ASEAN tham gia Mạng lưới Thu hồi và lưu trữ các bon châu Á

Phạm Sơn - 14:41, 23/06/2021

TheLEADERMạng lưới Thu hồi và lưu trữ các bon châu Á được thành lập bởi Bộ Kinh tế và thương mại Nhật Bản, với sự tham gia của Úc, Mỹ và 10 nước thành viên ASEAN.

ASEAN tham gia Mạng lưới Thu hồi và lưu trữ các bon châu Á
Thu hồi và lưu trữ các bon là chìa khóa để chống biến đổi khí hậu.

Đây là sáng kiến được Nhật Bản đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng năng lượng cấp cao Đông Á (EAS – EMM) lần thứ 14, tổ chức vào tháng 11/2020. Sáng kiến nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ lưu trữ các bon trên khắp châu Á, một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính.

Mạng lưới Thu hồi và lưu trữ các bon châu Á chính thức ra mắt vào ngày 22/6/2021. Hoạt dộng dựa trên quan hệ hợp tác công – tư, bên cạnh sự tham gia Nhật Bản, Mỹ, Úc và 10 nước thành viên ASEAN, Mạng lưới còn có thành viên là hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp trên toàn châu Á.

Một số doanh nghiệp tham gia vào Mạng lưới có thể kể đến như Tập đoàn dầu khí Inpex, Tập đoàn Mitsubishi, Nippon, Ngân hàng MUFG…

Theo Nikkei Asia Review, các doanh nghiệp sẽ tiến hành dự án bơm khí thải các bon xuống lòng đất để vận chuyển xuyên biên giới đến nơi có đủ khả năng lưu trữ thông qua những đường ống ngầm.

Bên cạnh đó, công nghệ hóa lỏng khí thải các bon để vận chuyển cũng là trọng tâm nghiên cứu, phát triển của Mạng lưới.

Các công cụ kể trên cho phép tận dụng tối đa công suất lưu trữ có thể lên đến 10 tỷ tấn của nhiều nước châu Á, trong khi một số quốc gia có mức phát thải cao nhưng ít khả năng lưu trữ các bon

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết, thông qua Mạng lưới, Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ cho việc phát triển thu hồi, lưu giữ các bon tại khu vực châu Á, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Một bản hướng dẫn thực hành về thu hồi và lưu trữ các bon sẽ được Mạng lưới xây dựng, dự kiến cho ra mắt vào tháng 8 năm nay.

Thu hồi và lưu trữ các bon là chìa khóa quan trọng để thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu tại châu Á nói chung và khu vực ASEAN nói riêng, khi nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch tại những khu vực này vẫn tương đối cao.

Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, khu vực ASEAN cần phải tiến hành thu hồi, lưu trữ 35 triệu tấn khí thải các bon vào năm 2030 và 200 triệu tấn vào năm 2050.

Ước tính chi phí để thực hiện mục tiêu lưu trữ các bon năm vào năm 2030 rơi vào khoảng hơn 1 tỷ USD mỗi năm, là “một khoản đầu tư quá lớn đối với riêng khu vực tư nhân”, theo Nikkei Asia Review. Vì vậy, một cơ chế hợp tác công – tư với sự hỗ trợ của các nước phát triển là giải pháp vô cùng cần thiết.