Bài 1: Liên tiếp những hồi chuông cảnh tỉnh về sở hữu kỳ nghỉ

Thu Phương - 11:14, 08/08/2023

TheLEADERTình trạng "vàng thau lẫn lộn" trong kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả khách hàng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.

LỜI TOÀ SOẠN

Sở hữu kỳ nghỉ đã chứng minh là mô hình kinh doanh mang lại lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, nhưng việc một số doanh nghiệp bán sở hữu kỳ nghỉ bằng mọi giá đã làm biến tướng mô hình này. Chuyên đề "Ma trận sở hữu kỳ nghỉ" sẽ phân tích những ưu, nhược điểm và làm thế nào phát huy thế mạnh, đồng thời hạn chế rủi ro của hình thức kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ ở Việt Nam.

Bài 1: Liên tiếp những hồi chuông cảnh tỉnh

Trong vòng chưa đầy một tháng, các cơ quan chức năng đã ba lần phát hành văn bản khuyến nghị người dân cẩn trọng khi mua sở hữu kỳ nghỉ.

Mới đây nhất, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với hoạt động sở hữu kỳ nghỉ du lịch, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua các gói dịch vụ.

Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công thương cũng đã có thông báo, khuyến nghị người dân lưu ý, nghiên cứu kỹ thông tin trước khi giao kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Ủy ban này cho biết, thời gian vừa qua, không ít khách hàng phản ánh về việc họ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ cam kết hoặc quảng cáo.

Ngay sau đó, Tổng cục Du lịch cũng gửi công văn đến sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, tránh tình huống bất lợi không mong muốn xảy ra gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình.

Những hồi chuông cảnh báo được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng nhận được đơn thư của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch.

Những khách hàng này cho biết đã tham gia hợp đồng sở hữu, chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết.

Rủi ro khách hàng gặp phải là rất lớn khi họ phải chịu phát sinh thêm nhiều chi phí; không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền khi không có nhu cầu sử dụng.

Có khách hàng tố cáo bị lừa ký vài hợp đồng một lúc trong khi không có nhu cầu sử dụng hết, hoặc cũng có khách hàng đã ký hợp đồng mua sở hữu kỳ nghỉ nhưng khu nghỉ dưỡng xây dựng dở dang và không biết đến khi nào mới hoàn thành.

Năm ngoái, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - nay là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với một đơn vị kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ tại Khánh Hoà.

Sau đó, ủy ban này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này đối với hai hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng và sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định.

Đến nay, công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin đối với hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng.

Với dung lượng thị trường ngày càng lớn, hình thức sở hữu kỳ nghỉ phức tạp do có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mô hình này, sẽ ngày càng có nhiều khách hàng lạc vào ma trận sở hữu kỳ nghỉ.

Ma trận sở hữu kỳ nghỉ
Quy mô thị trường sở hữu kỳ nghỉ ngày càng lớn. Ảnh: Hoàng Anh

Nhận diện bản chất

Sở hữu kỳ nghỉ là hình thức kinh doanh đã có từ lâu tại nhiều quốc gia và về bản chất, sở hữu kỳ nghỉ là hợp đồng cung cấp một gói dịch vụ lưu trú có kỳ hạn hoặc dài hạn cho khách hàng.

Theo đó, người mua sẽ được cung cấp thời gian nghỉ tại một khách sạn, thường là 7 ngày mỗi năm, trong thời gian từ 15 - 35 năm. Giá một gói sở hữu kỳ nghỉ dao động từ 200 - 500 triệu đồng.

Hiện có ba loại hình sở hữu kỳ nghỉ phổ biến trên thị trường là tuần nghỉ cố định, tuần nghỉ không cố định và thẻ kỳ nghỉ hay tích luỹ điểm trừ dần.

