Băn khoăn mục tiêu tăng trưởng

An Chi - 09:19, 28/05/2022

TheLEADERTS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, môi trường kinh tế xã hội thế giới đang rơi vào tình trạng biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ. Điều này đang cản trở rất lớn đến sự phục hồi kinh tế xã hội của Việt Nam.

Băn khoăn mục tiêu tăng trưởng
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Cuối năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các dự báo tích cực đối với triển vọng kinh tế vĩ mô từ năm 2022 trở đi nhờ vào mức độ bao phủ vaccine Covid19 và các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng. 

Bên cạnh đó, sự phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân và mở cửa giữa các quốc gia trong điều kiện bình thường mới được kỳ vọng đưa nền kinh tế thế giới năm 2022 phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thách thức cho tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Tình hình thế giới xuất hiện thêm nhiều yếu tố mới mang tính căn bản đối với nền tảng phát triển kinh tế xã hội. Những nhân tố mới này khiến cho môi trường kinh tế xã hội thế giới rơi vào tình trạng biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ, cản trở sự phục hồi của các hoạt động kinh tế xã hội.

Đối với Việt Nam, sau khi cơ bản kiểm soát thành công đợt dịch Covid19 lần thứ tư, thực hiện bao phủ được vaccine cho người dân trên phạm vi toàn quốc và từng bước chuyển sang hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid19, nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi từ đầu năm 2022. 

Năm 2020 và 2021, tăng trưởng kinh tế lần lượt đạt mức 2,91% và 2,58% sang năm 2022, đà tăng trưởng đã trở nên rõ rệt hơn khi tăng trưởng GDP quý I/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của quý I/2021 (4,72%) và 2020 (3,66%). 

Các hoạt động đầu tư, tiêu dùng và xuất nhập khẩu đã tăng trưởng tốt, trở thành các động lực quan trọng để duy trì sự ổn định và đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng đang được kiểm soát trong mục tiêu đề ra, ở mức dưới 4%.

Tuy nhiên, khi đặt thực trạng kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2021 trở lại đây, ông Kiên cho rằng, những thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt Nam vẫn còn ở phía trước. Trong đó, ông Kiên đặc biệt lưu ý tới những rủi ro bất định từ tình hình thế giới.

Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt để tranh dành vị trí dẫn dắt, tăng cường lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc xung đột quân sự Nga Ukraine diễn ra và nhiều lệnh trừng phạt về kinh tế và chính trị giữa Nga và Phương Tây được ban hành liên tiếp. 

Nguồn cung ứng nhiều mặt hàng chiến lược đã bị gián đoạn như dầu mỏ, khí đốt, phân bón và nhiều kim loại quý cho sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, nguồn cung các mặt hàng lương thực quan trọng đối với tiêu dùng của người dân thế giới như lúa mỳ, ngô, dầu hướng dương cũng bị tác động nghiêm trọng từ tháng 2/2022 cho tới nay, dẫn tới nhiều dự báo về nạn thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai, gián đoạn nguồn cung năng lượng và những lo ngại về khả năng căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng khiến cho các hành vi tích trữ và đầu cơ diễn ra mạnh mẽ hơn. Đến nay đã hình thành một mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với những dự báo trước đó của các tổ chức quốc tế. 

Trong bối cảnh đó, những giải pháp để bình ổn thị trường năng lượng như nâng công suất khai thác, giải phóng nguồn dự trữ chỉ là giải pháp mang tính tạm thời trong khi các giải pháp thay thế nguồn cung ứng và chuyển đổi năng lượng trong dài hạn gặp phải thách thức lớn do chi phí đầu tư cao, trình độ công nghệ chưa hoàn thiện và thiết hụt kết cấu hạ tầng.

Thứ ba, mặt bằng giá sinh hoạt đang tăng lên mức cao. Tỷ lệ lạm phát tại nhiều quốc gia phát triển đã đạt mức kỷ lục trong tháng 32022 như Hoa Kỳ (8,5% so với cùng kỳ, kỷ lục từ năm 1981), Anh (7%, kỷ lục từ năm 1992), khu vực đồng tiền chung châu Âu (7,5%, kỷ lục từ năm 1997), Hàn Quốc (4,1%, kỷ lục từ năm 2011)… trong khi các nền kinh tế mới nổi cũng đang phải đối phó với tình trạng giá cả các mặt hàng sinh hoạt và năng lượng tăng vọt. 

