Công tác bảo tồn đô thị 'hụt hơi' khi chạy đường dài

Han Sovy - 15:05, 30/09/2018

TheLEADERDẫu biết rằng phát triển bền vững không chỉ là những công trình mang tính thương mại hay tiện nghi, mà phải là sự phát triển đồng bộ, tích hợp nhiều lĩnh vực cùng tạo nên các vùng đô thị đó, song, để thực sự chạm đích đến này, công tác bảo tồn di sản đô thị còn phải vượt qua những rào cản về nguồn lực toàn diện đã tồn tại suốt một thời gian dài.

Công tác bảo tồn đô thị 'hụt hơi' khi chạy đường dài
Ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch hội kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm về di sản đô thị do TheLEADER tổ chức

Cả thế giới đang cùng nhau phát triển đô thị bền vững - trong đó bảo tồn di sản là một khía cạnh. Đô thị thay máu, ở một khía cạnh nào đó vẫn mang nghĩa tích cực – nếu làm đúng. Mọi chuyện sẽ không quá nghiêm trọng nếu người dân tại các đô thị cảm giác mình phải hy sinh quá nhiều một cách bất hợp lý, khi ngay cả những công trình mang tính biểu tượng và lịch sử rõ nét nằm tại lòng trung tâm thành phố đang có nguy cơ bị xâm hại và biến mất!

Chưa biết bản chất sự việc ra sao, nhưng trước mắt, cái mà người dân cảm thấy rõ nhất là họ đang sống trong những đô thị mất ký ức, nơi mà chiếc cầu nối giữa thế hệ trước và sau chỉ còn là những hoài niệm in trên giấy.

Vậy đâu mới thật sự là nguyên nhân và những người làm công tác bảo tồn có thực sự “thờ ơ” như số đông dư luận nhận định? TheLEADER đã có dịp lắng nghe chia sẻ của ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch hội kiến trúc sư TP. HCM, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trên cương vị người trực tiếp tham gia vào việc trùng tu, xây mới một số công trình kiến trúc mang tính cộng đồng. 

Ông đã cụ thể hóa phản hồi cho những câu hỏi trên theo 2 yếu tố: hài hòa dân sinh và những tồn đọng nan giải.

Hài hòa dân sinh: khó như làm dâu trăm họ

Việt Nam tuy có hàng nghìn công trình được gọi là di sản (căn cứ theo giá trị lịch sử và tuổi đời) nhưng những người quan tâm, tạo điều kiện quản lý thì chỉ là một con số rất nhỏ. Bất cập này đã tạo tiền đề cho những vấn đề lớn hơn mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt.

Khó khăn là thế, nhưng trên thực tế, cũng không ít những mô hình đã có hướng đi đúng, tạo được hiệu quả tích cực từ chính bộ phận nhỏ này của cấp quản lý.

Hồi 2012, Hội An áp dụng chính sách thu phí tham quan với khu vực phố cổ, cách làm không mới trên thế giới nếu so với những gì đã diễn ra tại thành cổ Bayan (Myanmar) hay quần thể Angkor (Campuchia). Song, cái khiến chuyện mà Hội An đã làm trở nên đặc biệt là ở môi trường dân sinh.

Khác với các quần thể lịch sử thông thường, Hội An còn được biết đến là một khu dân cư, tức là người dân sinh sống ở đây đã từ lâu đời, có các hoạt động kinh tế riêng và sinh hoạt như các khu dân sinh khác trên cả nước chứ không hẳn là “thuần du lịch”. Vì thế về cơ bản, việc di chuyển đi lại tại đây cũng phải diễn ra bình thường, chuyện thu phí nếu làm không khéo sẽ ít nhiều sẽ gây nên làn sóng phản đối trong dư luận. 

Bản thân việc thu phí, trước khi được khắc phục và dễ thiện cảm hơn đã có thời gian bị chỉ trích do cách thức thực hiện, việc giao tiếp của người bán vé cũng như sự giải thích chưa đầy đủ đã gây nên sự bất bình, hiểu lầm trong du khách.

