Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Có bộ đã ở ga cuối, có bộ chưa vào vạch xuất phát

An Chi - 14:49, 15/03/2018

TheLEADERĐể khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh trong việc cắt giảm điều kiện kiện kinh doanh, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh cần có những biện pháp "rắn", kỷ luật nghiêm đối với những người không làm tròn nhiệm vụ.

“Nếu ví các Bộ như những con tàu, thì có bộ đã ở ga cuối, nhưng cũng có bộ chưa vào vạch xuất phát” là cách mà TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương ví von về nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành và địa phương. 

Ông Cung cho biết, trong khi Bộ Y tế, Bộ Xây dựng không những bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà còn bãi bỏ hẳn một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo đã thực hiện rà soát, đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh nhưng không gửi kèm theo nội dung rà soát và phương án bãi bỏ, đơn giản hoá.

Bộ Giáo dục và đào tạo còn chưa có báo cáo về rà soát, cải cách theo Nghị quyết của Chính phủ, ông Cung tiết lộ. 

Trong khi đó, Nghị quyết 01 được Chính phủ ban hành ngay đầu năm 2018 nhấn mạnh phải cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Có bộ chưa vào vạch xuất phát

Trước tình hình một số bộ ngành chậm chạp trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Cung nhấn mạnh cần yêu cầu tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua,trong đó đặc biệt chú trọng đến khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản và giao dịch thương mại qua biên giới.

Đồng thời, ông Cung kiến nghị cần phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn với Toà án Nhân dân tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Cần có biện pháp "rắn" đối với thực trạng trên nóng dưới lạnh

Tại Hội nghị quốc tế "Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng" sáng ngày 15/3, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết 19 trong việc cải tạo môi trường kinh doanh của Việt Nam 4 năm qua mỗi năm đều tốt hơn, mỗi một năm đều có các sáng kiến thúc đẩy mới.

Bà Lan thừa nhận, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao, minh chứng qua vị thứ xếp hạng cũng như các chỉ số liên quan liên tục được cải thiện. 

Ý kiến của bà Lan dựa trên thứ hạng mà Việt Nam đạt được. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ kể từ 2014, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng từ vị trí 60 năm 2016 lên 55/137 nền kinh tế vào năm 2017; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc từ 82 lên 68/190 nền kinh tế và đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc.

"Nhờ đó, tiếng nói của doanh nghiệp đã được xem trọng hơn, các bộ ngành bị "bắt đúng bệnh" cũng đã có nhiều cải thiện, thông qua đó, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp dần thông thoáng hơn", bà Lan nhận xét.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bà Lan cho rằng vẫn nổi lên một số vấn đề rõ rệt. Trong đó, nghiệm trọng nhất là kỷ cương không nghiêm. "Không phải tự nhiên mà từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều nhiều lần đề cập đến thực trạng trên nóng dưới lạnh của các cơ quan quản lý hiện nay. Đảng, Chính phủ giao nghị quyết, chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng người trong bộ máy lại không thực hiện".

Để khắc phục tình trạng này, bà Lan cho rằng: " Người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành cần phải nóng hơn, quyết liệt hơn nữa chứ không thể chờ đợi sự thay đổi của những người vốn lạnh tanh với sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước. Không có lý do gì người dân, doanh nghiệp phải nộp thuế để nuôi những người ngồi trong bộ máy mà không làm tốt nhiệm vụ, gây khó khăn cho mình". 

Quan trọng hơn, để tăng cường kỷ cương, theo vị chuyên gia kinh tế này, cần phải thi hành những biện pháp "rắn", kỷ luật nghiêm đối với những người không làm tròn nhiệm vụ. Cùng với đó là tăng cường vai trò giám sát, đánh giá của người dân, doanh nghiệp để thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh một cách hiệu quả. 

Bà Lan nhấn mạnh cần tránh trường hợp bộ ngành hiện nay nói là đã cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng thực chất lại gom 3, 4 điều kiện nhỏ vào một điều kiện chung. "Làm như vậy thì chỉ là chạy đua thành tích trên lý thuyết, hoàn toàn không có lợi ích gì cho doanh nghiệp", bà Lan nhận xét.

Kỳ vọng vào Nghị quyết 19 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Trung, bốn năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã liên tục được cải thiện, trong đó năm 2017 tăng tới 14 bậc. Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Để khắc phục thực trạng này, ông Trung cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết 19/2018 đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và có nhiều nội dung duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistic và ngành du lịch. 

Theo ông Trung, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 19/2018 là tiếp tục cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới; hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3 - 1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh; giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm.

Đồng thời, Nghị quyết 19 cũng nhằm đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc từ thứ hạng 67 hiện tại; từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức khoảng 18% GDP so với 20% GDP hiện nay.