Việt Nam có thể tốn thêm hơn 700 tỷ USD vì rủi ro biến đổi khí hậu

Phương Anh - 14:33, 21/08/2023

TheLEADERTổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2040, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.

Biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro với nền kinh tế

Theo Ngân hàng Thế giới trong phân tích mới nhất về kinh tế Việt Nam, Việt Nam có thể cần thêm tương đương 6,8% GDP mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2040, để giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.

Đầu tư công, với vai trò quan trọng trong việc làm hình mẫu và chất xúc tác thu hút đầu tư tư nhân, có thể chiếm hơn 1/3 nhu cầu tài chính, tương đương khoảng 2,4% GDP.

Ngân hàng Thế giới ước tính, riêng lộ trình nâng cao khả năng chống chịu đã chiếm khoảng 2/3 số tiền trên, vì cần huy động một lượng tài chính lớn để phòng vệ cho tài sản và công trình hạ tầng của quốc gia, cũng như những người dân có nguy cơ dễ tổn thương.

Điều này xuất phát từ thực tế đầu tư công và tài sản công của Việt Nam đang phải đối diện với rủi ro khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.

Cụ thể, trong năm 2022, phí tổn do thiệt hại trực tiếp đối với công trình hạ tầng năng lượng và giao thông do bão và ngập lụt gây ra ước lên đến 475 triệu USD. Các doanh nghiệp ước tính, họ phải chi đến 280 triệu USD, do hạ tầng chưa đảm bảo tin cậy và có khả năng chống chịu.

Cùng với đó, chi phí cải thiện khả năng chống chịu vùng duyên hải được dự báo sẽ lên đến 4 tỷ USD vào năm 2035, trong đó, riêng chi phí xây dựng và nâng cấp đê biển phải mất đến 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, “thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được xem xét đầy đủ trong chiến lược tài khóa tổng thể, cũng như trong việc xác định dự án ưu tiên cho đầu tư công ở Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới đánh giá.

Ba vấn đề trong việc đưa biến đổi khí hậu vào quyết định đầu tư

Theo Ngân hàng Thế giới, vấn đề trước hết là, cam kết chính sách cấp cao của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cũng như các kế hoạch hành động liên quan, hiện chưa gắn với một dự báo bài bản từ phía Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch đầu tư liên quan đến tác động tài khóa, đầu tư của những cam kết và chính sách đó.

Chính vì vậy, số lượng các dự án đầu tư hạ tầng xanh và chống chịu biến đổi khí hậu/thiên tai vẫn chưa có nhiều, mặc dù ngân sách đã bước đầu bao gồm nguồn vốn cho một số biện pháp bổ sung để các dự án có khả năng chống chịu hơn và bền vững hơn, cùng nguồn dự phòng cho các tình huống ngoài dự kiến.

Dù vậy, các địa phương vẫn chưa sẵn sàng trong việc đánh giá và giảm thiểu những rủi ro về cơ sở vật chất và rủi ro chuyển đổi, thích ứng với biến đổi khí hậu đối với tài sản và công trình, do chưa có chính sách, hướng dẫn, quy trình cụ thể.

“Thiếu thông tin về giá trị tài sản và nguy cơ rủi ro của tài sản sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm tài sản của các địa phương”, Ngân hàng Thế giới cảnh báo.

Để xử lý một số thách thức trên, yêu cầu đặt ra là chuyển đổi số những chức năng quản lý tài sản công và tài chính công chủ chốt, đồng thời, phải tham gia nhiều hơn trong chủ động quản lý rủi ro.

Việt Nam có thể tốn thêm hơn 700 tỷ USD vì rủi ro biến đổi khí hậu 1
Đầu tư công và tài sản công của Việt Nam đang phải đối diện với rủi ro khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Vấn đề thứ hai là những thách thức về phát triển liên tỉnh và liên vùng đã và đang phát sinh thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng cao hơn, đòi hỏi phải có hành động phối hợp giữa các cấp chính quyền.

Những thách thức này có thể kể đến thích ứng và giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu, khai thác nước ngầm, ô nhiễm nước bề mặt và nước ngầm, ô nhiễm rác thải và không khí, công trình hạ tầng cấp nước có tuổi thọ cao, mâu thuẫn trong chia sẻ nguồn nước, hạn hán và ngập lụt gia tăng.

Trong nhiều trường hợp, các nhà máy công nghiệp, rác thải nhựa, đổ thải vật liệu nạo vét tại các tỉnh thượng nguồn đang gây ô nhiễm dòng nước, tạo tác động ngoại ứng tiêu cực nghiêm trọng cho các tỉnh ở hạ lưu. Tuy nhiên, các nỗ lực giải quyết không thể xử lý được bên xả thải.

Chẳng hạn như ở khu vực duyên hải miền Trung, Đà Nẵng đã gửi nhiều đơn kiến nghị lên tỉnh Quảng Nam và Thủ tướng Chính phủ, về các vấn đề liên quan đến thay đổi dòng chảy làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn ở thượng nguồn, và gây hạn hán ở vùng hạ lưu trong mùa khô.

Mặc dù chi phí ước tính để xử lý vấn đề này ở Quảng Nam (trên thượng nguồn) là 50 triệu USD, nhưng ở dưới hạ lưu tại Đà Nẵng, chi phí ước tính để quản lý rủi ro ngập lụt, hạn hán, có thể lên đến trên 350 triệu USD.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, các hệ thống quản lý đầu tư công và quan hệ ngân sách giữa các cấp chính quyền hiện nay không thể cho phép, ưu tiên triển khai các dự án đầu tư, và giải quyết những việc có tính chất liên vùng, liên tỉnh như vậy.

Vấn đề thứ ba là, những hạn chế chung trong phương pháp thẩm định dự án đồng nghĩa với việc rủi ro và thích ứng biến đổi khí hậu chưa được quan tâm thấu đáo.

Về cơ bản, liên quan đến dự báo biến đổi khí hậu và ứng phó biến đổi khí hậu, công tác thẩm định cần cân nhắc tới cả tác động của dự án, và đối với dự án.

Hiện Luật xây dựng và các văn bản dưới luật đã quy định về thủ tục đối với các dự án có hợp phần xây dựng, trong đó yêu cầu phải cân nhắc về rủi ro và thích ứng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, chưa có quy định yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về cách xem xét, đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu ngay từ trong khâu chuẩn bị dự án, như khi xây dựng và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi – thời điểm hiệu quả hơn để xây dựng, phân tích và tổng hợp các phương án thích ứng.