Điểm mấu chốt trong hợp đồng mua bán điện

Phương Anh - 12:27, 20/03/2024

TheLEADERViệc phát triển hợp đồng mua bán điện mới cho lĩnh vực LNG và điện gió ngoài khơi cần các điều khoản phân bổ rủi ro được bên cho vay quốc tế chấp nhận.

Rủi ro trong các dự án quy mô lớn

Mặc dù công suất gió và năng lượng mặt trời đã được phát triển đáng kể ở Việt Nam trong những năm gần đây, phần lớn trong số đó được tài trợ kết hợp giữa các ngân hàng trong nước và khu vực, hoặc các ngân hàng đánh giá doanh nghiệp thay vì rủi ro dự án.

Cơ cấu dự án cũng thường dựa vào một hình thức giảm thiểu rủi ro tín dụng, thường là bảo lãnh, từ các ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án.

Việc phụ thuộc vào hỗ trợ giảm thiểu rủi ro tín dụng từ các ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án là không khả thi để phát triển dự án quy mô lớn.

Nhận định này được Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đưa ra trong báo cáo mới nhất.

Ngoài ra, nhóm công tác cũng cảnh báo rằng: “Thanh khoản hạn chế, lãi suất cao, thiếu nguồn tài chính dài hạn và giới hạn ngành của khu vực ngân hàng trong nước sẽ đòi hỏi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nợ nước ngoài để cấp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng trong thập kỷ tới”.

Do vậy, nhóm khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên làm việc với khu vực tư nhân hàng đầu và các tổ chức tài chính đa phương để huy động nguồn vốn dự án cần thiết cho các dự án cơ sở hạ tầng trong giai đoạn đến năm 2030.

Cùng với đó, các tổ chức tài chính đa phương nên tham gia để đảm bảo có sẵn các bảo lãnh, nhằm giảm thiểu rủi ro quốc gia và hỗ trợ cơ sở hạ tầng quy mô lớn, năng lượng tái tạo và phát triển dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Hai vấn đề cần giải quyết

Để có nguồn tài trợ quốc tế cho các dự án điện mới quy mô lớn, theo nhóm công tác của VBF, Việt Nam cần có một khuôn khổ về tính khả thi cấp vốn cho các dự án điện gió và LNG quy mô lớn.

Theo đó, nhóm công tác nhấn mạnh: “Cần phát triển hợp đồng mua bán điện (PPA) mới cho lĩnh vực LNG và điện gió ngoài khơi với các điều khoản phân bổ rủi ro được bên cho vay quốc tế chấp nhận”.

Cụ thể, có hai nhóm vấn đề cần giải quyết để một PPA có tính khả thi cấp vốn.

Thứ nhất là các vấn đề pháp lý. Theo đó, cần làm rõ khả năng thế chấp các công trình xây dựng với các bên cho vay quốc tế thông qua đại lý bảo đảm trong nước.

Không chỉ vậy, Việt Nam hiện thiếu quy hoạch vùng biển quốc gia; thiếu định nghĩa pháp lý và cơ chế phân bổ rủi ro theo hợp đồng dự án quốc tế và hợp đồng tài trợ (thay đổi luật, thanh toán khi chấm dứt hợp đồng, trường hợp bất khả kháng do thiên nhiên và chính phủ, vận hành thử, bồi thường và bồi thường thiệt hại phát sinh).

Các vấn đề về pháp lý còn bao gồm rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ; rủi ro về nghĩa vụ thanh toán bao tiêu; quyền can thiệp của bên cho vay và trọng tài quốc tế.

Thứ hai là các vấn đề kỹ thuật. Theo đó, cần làm rõ công thức tính giá dựa trên phí công suất và phí năng lượng; thay đổi luật ảnh hưởng và làm giảm tỷ lệ hoàn vốn (IRR) và khoản nợ thanh toán dịch vụ.

Không chỉ vậy, cần làm rõ vấn đề thanh toán chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam vi phạm; nghĩa vụ nhận hoặc trả tiền; rủi ro cắt giảm công suất; chi phí đấu nối lưới điện; PPA trực tiếp và bao tiêu thay thế.

Trong trường hợp các quy định và pháp luật không thể giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan thì nên cho phép các bên đàm phán các điều khoản hợp đồng nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đó là thông lệ quốc tế tốt nhất và cách các dự án trước đây đã thành công ở Việt Nam, nhóm công tác của VBF khuyến nghị.