Áp lực lạm phát và nợ xấu gia tăng khiến chính sách tiền tệ cần thận trọng

Nhật Hạ - 12:09, 12/11/2021

TheLEADERNhiệm vụ kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng đang gặp nguy cơ trong thời gian tới khiến chính sách tiền tệ cần thận trọng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết.

Áp lực lạm phát và nợ xấu gia tăng khiến chính sách tiền tệ cần thận trọng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn ngày 12/11. Ảnh: VGP

Chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, sẵn sàng khả năng chi trả của hệ thống.

"Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ trên hai mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô như nợ công và bội chi", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tại phiên chất vấn ngày 12/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Với dư địa chính sách, Thống đốc cho rằng, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, "rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn".

Nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi khi chiến dịch vaccine được bao phủ. Giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao hơn 52% so với cuối năm trước, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử.

Như tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 6,2% so với năm trước, cao nhất trong 32 năm qua. Lạm phát châu Âu trong tháng 9 của khu vực đồng Euro lên cao nhất trong 13 năm do giá năng lượng tăng cao. Tại Hàn Quốc, lạm phát cũng lần đầu vượt 3%, cao nhất 10 năm qua.

"Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chỉ số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đã lên 200%, do đó áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn", theo Thống đốc.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang dừng việc nới lỏng tiền tệ, theo tính toán của bà, thời gian qua đã có 65 lượt tăng lãi suất, tạo áp lực điều hành cho Việt Nam thời gian tới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã đưa ra các tiếp cận thận trọng trong chương trình mua tài sản, trong khi các ngân hàng trung ương Na Uy, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và New Zealand đã tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, theo Thống đốc, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính chứ không phải từ ngân sách. Do đó, khi nợ xấu gia tăng các tổ chức tín dụng cũng phải dùng chính nguồn lực của mình để xử lý.

"Nếu tình hình tài chính của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả và an toàn của hệ thống", theo bà Hồng. Đây là bài học kinh nghiệm lớn từ cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 theo bà vẫn còn, khi tăng trưởng tín dụng cao và thực hiện các gói hỗ trợ, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại vào năm 2011 lên tới 18%.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống, tránh tác động lan truyền.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát và rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách từ đầu năm 2020, Thống đốc nói thêm, đại dịch đã tác động nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tích cực thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ngay từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành, từ 1,5-2%. "Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực", bà Hồng nói.

Ngoài việc điều hành lãi suất, cơ quan điều hành cũng chỉ đạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và cho vay mới. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,66% so với trước dịch, với tổng mức giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng giảm phí hơn 2.000 tỷ đồng cho khách hàng, góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân.