Doanh nghiệp thích ứng thế nào trước thị trường EU đang ‘xanh hóa’

Hồng Ánh - 22:35, 25/08/2023

TheLEADERNhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội đặt ra cho doanh nghiệp khi thị trường EU ban hành nhiều quy định điều chỉnh thương mại theo hướng bền vững.

Doanh nghiệp thích ứng thế nào trước thị trường EU đang ‘xanh hóa’
Vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội trước chính sách mới của EU không phải là điều quá mức khó khăn đối với doanh nghiệp có ý thức thực hành bền vững từ sớm như Tổng công ty May 10. Ảnh: Hoàng Anh

Ngành dệt may vốn đang rất khó khăn, vừa qua lại nhận được một thông tin gây “sốc”. Cụ thể, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại EU, thị trường này sắp sửa ban hành rào cản mới cho ngành dệt may, thông qua cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Nói với TheLEADER, bà Kim Lê, Giám đốc công ty tư vấn về kinh tế tuần hoàn CL2B, cho biết, chính sách này khi đi vào hiệu lực sẽ đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc truy xuất nguồn gốc, kiểm kê phát thải, do đó có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu.

Nhóm các nhà sản xuất chuyên cung ứng hàng dệt may nhanh sẽ chịu tác động nặng nề nhất, bởi EPR là công cụ nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn nên sẽ hướng đến hạn chế và chấm dứt hoàn toàn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dệt may kém bền, không có tiềm năng tái chế và tái sử dụng.

Tuy nhiên, không phải đợi đến tận khi EPR cho dệt may được ban hành tại châu Âu mà ngành dệt may Việt Nam đã phải đối diện với bài toán “xanh hóa” từ nhiều năm nay. Ông Minh Hà, CEO Tổng công ty May 10, cho biết, 10 khách hàng lớn của công ty đến từ Mỹ và châu Âu đã đặt ra một số yêu cầu như tỷ lệ tái chế bắt buộc, sản xuất giảm phát thải…

Yêu cầu từ phía khách hàng là động lực để May 10 tích cực thực hành phát triển bền vững trong thời gian qua, thông qua một số hoạt động như đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mặt trời, dùng nhiệt từ đốt rác hoặc sinh khối…

Vào tháng 4 vừa qua, EU cũng ban hành một quy định mới có thể khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng. Cụ thể, kể từ năm 2024, nông sản xuất khẩu vào thị trường tiên tiến này nếu có bất cứ quy trình canh tác, chế biến nào diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá.

Đáng chú ý, mốc thời điểm rừng bị chặt phá là kể từ sau năm 2020. Theo bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại và truyền thông cấp cao Nestlé Việt Nam, điều này khiến doanh nghiệp không có những bước chuẩn hóa quy trình từ trước năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một chính sách cũng khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm là cơ chế điều chỉnh phí carbon xuyên biên giới (CBAM). Quy định này yêu cầu một số doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải triển khai kiểm kê khí thải nhà kính trên mỗi sản phẩm kể từ quý I/2024. Đến năm 2026, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức phí carbon tương đương với doanh nghiệp sản xuất tại EU, sau khi đã trừ đi phần phí tương tự (nếu có) ở nước sở tại.

Ước tính, kim ngạch xuất khẩu bốn nhóm hàng của Việt Nam sang EU bao gồm sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón sẽ giảm khoảng 100 triệu USD do cơ chế CBAM.

Theo Văn phòng Môi trường châu Âu (EEB), các chính sách xanh hóa của EU đang được thiết kế với mục đích đẩy nhanh tiến độ hướng đến sử dụng tài nguyên bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm cường độ carbon trên quy mô toàn cầu.

Không loại trừ trường hợp những quy định về môi trường được sử dụng như một rào cản thương mại phi thuế quan, thậm chí có thể vi phạm một số nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, các chính sách này cũng đem lại nhiều cơ hội lớn.

Từ góc độ một doanh nghiệp đã thực hành nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ năm 2010, bà Thương nhìn nhận, luật chống phá rừng của EU mở ra “cơ hội có được EU” với nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhận thức về bền vững từ sớm, đặc biệt khi thị trường này sẽ cần “lấp đầy khoảng trống” của những hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu.

Cơ hội tương tự đặt ra với ngành dệt may, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đang nỗ lực bền vững hóa chuỗi cung ứng như Tổng công ty May 10, hoặc những doanh nghiệp nhanh nhạy trong chuyển đổi quy trình để đáp ứng yêu cầu thiết kế dễ thu gom, tái chế của EU sau khi ban hành công cụ EPR.

Cùng với đó, doanh nghiệp dệt may cũng có thể giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh nếu tận dụng được nguồn phế liệu dệt may của EU làm đầu vào cho sản xuất.

Thực tế, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một hiệp định song phương thế hệ mới, với nhiều quy chuẩn liên quan đến tính bền vững về môi trường và xã hội. Có thể nói, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã được định sẵn sẽ phải tuân theo luật chơi bền vững.

Luật chơi mới này sẽ còn được áp dụng tại nhiều thị trường tiên tiến khác, tạo ra động lực để doanh nghiệp phải thực hiện các bước chuyển đổi.

Hơn thế nữa, phát triển bền vững không chỉ mang tính đáp ứng thị trường. Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban quan hệ đối tác của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), cốt lõi của phát triển bền vững là quyền con người được sống và sống một cách lành mạnh, tử tế.

Do đó, thuận theo xu thế bền vững là con đường bắt buộc phải đi của doanh nghiệp. Sức ép từ các thị trường lớn như EU chỉ tạo ra một động lực để doanh nghiệp đầu tư cho con đường ấy sớm hơn, bài bản và nghiêm túc hơn.