Thực ra chính sách bán vé tham quan Hội An đã được thực hiện từ hơn 20 năm nay. Vé phần lớn được bán thẳng cho các công ty du lịch và thường được tính trọn gói trong tour du lịch của khách. Vì thế, du khách đến Hội An nhiều lần cũng không biết có việc bán vé. Người dân đi du lịch lẻ cũng không mấy ai biết việc bán vé này vì việc thực hiện với khách lẻ bị buông lỏng. Chính vì vậy cho dù mỗi năm có khoảng vài triệu khách tham quan nhưng số lượng vé bán ra chỉ đạt khoảng một nửa.

Ngói âm dương và các loại gỗ tốt thường là vật liệu xây dựng chính tại các căn nhà cổ Hội An, do đó các khoản trùng tu thường là gánh nặng thường trực cho công tác bảo tồn còn eo hẹp về tài chính, khi thực tế trợ lực từ người dân và ngân sách nhà nước dành cho việc này là không đủ; bởi vậy, bán vé tham quan là một việc rất nên làm.

Hội An có chính sách rõ ràng về mức hỗ trợ kinh phí trùng tu từ 30 - 75%, thậm chí 100% tùy theo mức độ hư hại của di tích và tùy theo vị trí của ngôi nhà. Ngôi nhà ở vị trí sâu trong ngõ, hẻm, nơi người dân không có nhiều nguồn thu từ du lịch sẽ được ưu tiên với mức cao.

Chẳng ai muốn sống chán chường trong một ngôi nhà xuống cấp và bám chút bụi vàng lịch sử để tồn tại trong khi nguồn phí tu dưỡng thì không có. Đó là lí do hình ảnh về một căn nhà nhiều tầng kiên cố đã xuất hiện trong suy nghĩ của nhiều người dân Hội An. 

Không có tiền để trùng tu, người dân sẽ lại phá nhà cổ xây nhà mới; du lịch mất đi sản phẩm đặc sắc, còn người dân thì mất đi một nguồn thu nhập tiềm năng, một di sản mà ông cha để lại.

Hội An tuy nhỏ nhưng những gì xảy ra với phố cổ này chính là điển hình cho nhiều bài toán khác về di sản, đó là giải quyết độ chênh giữa dân sinh và bảo tồn. Phố cổ Hội An may mắn vì ít nhiều vẫn còn có thể thu phí do đặc thù khai thác du lịch, nhưng còn hàng ngàn di sản nhà cổ khác, đặc biệt là nhà cổ tư nhân tại những đô thị lớn, sẽ về đâu khi không thể khai thác du lịch, lại cũng chẳng thể can thiệp do tính chất tài sản tư?

Còn với khu vực tài sản công (những di sản thuộc sở hữu nhà nước) như đã đề cập ở trên, việc thiếu nhân sự quản lý sẽ có những tác động mạnh mẽ hơn.

Nhiều công trình khi đã xuống cấp nhiều thì mới được rà soát và tiến hành tu bổ, nếu may mắn thì vẫn còn giữ được cái cốt, chỉ là chút chỉnh tranh bên ngoài; nhưng nhiều trường hợp xảy ra gần đây thì có vẻ kém may mắn hơn, di sản đã xuống cấp nặng nề buộc các nhà chuyên môn phải xem xét rất kỹ để chọn phương án trùng tu hay bảo tồn.

Theo ông Mười, hiện tòa nhà này đã trong tình trạng hư hỏng nặng với phần kết cấu bên trong khó có thể tái tạo, do đó, nếu không xây mới (dự kiến theo thiết kế và vật liệu nguyên mẫu) chỉ còn cách đợi ngày công trình “tự sụp”. 

Còn về việc cải tạo dinh phục vụ cho công trình hiện đại (xây mới hoàn toàn hoặc một phần), sau khi tiếp thu ý kiến từ dư luận, ông khẳng định nhiều khả năng ban quảnn lý đương nhiệm sẽ không thực hiện kế hoạch này. Đây vừa là tin vui, vừa là tin buồn cho những ai đã và đang quan tâm đến công trình này.

Như vậy, có nên chăng các đô thị cần nhiều hơn những lực lượng rà soát và quản lý di sản đô thị, để “bắt bệnh” di sản sớm hơn, đến lúc “muốn chữa” thì cũng đã quá muộn? Cách làm bảo tồn của Nhà thờ Đức Bà, Tòa Đức Tổng Giám mục mình phải học, họ làm đúng.

