Nền kinh tế đang đói vốn, cơ chế thì mở hết cỡ, mà tiền vẫn nằm trong kho

An Chi - 13:41, 26/05/2022

TheLEADERMột trong những vấn đề trọng tâm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế là thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân vẫn còn rất chậm do việc chi ngân sách khó khăn và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp.

Nền kinh tế đang đói vốn, cơ chế thì mở hết cỡ, mà tiền vẫn nằm trong kho
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực

Giải ngân vốn đầu tư công được cho là một trong những trụ cột để nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.

Thảo luận tại tổ Quốc hội ngày 25/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong cả nhiệm kỳ. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế năm nay phải đạt ở mức như Quốc hội đề xuất, cộng với phần gói kích thích kinh tế (ít nhất 2%).

Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng của cả năm đạt 8,5% sẽ là thách thức rất lớn. Trong đó, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt để đảm bảo tăng trưởng là thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công. 

Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân còn rất chậm. Đã qua gần nửa năm 2022, nhưng còn khá nhiều bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 20% kế hoạch.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; còn 41 Bộ và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó 5 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn năm nay.

"Vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ quan tâm hiện nay là việc chi ngân sách rất khó khăn. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp...", ông Huệ nhấn mạnh và cho rằng "cần giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ, nếu không bàn thì họp xong vẫn tắc, băn khoăn nhất là như vậy, chứ không phải không có nguồn lực".

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực. Trong đó có việc làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: "Thể chế không vướng, trong mua sắm thì đã ban hành cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, cho cả chỉ định thầu trong xây lắp là hết cỡ rồi, không còn gì mà mở nữa, mở hết sạch rồi vậy mà sao tiền vẫn không tiêu được".

Đồng quan điểm, trước đó, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng: "Có những địa phương, bộ, ngành giải ngân nhanh, nhưng có đơn vị giải ngân chậm. Điều này chứng tỏ vướng mắc ở đây không nằm ở luật pháp, mà ở khâu tổ chức thực hiện".

Theo đó, việc chậm trễ giải ngân nguồn vốn đầu tư công chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan của chính các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là từ khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án còn hạn chế.

Mặt khác, trong 5 tháng đầu năm giá nhiều loại vật liệu xây dựng, nguyên liệu đầu vào tăng cũng làm chậm tiến độ giải ngân. Hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở vai trò của người đứng đầu các địa phương. 

Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với việc giải ngân vốn đầu tư công và mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ cần sớm xử lý những vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế thời gian tới. Bởi năm nay khối lượng giải ngân vốn đầu tư công rất lớn, trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước. 

Trước thực trạng này, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần sớm nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương, đơn vị cần kiên quyết khắc phục tình trạng chậm giải ngân khi đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục; thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án; rà soát, kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án. 

Đặc biệt, người đứng đầu các bộ, cơ quan phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, vì vậy cần phải chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này. 

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện cho tốt gói hỗ trợ, để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, về giải ngân đầu tư công chậm, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để đưa ra những giải pháp tạo chuyển biến tích cực.

"Bên cạnh đó, hiện các thủ tục triển khai các dự án theo Luật Đấu thầu còn nhiều rắc rối nên kiến nghị Quốc hội sớm sửa luật này để khắc phục thủ tục rườm ra để tiến độ nhanh, sớm triển khai đem lại hiểu quả tốt hơn", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề xuất.

Mặt khác, để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả, nhanh chóng, nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ giải ngân. 

Vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 và 2023 với khoảng 240.000 tỷ đồng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang chờ đợi các dự án đầu tư giải ngân nhằm đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức 6 - 6,5% như mục tiêu đề ra. 

Theo Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ làm giảm đi hiệu quả và mất ý nghĩa của Chương trình phục phồi kinh tế. Vì vậy, Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của những bộ, cơ quan Trung ương liên quan trong việc thực hiện chương trình.

Nếu các chính sách hỗ trợ và nguồn vốn không đi vào cuộc sống theo đúng kế hoạch sẽ không chỉ làm mất đi ý nghĩa cấp bách mà còn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.