Có nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng?

Lam Điền - 07:40, 19/09/2017

TheLEADERĐề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đang gây tranh cãi lớn trong cả giới chuyên gia và dư luận.

Có nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng?
Nên hay không nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Đề xuất đánh thuế thu nhập vào khoản tiền tiết kiệm của cá nhân đã được Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico (Hà Nội) đưa ra tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số Điều của 5 Luật thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) diễn ra mới đây. Ngay lập tức, đề xuất này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhận được không ít ý kiến bình luận.

Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập vào khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng của người dân, để khuyến khích dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhiều chuyên gia không tán thành bởi chưa đủ căn cứ và số tiền trên quá thấp.

Với đề xuất mới, luật sư Trương Thanh Đức muốn tập trung vào những khoản tiền gửi lớn. Theo ông Đức, với những khoản gửi tiết kiệm mang nguồn thu nhập lãi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Theo quy định hiện hành, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 108 triệu đồng/năm. Nếu một cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm lên hơn gấp 2 mức thu nhập chịu thuế quy định hiện nay (cao hơn 200 triệu đồng) thì đây là khoản tiền lớn và cần phải xét vào diện chịu thuế. Hiện với mức lãi suất cho vay hiện khoảng 7%/năm, để có số tiền lãi 200 triệu đồng/năm, người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỷ đồng trở lên.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với TheLEADER, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng bày tỏ thái độ ủng hộ với chủ trương đánh thuế trên lãi tiền gửi tiết kiệm.

Theo quan điểm của ông Hiếu, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ tạo công bằng xã hội và công bằng cho tất cả các nguồn lợi từ các hoạt động kinh doanh của cá nhân.

"Tất cả thu nhập phát sinh từ các hoạt động kinh doanh đều phải đóng thuế thì tại sao ngân hàng trả lãi cũng là kinh doanh lại được miễn trừ trong khi giá trị gia tăng trong kinh doanh chứng khoán vẫn phải trả thuế, cổ tức trên cổ phiếu cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân", ông Hiếu nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Hiếu, chủ trương này là hợp lý và phù hợp theo thông lệ quốc tế. Tại các nước tiên tiến như Mỹ, tất cả cá nhân đều phải trả thuế trên tiền lời từ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Tiền gửi ngân hàng cũng là công cụ tài chính mang lại lợi nhuận. Thu nhập trên tiền lãi gửi tiết kiệm là thu nhập bình thường như những thu nhập khác và phải chịu thuế.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu.

Ông Hiếu cũng cho rằng, ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo công bằng cho các hoạt động kinh doanh, việc đánh thuế lãi tiền gửi cũng là nguồn bổ sung cho ngân sách đang bội chi và nợ công cao.

Ngoài ra, chủ trương đánh thuế này cũng là động lực cho các ngân hàng có thể làm ăn tốt hơn, kinh doanh tốt hơn vì khi kinh doanh tốt hơn, ngân hàng có thể trả lãi suất cao hơn để bù trừ phần khách hàng phải chịu thuế.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận đề xuất đánh thuế này nếu áp dụng có thể làm giảm vốn huy động tại ngân hàng vì người gửi sẽ chuyển hướng sang đầu tư các lĩnh vực khác có tỷ lệ lợi suất cao hơn. Vì vậy, cần xem xét nâng hạn mức miễn trừ thuế hoặc miễn trừ thuế cho những trường hợp đặc biệt để đảm bảo giảm tác động đến người dân.

Ở góc nhìn ngược lại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại phản đối đề xuất này và cho rằng "chắc chắn không nên đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân".

"Tiền gửi ngân hàng bao gồm tiền của người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu. Hơn nữa lượng tiền gửi của dân chính là tiền huy động ngân hàng, nếu đánh thuế, người dân sẽ không gửi nữa trong khi Nhà nước lại đang nới trần tín dụng", ông Phong cho biết.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ảnh: DĐDN

"Nếu đánh thì đánh vào các doanh nghiệp nhà nước không chịu đầu tư, gửi tiền vào ngân hàng để ăn chênh lệch như vụ Hà Văn Thắm, chứ tiền của người dân, tiền lương hưu thì không nên đánh làm gì", TS. Nguyễn Minh Phong nói.

Luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng, nếu cá nhân thu lãi từ tiền gửi ngân hàng trên 200 triệu đồng/năm thì là người có thu nhập cao, là người giàu, chứ không phải là người có thu nhập nhấp, người nghèo. Chưa kể những người như vậy thường còn các khoản thu nhập thường xuyên và bất thường khác.

Với những khoản tiền gửi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vào ngân hàng, thu lãi hàng tỷ đồng, theo vị luật sư này, cần gọi đúng bản chất là đầu tư, kinh doanh. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, ông không đề xuất đánh thuế đối với thu nhập tiền gửi ngân hàng nói chung, mà chỉ đối với các khoản tiền lãi khá lớn vì sự công bằng.