Vinamilk tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng sau 10 năm theo đuổi ESG

Ngọc Anh - 18:31, 28/03/2023

TheLEADER

Gần 240 tỷ đồng là số tiền mà Vinamilk đã tiết kiệm được từ các sáng kiến trong chương trình phát triển bền vững của mình. Tuy con số này khá nhỏ so với chi phí và lợi nhuận hàng năm của Vinamilk, nhưng những giá trị khó đo lường khác đến từ sự kiên trì theo đuổi phát triển bền vững của doanh nghiệp này lại vô cùng lớn như hệ thống quản trị tốt, giá trị thương hiệu tăng mạnh, tỷ lệ hài lòng của người lao động cao, khả năng tiếp cận ‘vốn rẻ’ từ tín dụng xanh, sức đề kháng trước những ‘đợt sóng lớn’…

Trải qua hơn 2 năm khó khăn vì Covid-19, tiếp tục là nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt của đa số các ngân hàng trung ương, đang đẩy các doanh nghiệp trên thế giới, cũng như tại Việt Nam vào hết ‘con sóng lớn’ này đến ‘con sóng lớn’ khác, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội.

Trong giai đoạn đầy biến động này, xu hướng đầu tư bền vững, có trách nhiệm ngày càng được cơ quan quản lý, các quỹ đầu tư, tổ chức và thị trường quan tâm. Từ khóa “phát triển bền vững” với mô hình kinh doanh quản trị bền vững được nhắc đến như là loại vắc-xin hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, sẵn sàng phục hồi, đồng thời còn tạo ra những giá trị chung cho một cộng đồng tốt đẹp và bền vững hơn.

Sự sụp đổ và lao đao của các doanh nghiệp thời gian qua, nổi bật hiện nay là các ngân hàng lớn trên thế giới, hay các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam đều có điểm chung là thiếu tính bền vững ở các khía cạnh như vốn, hoạt động kinh doanh, nhân sự, quản trị…

Thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp xây dựng được mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững, trong bối cảnh khó khăn vừa qua và hiện nay đã tìm ra cơ hội bứt phá, vươn lên, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, mở rộng được thị trường, đóng góp vào ngân sách và góp phần vào sự tăng trưởng quốc gia.

Do đó, phát triển bền vững hiện không còn là sự lựa chọn, mà là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường không còn ‘dồi dào và rẻ’ như trước, việc tích hợp các chuẩn mực ESG vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định ‘xuống tiền’ của nhiều quỹ đầu tư trên toàn cầu.

Dòng tiền đổ vào ESG

Theo báo cáo “Cuộc cách mạnh quản lý tài sản 2022” của PwC, các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng giá trị tài sản liên quan đến ESG của họ lên 33,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026, từ 18,4 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến (CAGR) là 12,9%, tài sản ESG sẽ chiếm 21,5% tổng tài sản quản lý (AuM) của các công ty này.

PwC đưa ra kịch bản tăng trưởng như sau: vào năm 2026, giá trị tài sản ESG trong các công ty quản lý tài sản của Hoa Kỳ (nơi có ngành quản lý tài sản lớn nhất thế giới) sẽ tăng gấp đôi từ 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2021 lên 10,5 nghìn tỷ USD; ở châu Âu (đã tăng 172% chỉ riêng trong năm 2021) sẽ tăng 53% lên 19,6 nghìn tỷ USD.

Ngoài Mỹ và châu Âu, các nhà đầu tư ở các khu vực khác cũng đang tăng phân bổ của họ vào tài sản ESG. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng tài sản ESG trong AuM nhanh nhất, dự kiến sẽ tăng 3 lần, đạt 3,3 nghìn tỷ USD vào năm 2026.

Mặc dù dòng tiền hiện tại và tương lai đổ vào ESG lớn là thế, nhưng theo báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 mà PwC công bố, có 57% doanh nghiệp FDI, 35% công ty niêm yết và 40% doanh nghiệp tư nhân/gia đình đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG. Trong số này, chỉ có 22% có chương trình ESG toàn diện bao gồm tất cả các khía cạnh E (môi trường), S (xã hội) và G (quản trị).

Đồng thời cũng chỉ có 15% doanh nghiệp công bố báo cáo ESG (báo cáo phát triển bền vững) ra bên ngoài một cách toàn diện, tuân thủ các khuôn khổ báo cáo phi chính phủ khác nhau và các nghĩa vụ báo cáo khác như TCFD và GRI.

Những con số này cho thấy mức độ cam kết và thực hành ESG tại Việt Nam còn thấp. Một trong những nguyên nhân cho tình trạng này là doanh nghiệp chưa đo lường được chính xác giá trị và cơ hội mà ESG mang lại cho doanh nghiệp.

Đo lường lợi ích ESG mang lại cho doanh nghiệp

Vinamilk nằm trong số ít doanh nghiệp đang theo đuổi phát triền bền vững mạnh mẽ nhất tại Việt Nam hiện nay. Doanh nghiệp này đã thực hiện công bố báo cáo phát triển bền vững hàng năm trong hơn 1 thập kỷ (từ năm 2012) theo chuẩn mực Sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo Phát triển bền vững (GRI Standards).

Vinamilk tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng sau 10 năm theo đuổi ESG

Bên cạnh đó, Vinamilk cũng đang nhằm trong nhóm dẫn đầu về mức độ trưởng thành ESG tại Việt Nam theo các chuẩn mực được nêu trong báo cáo của PwC. Cụ thể, doanh nghiệp này xác định ESG là cốt lõi trong mục đích, chiến lược và các dịch vụ, sản phẩm; ra báo cáo phát triển bền vững hàng năm; ESG được tích hợp trên toàn doanh nghiệp;

Đồng thời trách nhiệm ESG được lồng ghép trên toàn doanh nghiệp, trong đó Giám đốc điều hành trực tiếp chỉ đạo chương trình phát triển bền vững và các thành viên tham gia chương trình. Vinamilk cũng đã mở rộng hoạt động phát triển bền vững đến các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn chủ động thúc đẩy ESG trong ngành/ mạnh lưới của mình.

