Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị

Kim Yến - 11:35, 27/09/2018

TheLEADERTrong quản lý đô thị, quan điểm về việc bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử hay giá trị ký ức dường như luôn mâu thuẫn rất lớn với quan điểm phát triển theo hướng hiện đại.

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị
Nếu thiết kế mới trụ sở UBND TP. HCM đươc triển khai xây dựng thì toà nhà Dinh Thượng Thơ (hiện đang là trụ sở của Sở Thông Tin truyền thông) sẽ bị đập bỏ

Tòa nhà Dinh Thượng Thơ hơn 120 tuổi của thành Gia Định xưa, chốn thân quen của người Sài Gòn; Nhà thờ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, một công trình tôn giáo mang giá trị lịch sử và kiến trúc gần 180 năm tại quận 2, được ví như những biểu tượng nối liền giữa quá khứ và hiện tại đang “nóng” lên trước nguy cơ bị phá bỏ để thay thế bằng những công trình mới phục vụ nhu cầu phát triển.

Phát triển đô thị gắn với việc xây dựng những tòa nhà cao tầng, các công trình mới trên những mảnh đất “vàng” đang dần dần làm biến mất những di sản kiến trúc và di tích lịch sử mang giá trị tiêu biểu không chỉ cho Sài Gòn, quốc gia, mà cả cộng đồng quốc tế.

Vậy thế nào là quan niệm đúng đắn về bảo tồn và phát triển? Quy hoạch, nhận diện, bảo tồn di sản thế nào để không bị xuống cấp, biến dạng? Đâu là những khiếm khuyết trong Luật bảo tồn di sản hiện hành?

Tọa đàm “Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản kiến trúc” do TheLEADER tổ chức với sự tham dự của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc sư, nhà quản lý, nhà báo đã phần nào đụng chạm đến những vấn đề cốt tử của bảo tồn di sản trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại.

Bảo tồn luôn thiệt

Mở đầu cuộc tọa đàm, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, người đau đáu nhất với những công trình di sản đang dần mất đi cho rằng: “Khi đụng đến vấn đề bảo tồn và phát triển bao giờ cũng có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển nhưng thường là bảo tồn luôn thiệt thòi.

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị
TS. Nguyễn Thị Hậu

Tôi thấy người ta hiểu về “phát triển” rất máy móc, cứ cho rằng cái gì là “cơ sở vật chất” như cầu mới, đường mới, nhà hiện đại cao tầng… mới là phát triển, chứ rất ít hoặc thậm chí là không quan tâm đến phát triển đời sống tinh thần của con người.

Câu cửa miệng của báo chí và truyền thông bây giờ là “cách mạng 4.0”, “bảo tồn và phát triển” nhưng cách hiểu không đến nơi đến chốn; đồng thời sự chỉ đạo “hiện đại hóa” của chính quyền mới chỉ tập trung trong không gian hẹp ở khu trung tâm.

Quản lý xã hội đô thị thực chất là sự điều hành, cân đối trong việc chia sẻ lợi ích giữa các nhóm cộng đồng, các chức năng của đô thị trong không gian hạn hẹp của đô thị. Đầu tiên chính quyền phải có tư duy quản lý đô thị. Câu hỏi đơn giản nhất là di sản đô thị (di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc) là của ai? Dường như nhà quản lý chỉ chú ý nhìn vào giá trị sử dụng của mảnh đất dưới chân nó mà không thấy giá trị tinh thần của nó. Chỉ thấy đó là đất vàng, đất kim cương, mà không thấy đó còn là giá trị tinh thần quý hơn kim cương của cả một đô thị.

Năm nào tôi cũng tìm cách đi tham quan, làm việc, nhìn ngó thế giới. Tôi thấy những khu kiến trúc cổ họ bảo tồn 100%, cũng là cách kiếm tiền “bền vững”, kiếm tiền mà không tổn hại gì cho thế hệ về sau. Thứ hai khi xây dựng thành phố mới, họ luôn phát triển từ một làng cổ, dù hẻo lánh nhưng họ vẫn coi ngôi làng cổ ấy là hạt nhân để từ đó phát triển lên thành một đô thị, chứ không phải phát triển từ một khu đất hoàn toàn mới. 

Tâm thức văn hóa của người đến sau luôn nương tựa và kết nối với những thế hệ trước đó từ những di tích lịch sử văn hóa, đó là điều rất nên học.

