Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Phạm Sơn - 10:24, 22/05/2023

TheLEADERCơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ tác động trực tiếp lên 4 nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam là sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón.

CBAM là công cụ nhằm định giá carbon đối với hàng nhập khẩu vào EU từ các quốc gia không có thuế carbon hoặc đánh thuế carbon thấp dưới mức EU quy định. Giai đoạn chuyển tiếp của CBAM bắt đầu từ 1/10/2023.

Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến hết năm 2025, CBAM chỉ áp dụng cho những sản phẩm từ ngành công nghiệp nặng và có nhiều phát thải carbon nhất, bao gồm một số nhóm hàng như sắt thép, xi măng, phân bón, điện, nhôm…

Theo công ty tư vấn Dezan Shira&Associates, việc đánh thuế carbon bổ sung sẽ làm tăng giá, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này tại thị trường EU. Trong giai đoạn chuyển tiếp, CBAM ước tính sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của 4 nhóm hàng Việt Nam xuất sang EU bao gồm sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón xuống khoảng 100 triệu USD. Trong đó, sắt thép là ngành chịu tác động nặng nhất.

Mức giảm này không quá lớn bởi 4 nhóm hàng trên không chiếm nhiều tổng lượng hàng hóa xuất sang EU. Tuy nhiên, theo Dezan Shira&Associates, trong tương lai, khi danh sách áp dụng CBAM được mở rộng, nhiều hàng hóa sẽ chịu thêm mức phí carbon, phần nào xóa bỏ đi các lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam nhận được khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết.

Mặt khác, khi CBAM được ban hành, có thể sẽ có “phản ứng dây chuyền” xảy ra khi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… ban hành những chính sách tương tự. Là quốc gia có độ mở lớn, Việt Nam sẽ nhận nhiều thiệt hại nếu không sớm có biện pháp ứng phó.

Thách thức có thể sẽ rất khó lường, đặc biệt khi doanh nghiệp đang chưa nhận thức được hết nguy cơ xảy ra khi EU áp dụng CBAM. Theo một nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vào năm 2022, chỉ có 11% doanh nghiệp cho biết hiểu rõ nội dung về cơ chế CBAM, còn có đến 53% doanh nghiệp không biết gì về cơ chế này.

Bên cạnh đó, một trong những phản ứng chính sách được khuyến nghị, trong bối cảnh chưa thể ngay lập tức áp dụng các biện pháp trung hòa carbon, là thiết lập cơ chế thuế carbon. Tuy nhiên, mức độ phức tạp về kỹ thuật cũng khiến phương án này khó có thể được thực hiện một sớm một chiều.

Cơ hội cho mục tiêu giảm phát thải

Các chuyên gia của Dezan Shira&Associates khẳng định, CBAM có thể là động lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Cụ thể, CBAM sẽ không áp dụng cho các quốc gia tham gia chương trình mua bán khí thải của EU (ETS), vì vậy Việt Nam có thể thúc đẩy thiết lập hệ thống định giá carbon và tham gia vào ETS để tránh bị đánh thuế.

Bên cạnh đó, các ngành công nghệ ít phát thải carbon, các công nghệ tiết kiệm năng lượng, ngành sản xuất năng lượng sạch sẽ là những ngành nghề, lĩnh vực được hưởng lợi, bởi tăng cường đầu tư vào những ngành này cũng là cách tránh bị đóng phí carbon theo cơ chế CBAM. Với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và sự thuận lợi khi Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình trung hòa carbon ngành năng lượng, lấy đó làm nền tảng giảm phát thải cho toàn nền kinh tế.

Đáng chú ý, vừa qua, Việt Nam đã ký kết với Nhóm đối tác quốc tế về Chương trình quan hệ đối tác chuyển dịch công bằng (JETP). Chương trình JETP sẽ huy động khoảng 15,5 tỷ USD hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, tức là đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng không gây tác động tiêu cực tới người lao động cũng như doanh nghiệp và nhà đầu tư. Theo Dezan Shira&Associates, CBAM có thể sẽ nâng cao hiệu quả cũng như tính khả thi của JETP.

Dezan Shira&Associates khuyến nghị, Việt Nam cần có lộ trình, văn bản chi tiết để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận cơ chế CBAM và có thể ban hành các gói ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất sạch hơn, tránh bị đánh thêm thuế carbon khi xuất sang EU.

Mặt khác, cần nhanh chóng thiết lập cơ chế định giá carbon và có thể đánh thuế carbon. Nếu thực hiện biện pháp đánh thuế carbon, phần tiền thuế đáng ra phải chi trả cho cơ chế CBAM sẽ được giữ lại trong nước, là nguồn lực đáng kể giúp thúc đẩy trung hòa carbon tại Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần tổ chức các đối thoại với EU để làm rõ các quy định, tìm ra giải pháp hữu hiệu để vừa giảm phát thải, vừa tránh ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.