Thu nhập thực tế của người dân bị giảm, tác động tiêu cực tới các quyết định chi tiêu của người dân trong bối cảnh nền kinh tế cần có sự phục hồi tiêu dùng gây ra suy thoái về kinh tế, trước hết là nguy cơ khủng hoảng nhân đạo và bất ổn chính trị ở một số nền kinh tế thu nhập thấp phải dựa vào nhập khẩu lương thực.

Thứ tư, tỷ lệ lạm phát tăng cao khiến ngân hàng trung ương các quốc gia phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng đồng thời tăng lãi suất điều hành với chu trình nhanh và liều lượng mạnh hơn dự kiến. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức tăng 0,75%, 0,9% và 0,5% trong nửa đầu năm 2022. 

Xu hướng thắt chặt tiền tệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra tại hầu hết các nước phát triển và cả ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ngay trong năm 2022. Căng thẳng địa chính trị khiến thị trường tài chính biến động mạnh, tiềm ẩn nguy cơ về khủng hoảng nợ. 

Nhiều nền kinh tế mới nổi, đang phát triển như Việt Nam gặp áp lực trong việc quản lý tỷ giá, dòng vốn nước ngoài và nợ công khi các đồng ngoại tệ mạnh tăng giá và xu hướng dòng vốn chuyển dịch sang đầu tư vào các đồng tiền mạnh. 

Mặt bằng lãi suất tăng làm tăng chi phí huy động vốn của doanh nghiệp, kết hợp với chi phí đầu vào cho sản xuất vốn đã tăng cao do gián đoạn nguồn cung từ trong đại dịch Covid19 đã, đang và sẽ làm trầm trọng hơn khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong giai đoạn kinh tế phục hồi chưa bền vững sau đại dịch.

Theo ông Kiên, các yếu tố lớn kể trên có mối liên hệ chặt chẽ và cùng tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong thời gian tới. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế vào tháng 42022, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 3,6% trong năm 2022, giảm 0,8% so với mức dự báo trước đó vào tháng 10/2021. 

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 3,6% (giảm 0,2% so với dự báo trước đó). Lạm phát năm 2022 và 2023 ở các nền kinh tế phát triển được IMF dự báo ở mức 5,7% và 2,3%, thấp hơn với các nền kinh tế mới nổi lần lượt là 8,7% và 6,5%. 

Nguy hiểm hơn, dự báo dưới tác động của một số vấn đề lớn vừa nêu, nền kinh tế thế giới có thể gặp khó khăn như đã gặp trong khủng hoảng dầu mỏ thập niên 70 của thế kỉ 20. Tăng trưởng kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ chậm hơn giai đoạn trước với nhiều rủi ro mới xuất hiện nhưng cũng tạo ra tiền đề để phát triển nhanh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số. 

Tương tự, nền kinh tế trong nước của Việt Nam cũng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, khả năng tự chủ sản xuất của nền kinh tế chưa cao; mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; thể chế, cở sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ còn ở khoảng cách xa so với tiêu chí của một nước công nghiệp. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 có thể nhận thấy được bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, khó khăn và thách thức. 

Mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thông qua là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, theo ông Kiên, việc hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân khoảng 7%/năm (giai đoạn 2021 2030) và 6,5 - 7% (giai đoạn 2021 2025) là các mục tiêu rất thách thức khi tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ đạt mức 2,58% và kế hoạch năm 2022 chỉ ở mức 6 - 6,5%. 

Để đạt được các mục tiêu đã được đề ra, ông Kiên cho rằng, điều này không chỉ đòi hỏi thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và các chính sách kinh tế vĩ mô mà cần những giải pháp có tính đột phá đã được đề ra trong ba đột phá chiến lược, làm sao phù hợp với giai đoạn phát triển mới 2021- 2030.

Đồng thời, Chính phủ cần cập nhật những diễn biến mới của kinh tế xã hội thế giới trong hai năm vừa qua để có sự chỉ đạo kịp thời, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước đưa kinh tế phục hồi.