Do vậy, phải hiểu bảo tồn là để phát triển bền vững hơn, nhất là cho du lịch, chứ không phải là phá nó đi thì mới kiếm được tiền. Trong quy hoạch, bảo tồn, nhìn dưới góc độ nghề nghiệp, đó là kết quả dàn xếp các mâu thuẫn, coi nó là tài sản hay gánh nặng của phát triển đô thị, rồi tâm thức của “người mới đến vùng đất mới” nữa…

Thực chất trong ban hành chính sách, nếu coi nó là tài sản cộng đồng thì nhà nước, nhà đầu tư và người dân phải cùng nhau đồng thuận những nguyên tắc chung chứ không thể để một phía được quyền quyết định. Khi đã thỏa thuận với nhau về nguyên tắc như thế, thì nhà quản lý, nhà chuyên môn, cộng đồng, nhà đầu tư phải được trao đổi một cách dân chủ, minh bạch việc sử dụng những tài sản, vốn của xã hội như thế nào? 

Còn nếu nhà đầu tư và chính quyền đứng “cùng phe” không quan tâm đến lợi ích lâu dài của cộng đồng thì phải có tiếng nói người dân, người dân có tri thức từ các nhà khoa học và từ ý thức công dân.

Thực tế cho thấy nhiều dự án, công trình văn hóa lịch sử ở thành phố này và nhiều tỉnh thành khác đã bị xóa sổ mà không được làm theo nguyên tắc này, bên bảo tồn luôn thua trắng!

“Mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn” là mâu thuẫn giả?

Tiến sĩ xã hội học Trần Hữu Quang cũng rất tán đồng với ý kiến của bà Nguyễn Thị Hậu và đặt vấn đề: “Phải hiểu thế nào là di sản kiến trúc? Không chỉ tòa nhà, kể cả cầu, tên đường, công viên, từng viên đá lề đường… đã lãnh rất nhiều hậu quả từ quan niệm sai lầm là xóa bỏ quá khứ. Tên đường, số nhà liên quan đến ký ức tập thể, ký ức cá nhân nhưng đã bị bỏ đi thay mới không biết bao nhiêu lần. Như đường Tự Do tên hay như thế mà sao lại đổi làm gì?

TP. HCM có thời gian không cho phép xây nhà mới ở Q1, Q3, nhưng không biết sao sau đó lại xây dựng hàng loạt; khu ven sông Sài Gòn khu vực Ba Son cũ giờ mọc lên hàng loạt nhà cao tầng. Nếu không quan tâm ký ức tập thể của cộng đồng cư dân Sài Gòn này thì chẳng có triết lý phát triển gì cả.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy ai là người làm chủ di sản, ai là người làm chủ thành phố này?

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị 1
TS. Trần Hữu Quang

Tôi là người sống từ nhỏ ở đây, vẫn coi đây là thành phố của mình nhưng gần đây thì cảm giác của tôi trở nên lạ lắm, cứ như thành phố này không còn là của mình nữa!

Ông Trần Hữu Quang cũng nhấn mạnh: “Coi chừng câu hỏi “Mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản kiến trúc” là câu hỏi giả. Vậy đó thực chất là mâu thuẫn gì? Phải chăng là mâu thuẫn trong quản lý khi người dân thành phố này không được tham gia đầy đủ tư cách công dân và phải chăng là mâu thuẫn về lợi ích nhóm?

Kết quả thanh tra những năm qua ở thành phố cũng như của Trung ương công bố mới đây đã khẳng định về sự mâu thuẫn này. Bởi nếu có quản lý dân chủ thì phải bàn bạc với người dân, các nhà bảo tồn, chuyên gia kiến trúc, văn hóa… có sự thảo luận công khai về các công trình này.

TS. Nguyễn Minh Hòa, nhà nghiên cứu về đô thị học thì nhấn mạnh đến nhận thức và quan điểm đối với công trình, kiến trúc đó; trong đó quan điểm của người lãnh đạo trong tiến trình này rất quan trọng:

“Vấn đề bảo tồn bảo tàng quan trọng là quan điểm của người lãnh đạo. Điều đầu tiên tôi thấy là quan điểm của mình về di sản có điểm không đúng.

Nhìn vào bảng thống kê xếp hạng của TP. HCM tháng 5/2017, có thể thấy rõ có nhiều công trình rất đẹp không hiện diện trong số 96 di tích kiến trúc. So với các công trình khác, công trình do người Pháp thiết kế chỉ có 5%, có công trình rất đẹp không hiện diện như Bưu điện thành phố, Dinh Thượng Thơ. Không có nhà thờ thiên chúa giáo nào được xếp hạng, cho dù được coi là tuyệt tác kiến trúc như Nhà thờ Đức bà, nhà thờ Huyện sĩ, các thánh thất của người hồi giáo… Quận 3 là nơi có nhiều kiến trúc Pháp đẹp những cũng không có công trình nào được được xếp hạng.

