Doanh nghiệp Việt trước áp lực chuyển đổi mô hình kinh doanh từ đối tác châu Âu

Hứa Phương - 10:42, 02/04/2024

TheLEADERChỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp do Liên minh châu Âu ban hành sẽ có hiệu lực từ năm 2024 đối với một số ngành sẽ tác động sâu rộng đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt trước áp lực chuyển đổi mô hình kinh doanh từ đối tác châu Âu
Đến năm 2026, các doanh nghiệp dệt may trong nước nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp châu Âu sẽ buộc phải tuân thủ Chỉ thị CSRD. Ảnh Hoàng Anh

Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (Chỉ thị CSRD) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành vào tháng 12/2022 và chính thức có hiệu lực từ 2024 đối với các công ty niêm yết ở EU có từ 500 nhân sự trở lên.

Còn đối với tám nhóm ngành gồm: dầu khí, khoáng sản, vận tải đường bộ, thực phẩm, xe hơi, nông nghiệp, năng lượng, dệt may và các công ty không đặt trụ sở tại EU sẽ được gia hạn thêm hai năm, đến tháng 6/2026.

Theo đánh giá của công ty tư vấn PwC Việt Nam, Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ EU tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn hoạt động tại thị trường châu Âu vì kim ngạch thương mại hai chiều EU - Việt Nam ngày càng tăng.

Từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, 25/27 nước thành viên EU đã đầu tư hơn 22 tỷ USD vào hơn 2.000 dự án tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, đồng thời xếp thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường này.

Tác động đến doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có điểm mạnh là nguồn lực sẵn có, cùng chiến lược phát triển bền vững đã được định hướng từ công ty mẹ.

Theo Chỉ thị CSRD, nếu công ty mẹ xác định kinh tế tuần hoàn là một trong các chủ đề trọng yếu cần báo cáo thì các công ty con tại Việt Nam cũng phải tiến hành thu thập dữ liệu báo cáo về thực hành kinh tế tuần hoàn.

Do đó, dựa trên cơ sở các luật định và các khung hay tiêu chuẩn công bố thông tin phát triển bền vữnghiện hành tại châu Âu và trên thế giới, PwC Việt Nam cho rằng khối doanh nghiệp này nên lưu ý ba yêu cầu thuộc Chỉ thị CSRD là: sử dụng tài nguyên và kinh tế tuần hoàn, đa dạng sinh học và hệ sinh thái, các vấn đề xã hội và nhân quyền.

Với nguồn vốn và nền tảng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận và ứng dụng những quy trình sản xuất tiên tiến, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang có hành động mạnh mẽ về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong mô hình sản xuất.

Đơn cử như Heineken, Nestlé hay Tetra Pak đã triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn như tái chế bao bì, tái chế nước thải, sử dụng nhiệt năng có nguồn gốc tái tạo… cũng như công bố thông tin về các sáng kiến này trong báo cáo phát triển bền vững.

Đa dạng sinh học là một trong những cam kết về bảo vệ môi trường trong EVFTA, vì vậy các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có trách nhiệm triển khai các kế hoạch hành động nhằm bảo tồn hệ sinh thái và giảm áp lực về đa dạng sinh học.

Còn đối với quyền con người, các doanh nghiệp FDI châu Âu tại Việt Nam đã tuân thủ các chuẩn mực đồng thời tự nguyện xây dựng các tiêu chí về môi trường làm việc an toàn theo pháp luật của quốc gia mà tập đoàn mang quốc tịch.

Với sự ra đời của các luật định về nhân quyền tại châu Âu trong thời gian gần đây, doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có khả năng phải thu thập dữ liệu báo cáo về đảm bảo nhân quyền và tiến hành thẩm định chuỗi cung ứng về vấn đề nhân quyền.

Tác động đến doanh nghiệp Việt nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp châu Âu

Doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn hoạt động tại thị trường châu Âu, Chỉ thị CSRD đòi hỏi phải chuẩn bị số liệu và lập báo cáo phát triển bền vững để cung cấp cho công ty mẹ hoặc doanh nghiệp đối tác khi có yêu cầu.

Nhóm doanh nghiệp này sẽ cần thực hiện nhiều công tác chuẩn bị hơn để đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp đối tác tại châu Âu nhằm tuân thủ theo Chỉ thị CSRD. 

Một trong những khó khăn mà nhóm này gặp phải là không có sự hướng dẫn trực tiếp từ các đối tác có hiểu biết về môi trường kinh doanh và việc thực hành phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trong trường hợp này theo PwC Việt Nam, doanh nghiệp nên trao đổi với các đối tác châu Âu về việc họ có cần tuân thủ CSRD hay không và nếu có thì thời hạn phải tuân thủ là khi nào để có thể lên kế hoạch phù hợp.

Tuy việc thu thập dữ liệu báo cáo trong nhóm doanh nghiệp này không cấp thiết như doanh nghiệp châu Âu nhưng nội dung này vẫn nên được cân nhắc và đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam muốn tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu từ năm 2024 trở đi.

Theo PwC Việt Nam, dựa trên báo cáo hiện hành tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt nằm trongchuỗi giá trị của đối tác châu Âu nên lưu ý ba yêu cầu thuộc Chỉ thị CSRD cũng như tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững đó là phát thải khí nhà kính, đa dạng sinh học và hệ sinh thái, các vấn đề xã hội và quyền con người.

Đối với phát thải khí nhà kính, dù đã nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp niêm yết, hiện chưa sẵn sàng cho việc kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê ở phạm vi phát thải một và hai, và chỉ có bảy doanh nghiệp đề cập đầy đủ phát thải phạm vi phát thải một, hai và 311.

Trường hợp phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi phát thải ba là vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp châu Âu cần tuân thủ Chỉ thị CSRD, các đối tác cung ứng tại Việt Nam sẽ phải tổng hợp dữ liệu phát thải và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trong nội bộ doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đó.

Ngoài Chỉ thị CSRD, châu Âu cũng đã triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon nhằm đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Hai luật định này sẽ khiến việc kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính trở thành điều kiện tất yếu để gia nhập thị trường EU.

Về đa dạng sinh học và hệ sinh thái, nhìn chung sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế, chủ yếu theo hướng tự nguyện và theo sự huy động nguồn lực của các tổ chức vì môi trường thay vì việc doanh nghiệp chủ động đánh giá tác động và triển khai thực hiện.

Theo yêu cầu của Chỉ thị CSRD, các doanh nghiệp hay nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ cần thực hiện đánh giá tác động của doanh nghiệp lên hệ sinh thái xung quanh khu vực hoạt động và sản xuất của họ.

Các vấn đề xã hội và quyền con người, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền của người lao động, quyền của khách hàng và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.