Xác định danh tính nhà đầu tư ngoại trong dự án 7.300 tỷ tại Thủ Thiêm

Ngọc Hải - 08:00, 10/09/2017

TheLEADERThông qua thâu tóm cổ phần của các đối tác trong nước, Keppel Land đã sở hữu 20 dự án bất động sản với tổng cộng 25.000 căn nhà ở Việt Nam.

Như TheLEADER đã đưa tin, UBND TP. HCM mới đây đã chấp nhận cho Công ty CP Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư khu phức hợp Sóng Việt có diện tích gần 7,6ha, tổng vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng trên bán đảo Thủ Thiêm.

Quốc Lộc Phát thành lập ngày 4/9/2014 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng và ba cổ đông sáng lập là Nguyễn Văn Thắng (40%), Nguyễn Viết Tuấn (30%) và Lê Văn Tú (30%). Trong những năm tiếp theo, vốn điều lệ được tăng lên 1.500 tỷ đồng, đồng thời, cơ cấu cổ đông cũng thay đổi.

Đến lần thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 16/9/2016 thì xuất hiện hai cổ đông nước ngoài là Orbista (25%) và Keppel Land Thủ Thiêm (20%). Hai cổ đông khác là ông Phạm Quang Hưng giữ 45% và Nguyễn Minh Bảo Châu 10%. Lần thay đổi mới đây nhất vào ngày 17/7/2017 thì Nguyễn Bảo Minh Châu không còn nắm giữ cổ phần tại Quốc Lộc Phát.

Cổ đông ngoại là ai?

Điểm đáng lưu ý là, mặc dù cổ đông ngoại trong Quốc Lộc Phát có hai cái tên khác nhau, nhưng thực chất đều là những công ty con của Keppel Land – một trong những tập đoàn lớn nhất Singagore và có tới 20 dự án bất động sản tại Việt Nam.

Trong ba năm qua, cơ cấu cổ đông Quốc Lộc Phát liên tục xáo trộn. Sau khi ông Nguyễn Văn Thắng không còn nắm giữ cổ phần thì công ty do ông làm Chủ tịch HĐQT là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hải Đăng thay thế và chiếm 40% vốn điều lệ.

Đến năm ngoái, Hải Đăng không còn giữ cổ phần tại Quốc Lộc Phát, nhưng có lúc số cổ phần của ông Phạm Quang Hưng lại tăng vọt, chiếm tới 70% vốn điều lệ.

Ngày 21/3/2016, Keppel Corporation chính thức xác nhận, công ty con là Kepple Land Thủ Thiêm đã ký thoả thuận mua bán với ông Phạm Quang Hưng, một cổ đông của Quốc Lộc Phát, để mua 30 triệu cổ phiếu, tương đương với 20% vốn điều lệ với giá trị xấp xỉ 330 tỷ đồng.

Sáu tháng sau, Orbista – một công ty do Keppel Land sở hữu 100% vốn, tiếp tục mua 25% cổ phần Quốc Lộc Phát của ông Phạm Quang Hưng với trị giá 412 tỷ đồng.

Như vậy, từ chỗ không có tên trong số cổ đông sáng lập, nhưng qua hai lần thâu tóm, Keppel Land đã nâng tổng số cổ phần tại Quốc Lộc Phát lên 45%, tương đương với ông Phạm Quang Hưng. Qua đó, Keppel Land đã nắm quyền phát triển khu chức năng số 1 – một trong những dự án quan trọng nhất của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Saigon Centre - một trong 20 dự án của Keppel Land tại Việt Nam

Vươn vòi bạch tuộc

Trước đó, cũng bằng cách mua cổ phần, Keppel Land đã thâu tóm thành công một dự án bất động sản “khủng” khác tại Thủ Thiêm là Empire City.

Dự án Empire City rộng 14,6ha nằm ngay đầu đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm được cấp phép cho liên doanh giữa Công ty Dever Power (Vương quốc Anh) và hai công ty bất động sản trong nước là Trần Thái và Tiến Phước. Dự án có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, được thiết kế với 4.000 căn hộ và một toà tháp phức hợp 86 tầng.

Cùng với thời điểm Keppel Land Thủ Thiêm mua 20% cổ phần tại Quốc Lộc Phát thì Keppel Land cũng đạt được thoả thuận chi 94 triệu USD mua 40% cổ phần trong Công ty TNHH Empire City và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này. Tổng số cổ phần của hai đối tác Việt Nam giảm xuống còn 30%, tương đương với số cổ phần của Dever Power.

Keppel Land cũng liên doanh với Trần Thái và Tiến Phước trong dự án khu phức hợp ven sông Nam Rạch Chiếc có quy mô 30ha và 4.700 căn hộ.

Nhờ những thương vụ này, Keppel Land đã nâng số dự án bất động sản tại Việt Nam lên con số 20, với tổng số khoảng 25.000 căn nhà đã và sẽ được cung cấp ra thị trường.

Phương thức Keppel Land mở rộng đầu tư tại Việt Nam cũng phù hợp với xu hướng được đề cập trong báo cáo gần đây của CBRE với tựa đề: “Top điểm đến đầu tư Châu Á Thái Bình Dương – cách thức tiếp cận mới”.

CBRE nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nâng mức độ rủi ro của các khoản vay mua tài sản tại các ngân hàng thương mại từ 150% lên mức 200% và giảm tỷ lệ cho văn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn bao gồm cả vay thế chấp, từ 60% còn 50% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018.

Khi các ngân hàng hạn chế cho vay, các chủ đầu tư Việt Nam có thể tìm đến các kênh vốn vay khác và CBRE cho rằng, đây chính là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn sở hữu hoặc góp vốn thông qua các kênh đầu tư khác.