10 bộ ngành "chây ỳ" rà soát, cắt bỏ giấy phép con

Minh Anh - 07:32, 09/01/2018

TheLEADERTheo Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện vẫn còn 10 bộ ngành chưa có thông tin gì về việc rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ.

10 bộ ngành "chây ỳ" rà soát, cắt bỏ giấy phép con
Vẫn còn nhiều bộ ngành không chủ động trong việc rà soát giấy phép con. Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP (tháng 8/2017) và Nghị quyết 98/NQ-CP (tháng 10/2017) giao các bộ ngành rà soát đánh giá đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện mới chỉ có hai bộ gồm Bộ Công thương và Bộ Xây dựng có dự thảo nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh

Cụ thể, Nghị định do Bộ Công thương dự thảo đã trình chính phủ. Nghị định do Bộ Xây dựng dự thảo đã trình thẩm định. 

Hai bộ gồm Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh nhưng chưa nêu phương án sửa đổi.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có đề nghị giữ nguyên các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng do ngành nghề đặc thù. 

Như vậy, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, mới chỉ có 5 bộ ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chưa có thông tin từ 10 bộ ngành khác về việc thực hiện nội dung này.

Các bộ ngành này gồm Bộ Tài chính, Y tế, Văn hóa Thể thao và du lịch, Giáo dục và đào tạo, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Lao động thương binh và xã hội, Công an, Quốc phòng, Tư pháp.

Mặt khác, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, dù đã có những nỗ lực cắt giảm tuy nhiên các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. 

Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh. Trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi. Có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, qua bốn năm thực hiện Nghị quyết 19, nhiều chỉ số và thứ hạng đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện. Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng. 

Cụ thể, năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với 2016, từ vị trí 60/138 lên 55/137 nền kinh tế. Môi trường kinh doanh đạt thư hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đây là mức tăng nhiều nhất trong 10 năm qua. Đổi mới sáng tạo cũng cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạn 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước đến nay.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn thiếu tính bền vững bởi còn có nhiều chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực như hiệu quả thị trường hàng hoá, chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục. 

Đặc biệt, một số chỉ số về môi trường kinh doanh vẫn nằm cuối bảng xếp hạng (như Khởi sự kinh doanh - thứ 123; Giải quyết phá sản doanh nghiệp – thứ 129). Đáng chú ý là chỉ số Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nhiều năm nay không có cải cách và sự cải thiện nào.