GrabFood, Go-Food, Loship, Vietnammm.

VECOM đánh giá, dư địa dành cho các công ty giao hàng, chuyển phát hiện vẫn rất lớn. Bởi nguồn lực của các công ty này chủ yếu phục vụ dịch vụ chuyển phát nhanh thông thường, trong khi đóng góp từ phục vụ các sàn TMĐT chưa thực sự đáng kể.

Điểm mấu chốt để có thể tận dụng được đà tăng trưởng này là các công ty phải đầu tư và nhanh chóng áp dụng công nghệ vào hệ thống của mình, nhằm tối ưu hóa hoạt động, cải thiện chất lượng dịch vụ và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.

Một khó khăn khác của các doanh nghiệp chuyển phát là tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến cao. Ước tính tỷ lệ trung bình tổng giá trị của các sản phẩm hoàn trả so với tổng giá trị đơn hàng lên tới 13%. Có doanh nghiệp phải chịu tỷ lệ này ở mức cao là 26%.