Cần hơn 300 nghìn tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cảng biển

Nhật Hạ - 18:05, 24/09/2021

TheLEADERNhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng để đáp ứng lượng hàng hóa đến hơn 1.400 triệu tấn.

Đến năm 2030, hệ thống cảng biển của Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.

Đây là một trong những mục tiêu được đưa ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt. 

Bên cạnh đó, về kết cầu hạ tầng, các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ được ưu tiên phát triển. Cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) có cơ chế chính sách phù hợp để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.

Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh và chủ quyền biển đảo.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Cần 300 nghìn tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cảng biển
Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. Ảnh: Trang tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trong quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam được chia làm 5 nhóm. Nhóm 1 có 5 cảng biển gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 1 là từ 305 triệu tấn đến 367 triệu tấn (hàng container từ 11 đến 15 triệu TEU); hành khách từ 162.000 đến 164.000 lượt.

Tầm nhìn đến năm 2050, năm cảng biển này sẽ đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5 - 5,3%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,5-1,6%/năm. Khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Lân hoàn thành đầu tư. Các bến cảng trên sông Cấm được di dời phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng. Các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, Cẩm Phả, Hải Hà được đầu tư phát triển.

Nhóm 2 có sáu cảng biển gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm 2 từ 172 triệu tấn đến 255 triệu tấn (hàng container từ 0,6 - 1 triệu TEU); hành khách từ 202.000 đến 204.000 lượt khách.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của hàng hóa thông qua từ 3,6 – 4,5%/năm và hành khách tăng trưởng bình quận từ 0,4 - 0,5%/năm đến năm 2050. Cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi, Vũng Áng và Sơn Dương - Hòn La được hoàn thiện đầu tư phát triển.

Nhóm 3 có tám cảng biển gồm Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận.

Hàng hóa thông qua từ 138 triệu tấn đến 181 triệu tấn (hàng container đạt từ 1,8 - 2,5 triệu TEU); hành khách từ 1,9 – 2 triệu lượt khách đến năm 2030.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của hàng hóa thông qua từ 4,5 - 5,5 %/năm và hành khách tăng trưởng bình quận từ 1,7 - 1,8%/năm đến năm 2050. Hoàn thành đầu tư toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và hình thành cảng phục vụ hàng hóa trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa).

Nhóm 4 có năm cảng biển gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An.

Hàng hóa thông qua từ 461 - 540 triệu tấn (hàng container từ 23 - 28 triệu TEU); hành khách từ 1,7 - 1,8 triệu lượt khách đến năm 2030.

Tầm nhìn đến 2050 là đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 - 3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 - 1 %/năm.

Đồng thời hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ. Nghiên cứu hình thành các khu bến cảng mới tại Cần Giờ (trên sông Gò Gia), hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM

Nhóm 5 có 12 cảng biển gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Hàng hóa thông qua nhóm 5 từ 64 - 80 triệu tấn (hàng container từ 0,6 - 0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1-6,2 triệu lượt khách đến năm 2030.

Tầm nhìn đến 2050 là đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 - 6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1-1,25%. Hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Còn theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biến có 4 loại gồm đặc biệt, loại I và loại II và loại III.

Cụ thể, cảng đặc biệt gồm cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Loại I có 15 cảng biển gồm Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh. Trong đó, các cảng Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Loại II có 6 cảng gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp.

Loại III có 13 cảng gồm Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong đó, cảng Sóc Trăng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Về định hướng hạ tầng giao thông kết nối, các tuyết đường sắt sẽ được phát triển để kết nối cảng biển loại đặc biệt và loại I trên hành lang Bắc – Nam; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển.

Phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển.