Vốn con người ngày càng được coi trọng

Phạm Sơn - 20:37, 30/10/2020

TheLEADERCách mạng công nghệ 4.0 với sự trỗi dậy của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm dấy lên những lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh công nghệ, vốn con người ngày càng được coi trọng và được ưu tiên.

Vốn con người ngày càng được coi trọng
Tiến bộ về công nghệ đã và đang tiếp tục góp phần vào việc định hình thị trưởng lao động toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra cơn khủng hoảng nghiêm trọng trên thị trường lao động toàn cầu, khi đa số các doanh nghiệp lựa chọn thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, cắt giảm nhân sự để giải tỏa áp lực tài chính.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong nửa đầu năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức 6,6%. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự đoán, con số này có thể tăng gấp đôi vào cuối năm, thậm chí tăng cao hơn nữa đối với những tình huống bi quan.

Cùng với đó, tiến bộ về công nghệ đã và đang tiếp tục góp phần vào việc định hình thị trường lao động toàn cầu. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, đến năm 2025, khoảng 15% lực lượng lao động có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi công nghệ và khoảng 6% có thể mất việc hoàn toàn.

Tuy nhiên, kịch bản trên hoàn toàn nằm trong tính toán và tránh được với một cuộc “cách mạng” về kỹ năng công việc cho người lao động.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia WEF cho biết, trong một thế giới của công nghệ, có thể là khoảng 10 năm tới, vốn con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng và đáng để đầu tư nhất, như những gì mà ông cha ta đã dạy, “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”.

Bức tranh toàn cảnh về lao động của 10 năm tới

Vừa qua, WEF đã tổ chức chuỗi đối thoại với chủ đề Tương lai của việc làm, quy tụ những đại diện là chuyên gia hàng đầu đến từ chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để thảo luận thị trường lao động toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19 cũng như cách mạng công nghệ 4.0.

Nhóm chuyên gia đã tổng hợp lại các ý kiến và đưa ra 5 xu hướng chính có khả năng sẽ định hình thị trường lao động trong tương lai.

Đầu tiên, ảnh hưởng Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát thành công. Cụ thể, Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế “ít chạm”, thay đổi hoàn toàn quy trình làm việc của nhiều doanh nghiệp.

Những lệnh giãn cách xã hội, phương án phòng chống dịch hiệu quả nhất trong thời kỳ bùng phát mạnh mẽ khiến làm việc từ xa dựa trên nền tảng công nghệ số trở nên bắt buộc. 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã và đang có kế hoạch cắt giảm nhân sự do thay đổi về quy trình làm việc này.

Tuy nhiên, cũng có 34% doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng thêm quy mô nhân sự để phục vụ cho nền tảng tích hợp công nghệ và 41% cho biết sẽ đầu tư thuê ngoài cho các dự án chuyên biệt.

Thứ hai, tự động hóa sẽ tiếp tục gia tăng. Theo WEF, đến năm 2025 có khoảng 85 triệu việc làm được thay thế bằng máy móc.

Tự động hóa chủ yếu diễn ra trong các ngành nghề có công việc lặp đi lặp lại, bao gồm từ những ngành nghề lao động phổ thông cho tới các công việc văn phòng như kế toán, thủ thư.

Tương lai của thị trường lao động: Vốn con người ngày càng được coi trọng
Sự chuyển dịch về việc làm trong 5 năm tới. Ảnh: WEF.

Thứ ba, xuất hiện thêm 97 triệu việc làm mới cho những vị trí liên quan đến công nghệ, bao gồm nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và máy học, phát triển ứng dụng và phần mềm…

Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi những ngành nghề kể trên đều đang là những ngành nghề được các chương trình giáo dục và đào tạo chú trọng đẩy mạnh.

Thứ tư, sự kết hợp giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm là phẩm chất được mong đợi ở người lao động, cụ thể là kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý bản thân cũng như khả năng phục hồi, khả năng chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt.

Đây được xem là những yếu tố cần thiết để người lao động đối mặt với áp lực thích ứng với phương thức làm việc và công nghệ mới và có thể sẽ thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh.

Cuối cùng, vốn con người là yếu tố quan trọng nhất. Kể từ khi những nền tảng số sơ khai được áp dụng, những câu chuyện kể về chiếc tên lửa phát nổ chỉ vì một dấu gạch nối đặt sai chỗ hay công ty ở Nhật thiệt hại hàng trăm triệu USD do nhân viên đánh máy sai chính tả là lời cảnh tỉnh về những hậu quả khủng khiếp khi hệ thống máy móc được vận hành bất cẩn và thiếu trách nhiệm.

Từ lý do này, các doanh nghiệp cho biết sẽ đặt ưu tiên hàng đầu vào công tác đào tạo, nâng cao vốn nhân lực. Theo các chuyên gia WEF, khoảng 40% kỹ năng của người lao động cần được cập nhật lại để đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai.

Giúp người lao động thích ứng trong tương lai mới là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tại chuỗi đối thoại Tương lai của việc làm, các chuyên gia đều nhất trí với đề xuất cần có một cuộc cách mạng về kỹ năng lao động diễn ra trên quy mô toàn cầu, với sự tham gia của chính phủ, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các bên liên quan và cả cá nhân mỗi người lao động.