Vinamilk tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng sau 10 năm theo đuổi ESG 1
Vòng tuần hoàn xanh biogas của Vinamilk. Đây là chìa khóa giúp Vinamilk thành công trong việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn, giúp xử lý chất thải hiệu quả, biến chất thải thành năng lượng.

Theo báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk, nhờ các giải pháp, sáng kiến cải tiến hàng năm về tiết kiệm tài nguyên nước, năng lượng, giảm thiểu – tái chế - tái sử dụng trong sản xuất và chăn nuôi, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, Vinamilk đã tiết kiệm được 237 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 – 2021 (năm 2014 là năm đầu tiên báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk đo lường chỉ số này). 

Như năm 2021, công ty đã có 69 sáng kiến về giảm thiểu, tái chế, tái sử sử dụng trong sản xuất và chăn nuôi. 

Vinamilk tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng sau 10 năm theo đuổi ESG
Vinamilk đến nay chưa công bố báo cáo bền vững năm 2022

Mặc dù con số 237 tỷ đồng này khá nhỏ so với chi phí và lợi nhuận hàng năm của Vinamilk, nhưng những giá trị khó đo lường khác đến từ sự kiên trì theo đuổi phát triển bền vững của doanh nghiệp này lại vô cùng lớn như hệ thống quản trị tốt, giá trị thương hiệu tăng cao, tỷ lệ hài lòng của người lao động cao, khả năng tiếp cận ‘dòng vốn rẻ’, sức đề kháng trước những ‘đợt sóng lớn’…

Theo đó, mặc dù Covid-19 mang lại nhiều khó khăn và thay đổi trong thời gian dài, ảnh hưởng lớn đến cách vận hành và quản lý của đa số các doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ hài lòng của nhân viên của Vinamilk năm 2020 – 2021 theo từng khía cạnh về công việc; quản lý trực tiếp; đồng nghiệp; lương, thưởng, phúc lợi; đào tạo phát triển vẫn duy trì được ở mức cao, đều đạt trên 84%.

Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu của Vinamilk chỉ trong 4 năm gần đây đã tăng 1,75 lần, từ 1,6 tỷ USD vào năm 2019 tăng lên mức 2,8 tỷ USD vào năm 2022, bất chấp đại dịch Covid-19. Đây cũng là đại diện duy nhất từ Đông Nam Á lọt Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu (vị thứ 6) và Top 5 thương hiệu sữa mạnh nhất toàn cầu (vị thứ 2) trong bảng xếp hạng của Brand Finance năm 2022.

Vinamilk tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng sau 10 năm theo đuổi ESG 2
Giá trị thương hiệu của Vinamilk từ 2019-2022 theo Brand Finance

Tại Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững" do VCCI tổ chức vào tháng 9/2022, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính tại Vinamilk cho biết qua các đánh giá, báo cáo hàng năm, ban lãnh đạo công ty nhận ra việc thực hành ESG mang đến nhiều cơ hội hơn, từ những lợi ích về tài chính như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư hay những giá trị kinh tế lâu dài như duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp”.

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, ông John Bowen – Giám đốc khách hàng toàn cầu, cũng chỉ ra những thuận lợi, cơ hội của doanh nghiệp tiếp cận ESG, đặc biệt là khi huy động vốn. Theo ông, ngày càng nhiều doanh nghiệp được cho vay hay thế chấp với lãi suất rẻ hơn nến họ chứng minh được hoạt động ESG bằng dữ liệu, số liệu rõ ràng. Hiện, mọi sản phẩm của ngân hàng Standard Chartered đưa ra thị trường đều đang được xem xét ở góc độ bền vững.

Tính đến ngày 31/12/2022, 2 ngân hàng nước ngoài mà Vinamilk đang có khoản vay lớn nhất gồm Sumitomo Mitsui Banking và DBS bank (ngân hàng lớn nhất Singapore) đều là những ngân hàng đi đầu về cung cấp tài chính chuyển đổi và bền vững.

Đơn cử như DBS, năm 2021, ngân hàng này đã công bố mục tiêu tài chính bền vững sẽ tăng lên 50 tỷ SGD (tương đương 37 tỷ USD) vào năm 2024, đồng thời tham gia Liên minh Ngân hàng Net-Zero cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 hoặc sớm hơn.

Mặc dù Vinamilk thuộc nhóm dẫn đầu về mức độ trưởng thành ESG tại Việt Nam, nhưng công ty vẫn chưa có một lãnh đạo ESG (cấp giám đốc) như Giám đốc Phát triển bền vững (CSO). Theo PwC, CSO sẽ giúp thúc đẩy và triển khai các sáng kiến ESG một cách hiệu quả hơn. Bằng chứng cho thấy các CSO được trao quyền có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể do họ có thể hiểu được mối liên hệ giữa tất cả các vấn đề ESG trong khi không làm mất đi sứ mệnh bền vững của tổ chức.

Bên cạnh đó, báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk cũng mới đảm bảo độc lập có giới hạn bởi một công ty chuyên biệt bên ngoài ở một số chỉ số phát triển bền vững được lựa chọn.

Theo báo cáo của PwC, so với các đối tác toàn cầu, các công ty tại Việt Nam hiện vẫn còn đi sau trong việc đảm bảo tính độc lập của báo cáo ESG. Theo nghiên cứu, một nửa các doanh nghiệp toàn cầu (58%) đã đảm bảo tính độc lập về thông tin ESG.