Diễn biến lãi suất sẽ ra sao nếu Fed thắt chặt tiền tệ?

Kiều Mai - 08:00, 08/12/2021

TheLEADERDự báo trong vòng hai năm tới, Việt Nam sẽ chỉ có một đợt điều chỉnh tăng lãi suất, nâng lên mức 4,5% so với con số 4% hiện tại.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), gần đây đã phát đi tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh tốc độ mua tài sản và nâng lãi suất điều hành trong ít tháng tới, giữa bối cảnh thị trường lao động tiếp tục phục hồi và giá cả leo thang với tốc độ nhanh chóng.

Ryan Wang, nhà kinh tế học Mỹ của HSBC, gần đây đã thay đổi nhận định về Fed, cho rằng thời điểm điều chỉnh của cơ quan này sẽ rơi vào khoảng tháng 3 năm sau. Dự báo sẽ có bốn đợt điều chỉnh lãi suất điều hành tính đến cuối năm 2023, với đợt đầu tiên rơi vào tháng 6/2022. 

Khi Fed “cất cánh”, chắc chắn sẽ để lại những “nhiễu động” nhất định. Trước đây, mỗi lần Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình tài chính của các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng, khiến các nước phải đưa ra những đợt điều chỉnh tăng lãi suất cần thiết để duy trì bình ổn.

Và thậm chí ở những thị trường có tình hình tài chính bị tác động nhẹ, chủ yếu ở các nước đã phát triển, một động thái của Fed thường biểu thị tín hiệu khởi động một chu kỳ mới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển theo hướng phụ thuộc lẫn nhau.

Nhìn lại quá khứ, chính sách tăng lãi suất thường được các ngân hàng trung ương ở châu Á đưa ra sớm hơn so với tình huống giảm lãi suất, phản ánh nhu cầu tự bảo vệ ở các thị trường mới nổi.

Phân tích dữ liệu từ HSBC cho thấy bình quân, sau khi Fed tăng lãi suất được khoảng 4,8 tháng thì các thị trường mới nổi châu Á mới điều chỉnh lãi suất, với biên độ nhìn chung thấp hơn Fed.

a
Điều chỉnh lãi suất điều hành qua các chu kỳ thắt chặt của Feb trước đây (tỷ lệ %).

Lạm phát được kiểm soát tương đối tốt và thái độ khoan thai, bình tĩnh trước động thái tăng lãi suất của Fed trong quá khứ cho thấy các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không vội chạy theo chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ.

Thêm nữa, các nước có vị thế tương đối mạnh trong thanh toán quốc tế cũng có thể linh hoạt hơn trong việc chậm đưa ra động thái ứng phó với chính sách thắt chặt của Mỹ.

Cụ thể, tài khoản vãng lai được duy trì tốt trong khu vực và được đánh giá tốt hơn so với các chu kỳ thắt chặt trước đây của Fed. Phân tích từ HSBC về tỷ trọng tài khoản vãng lai bình quân trên GDP cho thấy hầu hết các nền kinh tế sẽ có thặng dư và thặng dư đáng kể trong vòng hai năm tới.

Ấn Độ và Indonesia là hai ngoại lệ, nhưng thâm hụt của họ đều trong khả năng quản lý và thấp hơn so với chu kỳ trước. Riêng Sri Lanka lại ở tình thế khá khó khăn.

a 1
Tài khoản vãng lai (% GDP, bình quân qua các giai đoạn).

Bên cạnh đó, xét dưới góc độ lãi suất điều hành thực tế với chỉ số chênh lệch lãi suất điều hành trong nước với Mỹ, ngân hàng trung ương không cần thiết thắt chặt để tự bảo vệ khi mức chênh lệch dương đáng kể sẽ giúp giữ chân hoặc thu hút thêm nhiều dòng vốn.

Ngoại trừ New Zealand, các nước đều có mức chênh lệch về lãi suất điều hành thực tế cao hơn so với trước đây, một “tấm đệm” đảm bảo giúp các nền kinh tế có thể bình tĩnh ứng phó với chính sách thắt chặt của Fed.

Dự báo lãi suất 2022 – 2023

Từ những kinh nghiệm điều chỉnh trong quá khứ cùng vị thế của châu Á hiện nay, HSBC cho rằng hầu hết các nền kinh tế khu vực này sẽ tăng lãi suất, chủ yếu từ nửa sau của năm 2022.

Tại Việt Nam, dự báo sẽ chỉ có một đợt điều chỉnh tăng vào quý đầu 2023, đưa lãi suất điều hành lên mức 4,5% từ ngưỡng 4% hiện nay sau khi Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với Covid-19 vào năm ngoái. Trong khu vực, con số này nằm trong nhóm các nền kinh tế có mức lãi suất điều hành cao nhất.

a 2
Dự báo của HSBC về điều chỉnh lãi suất điều hành (%, màu đỏ là tăng).

Hầu hết các thị trường châu Á sẽ điều chỉnh tăng ở mức 50 điểm cơ bản, như Úc, New Zealand, Malaysia. Một số khác dự báo tăng ở mức 25 điểm cơ bản là Hàn Quốc, Philippines, Malaysia.

Ở Trung Quốc và Nhật Bản, dự báo sẽ không có thay đổi về các công cụ chính sách tiền tệ trong năm 2023, mặc dù nhiều khả năng sẽ xuất hiện các các chính sách nới lỏng có mục tiêu.

Trong những tháng gần đây, kỳ vọng thắt chặt chính sách rõ ràng đã tăng thêm dù là ở Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là phạm vi điều chỉnh tăng lãi suất phụ thuộc vào lãi suất “trung lập” đối với một nền kinh tế nhất định.

Tại phần lớn nền kinh tế châu Á, lãi suất điều hành hiện tại và dự báo còn ở ngưỡng thấp hơn đáng kể so với mức trung lập. Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ cần cẩn trọng vì từng đợt tăng lãi suất có thể khiến tăng trưởng chậm lại, HSBC lưu ý.