VPBank sẽ bán 15% vốn cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD

Trần Anh - 06:46, 12/03/2023

TheLEADERThương vụ dự kiến hoàn tất ngay trong tháng 3 này.

Theo nguồn tin của Bloomberg, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC, thuộc tập đoàn Sumitomo Mitsui, với mức giá 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu. Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ được ký kết vào cuối tháng này.

Mức giá mà SMBC có thể coi là khá hấp dẫn thời điểm hiện tại, khi giá cổ phiếu VPB đang giao dịch trên sàn chứng khoán chỉ là hơn 18.000 đồng/cổ phiếu.

Ngân hàng đã lên kế hoạch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ năm 2021 và đặt mục tiêu hoàn tất việc bán vào năm ngoái. Bà Lưu Thị Thảo, Phó giám đốc điều hành thường trực của VPBank, cho biết số tiền thu được sẽ giúp ngân hàng bổ sung vốn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 1, Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui, Jun Ohta cho biết, công ty đang thảo luận về việc hợp tác vốn với VPBank, dựa trên liên minh với công ty này. Trước đó, ngân hàng này đã mua 49% cổ phần của công ty cho vay tiêu dùng Việt Nam FE Credit từ VPBank.

Trước khi đầu tư vào VPBank, Sumitomo Mitsui đã công bố bán cổ phần tại Eximbank sau hơn 15 năm hợp tác đầu tư. Xung đột kéo dài giữa các nhóm cổ đông trong nước khiến Eximbank tụt lại trong cuộc đua tăng trưởng quy mô các nhân hàng, và Sumitomo Mitsui không còn đủ kiên nhẫn.

Thương vụ M&A của VPBank và SMBC diễn ra giữa thời điểm các ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ USD vào châu Á để cung cấp dịch vụ cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng trong khu vực. Vào tháng 11, Sumitomo Mitsui đã đồng ý mua thêm cổ phần của Ngân hàng Thương mại Rizal có trụ sở tại Philippines với giá khoảng 460 triệu USD.

VPBank là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản hơn 631.000 tỷ đồng tính tới cuối tháng 12/2022. Hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng này bao gồm các hoạt động bán lẻ, doanh nghiệp, tài chính tiêu dùng và quản lý tài sản.

Năm ngoái ngân hàng mẹ VPBank đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 24.000 tỷ đồng, tuy nhiên công ty con là FE Credit lại thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, do tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng cao.