Tuần nghỉ cố định là loại hình cơ bản nhất và phổ biến nhất. Theo đó, khách hàng mua một tuần nghỉ cụ thể trong năm, tại một loại phòng nghỉ cụ thể. Khi có nhu cầu thay đổi thời gian đi nghỉ, chia tách tuần nghỉ hay thay đổi loại phòng, khách hàng cần báo với đơn vị cung cấp dịch vụ trước một tháng và mất thêm phí.

Tuy nhiên, việc có đổi được tuần nghỉ hay không phải căn cứ vào tình trạng phòng trống của khu nghỉ. Nhiều trường hợp khách hàng khiếu nại vì không thể đổi được kỳ nghỉ do khu nghỉ dưỡng không còn phòng trống.

Đối với loại hình tuần nghỉ không cố định hay tuần thả nổi, khách hàng được sở hữu một tuần nghỉ của khu nghỉ dưỡng với loại phòng cố định và chưa xác định thời gian cụ thể. Về mặt lý thuyết, khách được đăng ký đi nghỉ vào một khoảng thời gian bất kỳ lúc nào trong năm. Nhưng trên thực tế, việc đặt phòng vẫn phải tùy thuộc vào tình trạng phòng sẵn có.

Thực tế, nhiều khách hàng khiếu nại vì không thể đăng ký sử dụng tuần nghỉ, với lý do từ phía khu nghỉ dưỡng là “phòng nghỉ không có sẵn, mời chọn thời gian khác”. Nhiều đơn vị đã bị phát hiện ưu tiên nhận đặt phòng của khách lẻ thay vì nhận yêu cầu sử dụng tuần nghỉ của khách hàng. Điều này đã khiến các khách hàng mua sở hữu kỳ nghỉ rất khó khăn trong việc đặt phòng.

Loại hình thứ ba là thẻ kỳ nghỉ hay tích luỹ điểm trừ dần, khách hàng được công ty cung cấp một tài khoản điểm nhất định và mỗi lần đi nghỉ, tùy theo thời gian, hạng phòng, số người đi nghỉ mà tài khoản sẽ bị trừ số điểm tương ứng.

Tuy nhiên, cũng giống như hai loại hình trên, việc “đặt phòng bất cứ khi nào” đôi khi chỉ là lý thuyết. Khách hàng không thể đặt phòng tuỳ thích, nhất là vào các dịp lễ, tết hay các mùa du lịch cao điểm.

Không chỉ đa dạng về các loại hình sở hữu kỳ nghỉ, các công kinh kinh doanh loại hình sản phẩm này tại Việt Nam hiện nay cũng muôn hình muôn vẻ. Mỗi công ty đưa ra một loại hình sở hữu khác nhau, trong khi thông tin đưa ra tới khách hàng lại không cụ thể, rõ ràng hoặc thổi phồng khiến họ không hiểu đúng, hiểu đủ và gặp rủi ro trong quá trình mua và sử dụng sở hữu kỳ nghỉ.

Xét về bản chất các doanh nghiệp kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ, có thể chia các công ty này thành hai loại: Doanh nghiệp bán kỳ nghỉ có sở hữu khu nghỉ gốc và doanh nghiệp bán kỳ nghỉ không sở hữu khu nghỉ gốc.

Doanh nghiệp đầu tiên triển khai loại hình thứ nhất là Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường từ hơn 10 năm trước, tiếp đó là Ninh Vân Bay, FLC Holidays, Crystal Bay, và Crystal Holidays.

Gần đây đã xuất hiện một số doanh nghiệp bán dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ nhưng không sở hữu khu nghỉ gốc, trường hợp điển hình là Công ty TNHH Holidays Vietnam.

Từ thực tế có nhiều các hình thức sở hữu kỳ nghỉ cũng như có nhiều công ty kinh doanh, dịch vụ kinh doanh này dễ bị biến tướng, hoạt động tư vấn bán hàng thiếu minh bạch, đánh tráo khái niệm, mập mờ khiến khách hàng hiểu sai về sản phẩm.

Nhưng, có phải hình thức kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ chỉ toàn mặt trái? 

Bài 2: Mô hình tốt bị biến tướng