Biến đổi khí hậu đe dọa du lịch ven biển

Phương Anh - 07:46, 31/08/2023

TheLEADERVốn là xương sống đối với một số nền kinh tế, du lịch ven biển đang phải đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, như lũ lụt, nước biển dâng.

Bãi biển là các điểm du lịch nổi tiếng, chiếm gần 50% lượng khách du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, du lịch ven biển đang phải đối mặt với một mối đe dọa tiềm tàng do biến đổi khí hậu, Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC đánh giá trong phân tích mới nhất.

Ngành này vốn là xương sống đối với một số nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, bao gồm nhóm quốc đảo nhỏ đang phát triển, cũng là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất trước biến đổi khí hậu.

Trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như lốc xoáy và lũ lụt, đã gây ra những rủi ro tức thì, thì mực nước biển dâng cao và quá trình axit hóa đại dương, cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Ngoài ra, các tác động thứ cấp, chẳng hạn như sự lây lan của dịch bệnh, cũng ngày càng dấy lên quan ngại trong các cộng đồng ven biển, cũng như khách du lịch.

Cụ thể, các địa điểm nghỉ mát ven biển, những thị trấn bên bờ biển có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao. Nguy cơ này đang ngày càng trở nên rõ ràng, khiến nhiều bên đã buộc phải đưa ra hành động quyết liệt.

Đơn cử, năm 2019, Indonesia công bố kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta để đối phó với mối đe dọa do mực nước biển dâng cao.

Theo NASA, nước biển toàn cầu đã tăng gần 100mm kể từ năm 1993, và tốc độ tăng đang dần nhanh hơn. Dự báo, khoảng 1 tỷ người có thể bị ảnh hưởng vào năm 2050.

Không chỉ vậy, dự báo đến năm 2100, các sự kiện cực đoan liên quan đến mực nước biển trước đây xảy ra 10 năm một lần, sẽ xuất hiện ít nhất mỗi năm một lần tại nhiều vùng biển.

Biến đổi khí hậu đe dọa du lịch ven biển
Các rủi ro tiềm tàng, như bờ biển bị xói lở, cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập lụt, có thể làm giảm giá trị giải trí của các điểm du lịch ven biển nổi tiếng. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Theo nghiên cứu từ HSBC, ngay cả khi đi theo lộ trình phát thải CO2 thấp, trung bình thế giới vẫn có khả năng mất đi hơn một nửa bãi biển có cát. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm 30% số phòng khách sạn, và gần 40% doanh thu du lịch vào năm 2100.

Các rủi ro tiềm tàng, như bờ biển bị xói lở, cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập lụt, và khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, có thể làm giảm giá trị giải trí của các điểm du lịch ven biển nổi tiếng.

Điều này có khả năng ảnh hưởng đến các đơn vị vận hành kinh doanh, chẳng hạn như các công ty nghỉ dưỡng và khách sạn (ví dụ như Marriott, Hyatt), hay hoạt động thể thao dưới nước và các bên điều hành tour (ví dụ tour lặn với ống thở và lặn với bình dưỡng khí), cũng như hoạt động của cảng và hãng hàng không.

Ngoài vấn đề nước biển dâng, sóng nhiệt biển và axit hóa đại dương là những thách thức lớn đối với ngành du lịch ven biển.

Theo đó, cường độ và tần suất sóng nhiệt biển tăng lên có khả năng khiến các rạn san hô trải qua những thay đổi không thể đảo ngược, và tàn phá sự sống dưới biển, ảnh hưởng đến nét đặc trưng của cảnh quan ven biển.

Đơn cử, một đợt nắng nóng trên biển gần đây, bắt đầu xuất hiện vào tháng 6 dọc theo bờ biển Queensland của Úc, đã làm dấy lên mối lo ngại cho rạn san hô Great Barrier vốn đã dễ bị tổn tương.

Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính rằng, 50% các rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035 nếu không có biện pháp giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu.

“Điều này đặt ra một thách thức khó khăn đối với ngành du lịch ven biển, vì các hoạt động khám phá đại dương, chẳng hạn như lặn biển có bình dưỡng khí, phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái sống động này”, HSBC đánh giá.

Ngoài du lịch ven biển, nhiều ngành du lịch khác cũng bị tác động đáng kể bởi tình trạng nhiệt độ tăng.

Đơn cử, một nghiên cứu từ Ủy ban châu Âu đã dự báo, những thay đổi do khí hậu gây ra trong phân bổ loài có thể ảnh hưởng đến du lịch sinh thái, chẳng hạn như các đơn vị khai thác du lịch hoang dã. Sự suy giảm quần thể động vật sẽ khiến việc con người tương tác với một số loài nhất định trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, HSBC nhận định, những vùng trước đây ít phổ biến về du lịch sinh thái có thể trở nên hấp dẫn hơn.

Du lịch ở những khu vực có tuyết cũng sẽ bị ảnh hưởng, khi nhiệt độ tăng dẫn tới tuyết rơi thất thường và diện tích lớp tuyết dày bị thu hẹp lại, rút ngắn các mùa trượt tuyết và trượt ván trên tuyết.

Một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên dãy Alps đã đóng cửa vào tháng 12/2022 do tuyết rơi không đủ. Các khu nghỉ dưỡng ở độ cao thấp hơn có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, vì các nơi này tuyết rơi ít hơn nên mùa du lịch ngắn hơn.

Một số giải pháp

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy ngành du lịch dễ bị ảnh hưởng đến nhường nào. Các quốc gia kém phát triển phụ thuộc nhiều vào du lịch đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm cả tình trạng bất ổn xã hội, khi lượng khách du lịch giảm đi do tác động của khí hậu nóng lên.

Các biện pháp thích ứng, các công cụ dự báo và cảnh báo sớm được cải thiện, cũng như quản lý rủi ro thiên tai, sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách ngành du lịch ứng phó với những rủi ro sắp đến.

Cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như kè chắn sóng và kết cấu đê chắn sóng, và khu vực bảo tồn các hệ thống tự nhiên, như rừng ngập mặn, là những biện pháp bảo vệ bờ biển quan trọng.