Đây là quan điểm không hay, vì người ta quan niệm công trình người Pháp làm là của người khác. Một số nhà thờ người ta không đồng ý xếp hạng phải chăng là họ không tin vào cách chúng ta đang làm? Thành phố này nói cho cùng là lịch sử, ký ức của rất nhiều con người đến đây dựng và góp phần phát triển nó.

Thành phố đã có hơn 20 công trình di sản bị biến mất. Chúng ta đã nhận thức sai!

Sài Gòn - TP. HCM có tuổi đời lịch sử ngang bằng nước Mỹ, sau hơn 300 năm hình thành phát triển đã tạo nên quỹ di sản kiến trúc - văn hóa và lịch sử to lớn. Do nhiều lý do như chiến tranh, biến động xã hội, đô thị hóa nhanh không kiểm soát, quản lý yếu kém… rất nhiều công trình hàng trăm năm tuổi đã biến mất! Lẽ ra việc lưu giữ quỹ di sản hữu hình này dưới nhiều hình thức phải làm từ lâu.

Tôi từng đã định lập Hội Sài Gòn Học, rồi đổi thành Sài Gòn Đẹp. Tại sao có Hội Hà Nội Học, Huế Học, mà Sài Gòn lại không lập được Hội Sài Gòn Học? Đề án lập Viện Sài Gòn Học tôi đã viết, gửi lên Chủ tịch UBND TP. HCM nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được do nhiều lý do. Trung tâm Hà Nội Học cực kỳ phát triển, còn thành phố mình thì buồn quá!”

“Của Nhà nước đập đi, của dân giữ thì không thể được”

Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP. HCM tham gia vào tọa đàm cũng bày tỏ sự bức xúc:

“Tôi là người phản đối chuyện đập bỏ Dinh Thượng Thơ. Quản lý đô thị phải hài hòa lợi ích, không cực đoan theo một phe nào cả. Bảo tồn và phát triển là mâu thuẫn rất thực, rất cụ thể từ chủ trương đến kỹ thuật, phải cân nhắc từng công trình. Thực chất mâu thuẫn mà TS. Trần Hữu Quang đề cập đến rất đúng, nhiều khi không theo khoa học, đạo lý, mà theo lợi ích nhóm, trong đó có tham nhũng…

Tôi từng nghe một vị lãnh đạo nói: “Các anh cứ nói, chúng tôi nghe” nhưng chỉ nghe thôi sao? Ngay Dinh Thượng Thơ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng muốn đập là sao? Tôi khẳng định không đập Dinh Thượng Thơ, mà phải giữ lại. Còn về kỹ thuật người ta có thể làm được hết để giữ tới cùng.

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị 2
Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP. HCM

Theo tôi, mâu thuẫn trong quản lý đô thị là giữa bảo tồn và phát triển và mâu thuẫn giữa quyền và lợi chi phối bảo tồn, đó mới là đáng ngại; lo ngại hơn nữa là: Nếu người ta giả điếc, giả mù. Hy vọng một chút qua cuộc thảo luận này sẽ có người lắng nghe thực sự…

Trong bảo tồn, còn một mâu thuẫn nữa rất căng thẳng, đó là mâu thuẫn giữa cá nhân với cộng đồng. Dinh Thương Thơ rất dễ bảo tồn vì của Nhà nước rồi, còn các biệt thự thuộc về của người dân, rất khó bảo tồn. Mỗi biệt thự giá cả ngàn cây vàng, bán đi chia cho các con rất tiện, còn nếu giữ lại chỉ để coi thì ai mà muốn giữ. Phải làm sao để giải quyết mâu thuẫn này với dân; không thể quan điểm là của Nhà nước mới đập đi, của dân mới giữ; hay ngược lại thì không thể được. Phải bảo tồn, cho nó cuộc sống mới!

Bàn về ký ức đô thị, về lịch sử mà không có chứng tích mà chỉ là tờ giấy thì không ổn. Phải có di tích, chứng tích để phản ảnh được thời đó người ta sống thế nào. Chuyện giữ lại ký ức cho người dân, giữ lại ký ức lịch sử hàng ngàn năm rất quan trọng trong ý nghĩa của bảo tồn. Tôi rất sợ tình hình… “biết mà không làm theo”.

(*) Mời độc giả đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề - PGS.TS Nguyễn Minh Hoà: Biết trân trọng, nâng niu sẽ tìm ra những giải pháp hợp lý nhất