Quỹ đầu tư 'đỏ mắt' tìm doanh nghiệp tích hợp ESG

Quỳnh Chi - 08:00, 23/03/2023

TheLEADERTheo chuyên gia của VIOD, bản thân các quỹ đầu tư đang gặp nhiều áp lực trong việc tìm kiếm doanh nghiệp đạt các chuẩn mực về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để giải ngân mặc dù lượng vốn từ các nhà đầu tư không ngừng tăng lên.

Quỹ đầu tư 'đỏ mắt' tìm doanh nghiệp tích hợp ESG
Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm chiến lược quản trị có tích hợp ESG

Doanh nghiệp trước áp lực chuyển mình

“Thay đổi hay là chết" là một câu được truyền đi rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp như một phương án tồn tại qua những cơn sóng giữ do đại dịch Covid-19 gây nên. Kể cả khi đại dịch đã trôi qua thì những xu hướng mới được hình thành trên thế giới buộc các doanh nghiệp không ngừng chuyển mình để không chỉ thích ứng với bối cảnh mới mà còn nắm bắt được cơ hội. Một trong số đó là dòng vốn đầu tư mới đang không ngừng tăng lên đang tìm kiếm các doanh nghiệp chất lượng.

Trong sự kiện Directors Talk #8 do Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tổ chức, TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia quản trị công ty ASEAN, Giám đốc phụ trách Ban Cố vấn chuyên môn VIOD cho biết, mặc dù số lượng công ty niêm yết có xu hướng giảm ở các nền kinh tế phát triển nhưng lại có xu hướng tăng lên ở khu vực châu Á. Điều này đã tạo dấu ấn về sự thay đổi trong đặc điểm của các doanh nghiệp đại chúng trên quy mô toàn cầu.

Đến cuối năm 2021, số lượng công ty niêm yết ở châu Á đã chiếm 56% tổng số lượng công ty niêm yết trên các sàn chứng khoán toàn cầu. Do vậy, những đặc điểm quản trị tại các công ty châu Á dần trở thành chủ đề quan tâm mới với các nhà đầu tư.

Cấu trúc “nhóm công ty” (tập đoàn), đặc điểm chung của các công ty tại thị trường châu Á và ASEAN, được cho là đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, hiệu quả kinh doanh và sức mạnh tương hỗ tổng hợp. Dù vậy, sự đa dạng và phức tạp trong cấu trúc này đã đặt ra nhiều thách thức mới cho các cơ quan quản lý và thị trường trong việc đảm bảo đối xử bình đẳng với tất cả cổ đông trong các công ty con là các công ty niêm yết / đại chúng thuộc nhóm công ty / tập đoàn.

Bà Hiền cho rằng, đứng trước những thách thức đó, các quỹ và định chế tài chính trung gian là nhà đầu tư có tính chuyên nghiệp ngày càng nhiều, quản lý khối tài sản ngày càng lớn cũng sẽ ngày càng có vai trò quan trọng để thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị, tạo áp lực trong cải tổ quản trị công ty. Đó cũng là một sự chuẩn bị cần thiết của các doanh nghiệp để có thể ứng phó với các rủi ro tiềm ẩn và khó lường.

Bên cạnh đó, quy mô tài sản quản lý của các nhà đầu tư tổ chức và quỹ đầu tư toàn cầu đã biến họ trở thành những cổ đông quan trọng tại các công ty niêm yết. Sự xuất hiện của những rủi ro mới và bất ngờ như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 cũng làm sáng tỏ một số điểm yếu trong thực thi quản trị những rủi ro không thể hình dung trước này. Biến đổi khí hậu và những rủi ro không lường trước trở thành những chủ đề chính liên quan đến các nhà đầu tư và tập đoàn cũng như xã hội nói chung.

Do vậy, đa số công ty trên toàn cầu và các cơ quan quản lý đã và đang tăng cường xem xét các chiến lược ứng phó với rủi ro và tiếp cận các cơ hội phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, những người đang yêu cầu có thông tin nhiều hơn, tốt hơn để định giá công ty cũng như ra các quyết định đầu tư và biểu quyết của họ.

Bà Hiền cho biết, mức độ quan tâm đến ESG của các quỹ đầu tư ngày càng tăng mà minh chứng rõ nét nhất là qua con số tài sản đang được các quỹ gắn nhãn ESG và khí hậu quản lý. Cụ thể, giá trị tài sản mà quỹ mang nhãn ESG ở toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Con số này ở châu Á là gấp bốn lần và ở Đông Nam Á tăng hơn hai lần.

“Tuy nhiên, bản thân các quỹ gặp nhiều áp lực khi có lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nhưng không giải ngân được vì cần tìm các doanh nghiệp đạt các chuẩn mực về ESG và chống biến đổi khí hậu. Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu doanh nghiệp có thể chuyển mình", bà Hiền nhận định.

Các vấn đề khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn mới

Đại diện VIOD cho biết, nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Á đã có những bước chuẩn bị để sẵn sàng đón đợi và nắm bắt cơ hội. Họ đã xây dựng các uỷ ban / hội đồng đảm bảo vai trò trách nhiệm của việc giám sát rủi ro và cơ hội về phát triển bền vững. Số lượng doanh nghiệp thành lập các uỷ ban chiếm tỷ lệ 10% trên toàn cầu. Con số này ở châu Á đạt trên 5% và Đông Nam Á gần 5%.

