Dự án nhà ở xã hội 'tắc' do giải phóng mặt bằng

Phương Linh - 07:43, 01/08/2020

TheLEADERKhâu giải phóng mặt bằng đang khiến nhiều dự án bất động sản không thể triển khai xây dựng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự án nhà ở xã hội 'tắc' do giải phóng mặt bằng
Dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh vẫn bị bỏ hoang, chưa thể thi công xây dựng do vướng giải phóng mặt bằng

Sau hơn 2 năm có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội và đấu nối hạ tầng khu vực trên địa bàn phường Thượng Thanh vẫn bị bỏ hoang, chưa thể thi công xây dựng.

Theo ông Đinh Ngọc Linh, Trưởng ban quản lý dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh, nguyên nhân khiến dự án bị "đắp chiếu" nhiều năm qua là do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh do Liên danh CTCP Him Lam Thủ Đô và Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 5/2018. Dự án gồm 2.050 căn hộ chung cư, 44 căn nhà ở thấp tầng với tổng số vốn đầu tư khoảng 2.685 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian thi công xây dựng, kết thúc toàn bộ dự án là từ quý III/2018 - II/2021.

Tuy nhiên, suốt từ cuối năm 2016 khi bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng cho đến thời điểm hiện tại, dự án mới chỉ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng được hơn 70% diện tích.

Hơn 20% diện tích đất còn lại chưa thể giải phóng mặt bằng là 13.500m2 đất do phường Thượng Thanh cho một cá nhân thuê thầu từ năm 2014 - 2019, hiện chưa trao trả mặt bằng cho dự án.

Cũng theo ông Linh, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng tại dự án đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để. UBND phường Thượng Thanh đang có kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích thuê thầu nhưng việc này chưa biết đến khi nào mới được thực hiện.

"Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đang đặt doanh nghiệp vào thế "lực bất tòng tâm". Trong khi đó, không có quỹ đất sạch để triển khai dự án, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với những thiệt hại về kinh tế khi dự án chậm triển khai, chưa thể mở bán ra thị trường, doanh nghiệp đang chịu những thiệt hại rất lớn về uy tín, thương hiệu của", ông Linh chia sẻ.

Vị lãnh đạo này hy vọng, các cơ quan quản lý nhà nước sớm có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng dự án để doanh nghiệp có thể triển khai xây dựng.

Trường hợp của dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh chỉ là một trong rất nhiều các dự án đang gặp khó trong khâu giải phóng mặt bằng trên thị trường bất động sản hiện nay. 

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có hàng nghìn dự án treo, nhiều dự án treo hàng chục năm. Riêng tại Hà Nội, thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, trên địa bàn thành phố đang có 383 dự án chậm triển khai, để hoang hoá. Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, nhiều dự án lớn của doanh nghiệp chưa thể triển khai được do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn khi người dân không đồng thuận.

Nhiều hộ dân trông chờ vào việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, nên không hợp tác trong công tác điều tra, khảo sát, kiểm đếm lập phương án giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước lại không có cơ chế gỡ khó cho các dự án gặp vướng mắc khi giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp doanh nghiệp không tự thoả thuận được với người dân, cơ quan quản lý thường rất chậm trễ trong việc đưa ra quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân không chịu di dời.

Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Theo Điều 86, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 35, Luật Nhà ở năm 2014, việc thu hồi đất ở chỉ thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng khu tái định cư. 

Cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường phải thông báo phương án tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi, trong đó nêu rõ địa điểm, quy mô, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà ở phục vụ tái định cư để hộ dân lựa chọn hoặc nhận nhà để tái định cư hoặc nhận tiền để tự lo nơi ở mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ lúc lập dự án cho đến khi kết thúc việc di dời thường kéo dài từ 2 - 3 năm, thậm chí hàng chục năm tùy theo tính chất, quy mô thu hồi đất và số lượng gia đình, cá nhân phải di dời.

Đưa ra giải pháp gỡ vướng cho khâu giải phóng mặt bằng tại các dự án, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu cho rằng, việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án bất động sản hiện nay đang theo cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất, giá đền bù sát với giá thị trường, ít xảy ra khiếu kiện, khiếu nại. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có thêm sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải phóng mặt bằng.

Theo đó, đối với các dự án đang gặp khó trong khâu giải phóng mặt bằng do một số hộ dân không chịu di rời, nếu dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được khoảng 70 - 80% diện tích trở lên, thì Nhà nước nên thực hiện cơ chế thu hồi đất đối với phần diện tích đất dự án còn lại. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án.

Phần diện tích mặt bằng bị cưỡng chế thu hồi sẽ được doanh nghiệp thực hiện bồi thường thỏa đáng, phù hợp giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng, thực hiện quyền tái định cư của người có đất bị thu hồi, đảm bảo lợi ích công cộng.