Được biết, Việt Nam đã có nhiều đề án thành lập các tổ chức chuyên ngành về di sản đô thị nhưng tựu trung lại vẫn chưa có tổ chức nào hình thành với nguồn lực đủ lớn. Bên cạnh đó, so với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội được đánh giá là có hoạt động bảo tồn di sản đô thị tốt hơn.

Những nút thắt khó gỡ

Cũng theo ông Mười, bảo tồn di sản, ngoài những công trình cụ thể (nhà cổ, bồn nước, công viên), con người và cảnh quan cũng cần hiểu rộng hơn là bảo tồn cả những văn hóa sinh hoạt đô thị, thể hiện cụ thể ở việc quy hoạch các công trình cộng đồng và văn hóa. H

ai trong số các sinh hoạt văn hóa phổ biến của “hòn ngọc viễn đông” mà TP. Hồ Chí Minh từng có kế hoạch “làm sống lại”, chính là thú vui xem hát cải lương và thưởng thức các buổi hòa nhạc, vũ kịch.

Để thực hiện, thành phố đã có 2 kế hoạch đầy triển vọng là xây dựng nhà hát giao hưởng - vũ kịch riêng và nhà hát cải lương chuyên nghiệp nhưng đến nay mọi việc chỉ nằm trên giấy; nguyên nhân là vì thiếu quỹ đất phù hợp và sức ép từ thị hiếu đang ngày càng hạn chế. 

Ngoài ra, sự thiếu hụt những hỗ trợ “mạnh tay” từ ban ngành cho các công trình cộng đồng kể trên cũng là một nguyên nhân từ cấp vĩ mô khiến các kế hoạch này nằm dài trên giấy.

Bên cạnh đó, những bài toán lặp lại của công tác bảo tồn nói chung vẫn còn tồn tại cũng là những trở lực lớn. Ưu tiên bảo tồn cái gì và như thế nào, có kế hoạch nhưng thiếu người thực hiện, các giải pháp bảo tồn chưa rõ ràng nên né tránh, ảnh hưởng nhiều bên nên không thống nhất là một vài vấn đề tồn đọng khiến công tác bảo tồn di sản đô thị chưa cụ thể hóa được dễ dàng như hiện nay.

Bảo tồn di sản là vấn đề lớn đối với các đô thị đang phát triển, giá trị di sản là trung tâm của phát triển đô thị bền vững. Do vậy bảo tồn và phát huy giá trị di sản sẽ tạo nên bản sắc, thương hiệu riêng của thành phố; bảo tồn di sản không chỉ là bảo tồn từng công trình riêng lẻ mà cần phải bảo tồn không gian, cảnh quan chung của đô thị.

Bảo tồn đặt trong bối cảnh phát triển đô thị bền vững luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Với xu thế phát triển của đô thị, bảo tồn di sản còn nhiều thách thức như nhận thức của xã hội đối với công tác bảo tồn di sản chưa đúng mức, chưa được sự quan tâm tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn và khai thác hợp lý các giá trị di sản còn thiếu.

Cần hiểu rằng, không chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt, mà bảo tồn di sản còn phục vụ cho khai thác lâu dài về sau, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của cả cộng đồng từ đó tạo cơ hội cho phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng sống của mỗi người dân thành phố.

“Đô thị nào cũng phải phát triển, rộng và hiện đại hơn, do vậy nhiều công trình xưa cũ có thể phải phá bỏ, cải tạo, thay thế; nhưng cái quan trọng là thái độ của chúng ta đối với lịch sử. Một khi đã biết trân trọng, nâng niu thì sẽ tìm ra những giải pháp hợp lý nhất, ít tổn thất nhất, không chỉ về cảnh quan, mà hơn hết là tình cảm của những người yêu quý thành phố này. 

Về phía nhà quản lý, chúng tôi đã và đang làm hết sức trong khả năng của mình, nhưng để công tác bảo tồn thực sự hoàn thiện, cần nguồn lực lớn hơn, sự thống nhất trong hoạt động từ phía người dân và các cấp lãnh đạo – đây cũng chính là mong mỏi và trăn trở của tôi suốt bấy lâu”, ông Mười chia sẻ.

(*) Mời độc giả đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: “Đô thị thông minh” và “Bảo tồn di sản” qua câu chuyện Dinh Thượng Thơ