Phát triển văn hóa, quản trị doanh nghiệp thành lợi thế cạnh tranh

Phương Anh - 15:24, 28/09/2022

TheLEADERQuản trị doanh nghiệp tốt tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với những bất ổn trong kinh doanh.

Số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết năm 2021, Việt Nam có gần 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp, và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người.

Việt Nam đã có 7 doanh nhân lọt vào tốp tỷ phú USD toàn cầu năm ngoái, có 124 doanh nghiệp với hơn 280 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Trong số đó, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25.

Thông tin này được ông Phòng đưa ra tại Toạ đàm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW mới đây.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, đánh giá, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Cụ thể, khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, tập thể trong nước hiện đóng góp khoảng 68% GDP, trên 70% nguồn thu ngân sách, thu hút 10,2 triệu lao động, tạo ra gần 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Về chính trị, doanh nhân tham gia vào các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, một số trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, góp phần quan trọng trong việc góp ý, phản biện, xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Về xã hội, đội ngũ doanh nhân góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng...

Lượng phải đi đôi với chất

Ông Phòng nhận định sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, chưa như kỳ vọng. Mục tiêu số lượng 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.

Không chỉ vậy, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật.

Phát triển văn hóa, quản trị doanh nghiệp thành lợi thế cạnh tranh
Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp Việt đã tăng lên đáng kể, giữ vị trí đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: ILO.

Theo ông Lực, một phần nguyên nhân đến từ việc đội ngũ doanh nhân ít đổi mới công nghệ, chưa theo đuổi và phát triển công nghệ – kỹ thuật, dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia chủ yếu ở công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, sự đoàn kết, ý thức hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nhân chưa cao, chưa liên kết thành hệ sinh thái ngành để cùng cộng sinh khi vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Dù quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt có nhiều cải tiến rõ nét (đạt gần 52,7 điểm theo kết quả đánh giá trong cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2021), con số này vẫn còn thua xa mức điểm bình quân khoảng 70 – 75 điểm của doanh nghiệp Thái Lan.

Từ các vấn đề trên, ông Lực kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Cùng với đó, cần bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch hơn; sớm có giải pháp quyết liệt, chấm dứt tình trạng ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp; lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Không chỉ vậy, Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, doanh nhân tiêu biểu. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp chưa niêm yết, áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp được ban hành bởi OECD, tiến tới bắt buộc thực hiện.

Với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp để trở thành một lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu; thúc đẩy văn hóa học hỏi, sáng tạo, học ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, phương thức điều hành; chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển, hoạt động đầu tư nghiên cứu, phân tích và dự báo nhằm chủ động thích ứng với các thay đổi bên ngoài.

Trong trả lời phỏng vấn TheLEADER bên lề hội thảo gần đây, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, cho rằng, trong rất nhiều năm qua, yếu tố rất quan trọng với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là quản trị doanh nghiệp ít khi được nhắc tới.

Sự quan trọng của yếu tố quản trị trở nên càng rõ ràng và cấp thiết hơn sau đại dịch Covid-19, khi thực tế cho thấy các doanh nghiệp có thể ứng phó linh hoạt và phục hồi nhanh chóng là các doanh nghiệp có nền quản trị tốt.

Theo bà, bên cạnh tài chính, con người, quản trị công ty tốt giúp gia tăng hiệu quả các nguồn lực sẵn có, nâng tầm hình ảnh và thương hiệu doanh nghiệp, và thu hút thêm đầu tư nhờ vào sự minh bạch và công khai.

Đơn cử, quản trị công ty minh bạch giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, tránh biến động bất ngờ về lực lượng lao động, và thu hút nguồn lực mới chất lượng từ thị trường.

“Quản trị công ty tốt gắn kết các yếu tố lại với nhau, tạo ra năng lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp ứng phó với những bất ổn của kinh doanh bây giờ”, bà Thanh nhấn mạnh.