8 hiệp hội kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân khỏi Luật dân chủ tại cơ sở

Nhật Hạ - 20:04, 20/10/2022

TheLEADERViệc áp dụng Luật thực hiện dân chủ cơ sở cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp.

Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến sắp được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2022.

Tuy nhiên, mới đây, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam vừa có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của luật này.

Đối với việc lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng được quy định trong dự thảo luật, theo các hiệp hội, hiện doanh nghiệp chỉ nắm thông tin qua phương tiện truyền thông, chưa nhận được bất cứ thông tin đề nghị, yêu cầu tham gia đóng góp ý kiến cũng như có các buổi họp, hội thảo giải thích, lấy ý kiến chính thức về dự thảo luật, trong khi doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động lớn của luật này.

Bên cạnh đó, về việc áp dụng Luật thực hiện dân chủ cơ sở cho doanh nghiệp tư nhân, các hiệp hội cho rằng, quy định này áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp.

Bởi, cơ cấu vận hành của doanh nghiệp tư nhân khác hoàn toàn với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư để gây dựng doanh nghiệp bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, vì vậy doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định trong việc quản trị doanh nghiệp mà không cần phải hỏi ý kiến người lao động.

8 hiệp hội kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân khỏi Luật dân chủ tại cơ sở
Doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp đang thực hiện quy chế dân chủ rất tốt theo luật pháp quy định (Luật Lao động, Luật Công đoàn), đồng thời chưa có điều tra, khảo sát doanh nghiệp, người lao động, công đoàn để nói lên việc doanh nghiệp thực hiện không tốt theo quy định pháp luật, chưa có dân chủ trong doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Việc thêm Luật Dân chủ ở cơ sở sẽ gây ra sự chồng chéo, trùng lặp.

Doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động để đại diện cho người lao động, không thể phát sinh thêm 1 tổ chức mới là thanh tra nhân dân hoạt động chồng chéo nữa gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho công đoàn và doanh nghiệp.

Việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của doanh nghiệp đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị doanh nghiệp (tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương...) cho toàn thể người lao động, công đoàn, ban thanh tra nhân dân là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ; đồng thời đã có các đoàn thanh tra để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, vậy nên doanh nghiệp phải được tự do vận hành, quản trị.

Việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh ra yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp.

Theo các hiệp hội, đa số các doanh nghiệp đang thực hiện theo đúng luật và chăm lo cho người lao động rất tốt, không chỉ vì 1 vài doanh nghiệp thực hiện không tốt mà áp dụng chung luật này cho toàn thể doanh nghiệp.

Trước đó, góp ý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp được hiểu nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, được tham gia có ý kiến, giám sát, kiểm tra những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động như: người lao động tham gia ý kiến; người lao động bàn và quyết định một số nội dung; người lao động kiểm tra, giám sát quy định tại Chương IV dự thảo sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp nếu các hoạt động này bị lạm dụng và/hoặc thực hiện một cách không hợp lý, không phù hợp.

Điều này có thể tạo ra chi phí thực hiện, rủi ro trong quá trình thực hiện khi thành lập doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây có thể là một lực cản khiến nhiều hộ kinh doanh, những mô hình kinh doanh không chính thức không đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp, ngại thành lập doanh nghiệp chính thức. Về dài hạn điều này không tốt cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, VCCI cho rằng, “kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” là phạm vi quá rộng, Ban Thanh tra nhân dân có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu, thông tin không liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Những thông tin này có thể liên quan đến bí mật kinh doanh hoặc những nội dung không cần phải công khai cho người lao động. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nếu Ban Thanh tra nhân dân lạm dụng quyền hạn.