“Chỉ một giấy phép con vô lý có thể giết chết hàng nghìn doanh nghiệp Việt”

Vũ Nga - 09:21, 04/10/2017

TheLEADERCác chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chỉ một giấy phép con, một loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh.

Bốn rào cản khiến môi trường kinh doanh vẫn kém hấp dẫn

Tại diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta, biểu hiện rõ nhất là ban hành các văn bản thúc đẩy cải cách các chính sách về kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.

Theo sau những chính sách quyết liệt trên là những hành động được hiện thực hóa bằng việc sửa đổi hàng loạt các văn bản pháp luật về kinh doanh, trong đó đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tinh giản và minh bạch các quy định về thủ tục hành chính. 

Với những nỗ lực, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh nêu trên, thực tế, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, chất lượng các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn là một cản trở rất lớn của môi trường kinh doanh hiện nay.

Ông Đậu Anh Tuấn

Theo ông Tuấn, thứ nhất, hiện nay các bộ, ngành đang được giao để tự rà soát các điều kiện kinh doanh để đề xuất bãi bỏ, chưa có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. Cách làm này có thể không hiệu quả, bởi chính các bộ, ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm cấp phép đó, xây dựng chính sách, thực thi chính sách đó, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó. Thường cơ quan đang cấp phép không nên và không thể chính là cơ quan chủ trì soạn thảo hay cắt giảm quy định về cấp phép.

Thứ hai, vẫn phổ biến văn hoá quản lý thích cấp phép, phổ biến xu hướng chọn dễ tránh khó trong quản lý. Cấp phép là giải pháp quản lý dễ, ngồi một chỗ và doanh nghiệp người dân phải đến xin, cơ quan quản lý thì lại có quyền, quyền tạo ra tiền, ra lợi. Để chủ động từ bỏ cái này là hoàn toàn không dễ dàng.

Thứ ba, việc bãi bỏ giấy phép kinh doanh thời gian qua chưa gắn được với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực. Chưa ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu khi lĩnh vực họ phụ trách đặt thêm nhiều điều kiện kinh doanh gây phiền hà, cản trở sự phát triển.

Thứ tư, chưa có cơ chế để xem xét độc lập sự cần thiết, hiệu quả của giấy phép kinh doanh cũng như kiểm soát sự ra đời của nó. Mô hình “Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp” vốn hoạt động khá hiệu quả đầu những năm 2000 nhưng hiện nay dù vẫn còn tên nhưng tổ công tác không còn có vai trò lớn trong rà soát, đánh giá các giấy phép và điều kiện kinh doanh.

Để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh, phải hành động thực chất, quyết liệt, theo Trưởng ban pháp chế VCCI, cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ ngành cơ quan Nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc sinh thêm giấy phép mới.

Chỉ cần thực hiện hết các giải pháp nêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hàng năm đã có thể tạo ra thay đổi lớn. Đồng thời, Chính phủ cũng cần cần tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập như viện nghiên cứu như CIEM, các hiệp hội như VCCI.

Giấy phép con gây nhiều thiệt hại

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, có nhiều thiệt hại gây ra từ các điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại.

Theo bà Lan, hiện tại một số quan chức lo cho Nhà nước và muốn giữ quyền lực Nhà nước nhiều quá. Điều này dẫn đến vấn nạn về tư duy bao cấp bởi vì những quan chức này không nghĩ đến lợi ích cho xã hội mà họ chỉ nghĩ cách tạo thuận lợi cho bản thân.

Chuyên gia kinh tế này khuyến nghị, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy về vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Phải có sự giám sát đối với cơ quan Nhà nước về chức năng và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan này. 

"Không thể để chuyện các cơ quan này đưa ra một loạt các điều kiện, quy định mà không bị xử phạt để đến khi một số điều kiện hay quy định bị xóa bỏ thì những cơ quan này lại được tung hô", bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Cũng theo bà Lan, cần phải tăng cường quyền giám sát của xã hội và doanh nghiệp đối với nhà nước. Các cơ quan Nhà nước không tự giác cắt bỏ, việc Bộ Công Thương cắt bỏ hơn 50% điều kiện kinh doanh vừa qua chủ yếu là do sức ép lớn từ xã hội, dư luận và Chính phủ.

“Tuy nhiên những điều kiện được cắt giảm này cũng chỉ là những điều kiện dễ và vu vơ. Nhà nước phải biết tôn trọng thị trường và xã hội hơn thì mới có thể điều chỉnh được hệ thống quản lý Nhà nước trong việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, những thiệt hại to lớn từ hàng rào giấy phép kinh doanh rất khó nhận ra.

“Nó không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, xa hơn nó còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy Nhà nước. Đồng thời, nó cũng tạo ra những động lực ngược chiều đối với cả các doanh nghiệp và bộ máy hành chính Nhà nước”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn nêu dẫn chứng hệ quả tiêu cực của điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong lĩnh vực xuất khẩu gạo với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, tới bà con nông dân và tới cả ngành gạo Việt Nam.

“Nếu chỉ một giấy phép con, một loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết đi hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Điều này không chỉ gây hệ luỵ lớn cho môi trường kinh doanh Việt Nam, làm cản trở quá trình đưa Việt Nam vươn lên top đầu các nước ASEAN và còn làm chậm quá trình phát triển của cả nền kinh tế, khi mỗi doanh nghiệp là một hạt nhân. Doanh nghiệp khoẻ thì kinh tế mới phát triển và quốc gia mới thịnh vượng.