Đáng chú ý, nếu Thái Lan có tới 15% hay Philippines có 7% doanh nghiệp niêm yết đã xây dựng các uỷ ban phụ trách phát triển bền vững, thì con số được ghi nhận ở Việt Nam còn chưa đạt 1%. Đây là con số mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cần lưu tâm.

“Các doanh nghiệp xây dựng uỷ ban này là các doanh nghiệp có quy mô lớn không có nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) không có cơ hội. Các quỹ đầu tư cũng sẽ cần các SME đạt các chuẩn này để đầu tư", bà Hiền bổ sung.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững còn khá ít. Các doanh nghiệp cũng có xây dựng phần mục trong báo cáo thường niên nhưng hàm lượng thông tin chia sẻ với thị trường về mức độ sẵn sàng của HĐQT về phát triển bền vững, từ việc thành lập các uỷ ban, xây dựng chính sách và chương trình hành động cũng như triển khai trong tổ chức… còn hạn chế.

Quỹ đầu tư “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp tích hợp ESG trong chiến lược quản trị
TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia quản trị công ty ASEAN, Giám đốc phụ trách Ban Cố vấn chuyên môn VIOD

Bà Hiền cho biết, phần lớn doanh nghiệp trong khu vực và toàn cầu đang áp dụng Tiêu chuẩn lập báo cáo phát triển bền vững GRI (tiêu chuẩn GRI) để báo cáo về tác động của mình đối với nền kinh tế, môi trường và / hoặc xã hội. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tham khảo các chuẩn mực và khung về ESG khác như IIRC, TCFD và SASB… và lựa chọn bộ tiêu chuẩn phù hợp nhất với ngành nghề cũng như đáp ứng nhu cầu của quỹ mà doanh nghiệp đang hướng đến để thu hút vốn.

Một lưu ý khác được chuyên gia của VIOD đưa ra là việc áp dụng chính sách thù lao của ban điều hành gắn với tiêu chí phát triển bền vững đã khá phổ biến trên toàn cầu nhưng còn hạn chế hơn ở châu Á. Bà Hiền cho biết, ở Việt Nam chưa có thông tin nghiên cứu chính thức nhưng đã xuất hiện đâu đó trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trước những vấn đề nổi cộm liên quan đến cơ chế bảo vệ cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ trong các tổ chức có cấu trúc tập đoàn, các doanh nghiệp có cấu trúc sở hữu kim tự tháp hay sở hữu chéo, các nguyên tắc công bố tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp đã được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hơn.

Vai trò của HĐQT trong bối cảnh mới

Trước bối cảnh đó, tháng 11/2021, Ủy ban Quản trị công ty của OECD đã tiến hành đánh giá sự phù hợp của Các Nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD để cập nhật các nguyên tắc này dựa trên những diễn biến gần đây trên thị trường vốn cũng như các chính sách và thông lệ quản trị công ty.

Theo bà Hiền, bộ nguyên tắc này dự kiến sẽ chính thức ban hành trong năm 2023, mở ra nhiều thông điệp mà thành viên HĐQT các công ty cần xem xét, đánh giá và chuẩn bị thích ứng trong bối cảnh và xu hướng quản trị mới trong nhiều năm sắp tới. Nổi bật trong đó là 10 lĩnh vực ưu tiên của G20/OECD.

Một là quản lý biến đổi khí hậu và các rủi ro theo môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Hai là sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật số và cơ hội cùng rủi ro mới phát sinh đi kèm. Ba là xu hướng thay đổi trong cấu trúc sở hữu và sự gia tăng mức độ tập trung sở hữu. Bốn là vai trò phụng sự của các quỹ đầu tư và tổ chức đầu tư. Năm là quản trị khủng hoảng và rủi ro. Sáu là sự gia tăng khẩu vị rủi ro trong khối doanh nghiệp phi tài chính. Bảy là vai trò và quyền hạn của chủ nợ trong quản trị công ty. Tám là thù lao điều hành. Chín là vai trò của các uỷ ban trong HĐQT. Mười là sự đa dạng trong HĐQT và quản lý cấp cao.

Trong bối cảnh đó, vai trò của HĐQT được các chuyên gia nhấn mạnh ở sáu nội dung quan trọng.

Một là đánh giá lại mục tiêu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới, đặc biệt là có thể phải điều chỉnh các lĩnh vực đối mặt nhiều nhất với sự thay đổi.

Hai là thành lập các uỷ ban ứng phó với bối cảnh mới. Thứ ba là xem xét về mặt cơ cấu uỷ ban và cơ cấu HĐQT để đáp ứng được tính đa dạng cũng như khả năng cung cấp thêm năng lực thích ứng với các vấn đề mới của HĐQT.

Bốn là phân tích sự phù hợp của các chiến lược trong bối cảnh mới, từ đó có chương trình hành động, phối hợp với các kênh hữu quan thông qua các kênh thông tin và trao đổi thông tin. Năm là chọn lựa con đường phát triển cho công ty đảm bảo bền vững và bền bỉ. Sáu là liên tục cập nhật và ứng phó với sự thay đổi.