Cần ‘đo lường’ kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 16:45, 16/07/2023

TheLEADERNền kinh tế tuần hoàn không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà còn về cả môi trường, xã hội, do đó không thể được phản ánh thông qua những chỉ số thông thường như GDP, GNP…

TS. Nguyễn Hoàng Nam, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn đặt ra 4 mục tiêu chính, bao gồm giảm sử dụng tài nguyên trong sản xuất; kéo dài vòng đời của nguyên vật liệu; giảm chất thải phát sinh và giảm tác động xấu tới môi trường.

Những mục tiêu này đạt được thông qua tăng cường quay vòng vật liệu. Cũng chính vì vậy, những chi phí liên quan đến môi trường sẽ được nội hóa vào trong quá trình từ khai thác, sản xuất, tiêu dùng cho đến thu gom, tái chế và tái sản xuất. Mô hình này khác hoàn toàn với mô hình tuyến tính, do đó, các chỉ số vốn được sử dụng để đo lường kinh tế như GDP, GNP… không thể phản ánh chính xác nền kinh tế tuần hoàn.

“Phải có cách mới để đo lường sự phát triển của kinh tế tuần hoàn bởi các chỉ số cũ không thể phản ánh những thành tựu của chúng ta trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”, ông Nam lý giải đề xuất xây dựng một bộ chỉ số đo lường, đánh giá nền kinh tế tuần hoàn khi góp ý vào dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Đo lường để theo dõi quá trình

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và môi trường đang xây dựng dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, với nhiều giải pháp chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đang xây dựng dự thảo nghị định các chính sách thử nghiệm cho kinh tế tuần hoàn. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo, hiện đang được ra một số nhóm ngành ưu tiên cũng như nhóm chính sách ưu tiên thử nghiệm kinh tế tuần hoàn.

Cần ‘đo lường’ kinh tế tuần hoàn
TS. Nguyễn Hoài Nam tại Hội thảo tham vấn kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Một bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá kinh tế tuần hoàn là điều đặc biệt cần thiết cho các công việc nói trên. Theo ông Nam, các chỉ số, tiêu chí không nhằm mục đích so sánh giữa các quốc gia xem “ai tuần hoàn hơn” hay để đánh giá một quốc gia “đã tuần hoàn hay chưa”. Thay vào đó, tiêu chí được xây dựng để so sánh giữa các năm, từ đó theo dõi quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn một cách sát sao và nhìn ra được hiệu quả của các chính sách đã được ban hành.

“Đánh giá, đo lường kinh tế tuần hoàn để theo dõi quá trình xem chúng ta có đi đúng hướng hay không, nếu đúng thì tiếp tục, nếu chưa đạt được nhiều kết quả thì cần có sự điều chỉnh phù hợp”, ông Nam cho biết.

Ông Nam lấy ví dụ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đã tính toán được một số dòng vật liệu. Dựa trên tính toán này, có thể nhận thấy, một số ngành, lĩnh vực sử dụng rất nhiều nguyên vật liệu nhưng chưa chắc đã tạo ra nhiều phát thải, hay một số ngành đã “tới hạn” về khả năng tuần hoàn hoặc sẽ phải tiêu tốn rất nhiều chi phí để áp dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Dựa trên một bức tranh toàn cảnh về vật liệu như vậy, việc lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế, thay vì dựa trên những đánh giá mang tính định tính.

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra điều tương tự. Ông Nam lấy ví dụ, EU đang triển khai rất hiệu quả các chỉ tiêu đo lường theo hướng tiếp cận này, kết quả là những điều chỉnh về chính sách, điều chỉnh ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên một cách liên tục sao cho phù hợp nhất với mỗi giai đoạn.

Nói về cách đo lường kinh tế tuần hoàn của EU, ông Nam cho biết, các quốc gia EU dành sự quan tâm tương đối lớn đối với các chỉ số về nguyên vật liệu thứ cấp cũng như đo lường mức độ trung hòa carbon. Điều này cũng mang hàm ý chính sách với Việt Nam, có thể cân nhắc đến các chỉ số này khi đo lường kinh tế tuần hoàn để đảm bảo sự tương thích về dữ liệu đối với EU, đặc biệt khi đây là thị trường xuất nhập khẩu rất tiềm năng.