Du lịch thiếu nhạc trưởng để thích ứng với trạng thái bình thường mới

Đặng Hoa - 10:17, 23/06/2020

TheLEADERVới ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, trạng thái bình thường mới hậu dịch Covid-19 là cắt bỏ những rườm rà không cần thiết và tập trung vào giá trị cốt lõi, thế mạnh của doanh nghiệp nhằm tạo ra những trải nghiệm du lịch sang trọng, mang tính cá nhân hoá cao để trước mắt phục vụ khách nội địa với chuẩn châu Âu, đồng thời xây nên một thương hiệu uy tín về lâu dài.

Du lịch thiếu nhạc trưởng để thích ứng với trạng thái bình thường mới
Du thuyền Heritage Bình Chuẩn Cat Ba Archipelago của Lux Group

Là một thương hiệu trong lĩnh vực du lịch chuyên phục vụ khách quốc tế bị ảnh hưởng trực tiếp từ tác động của dịch Covid-19, trạng thái “bình thường mới” được thể hiện như thế nào ở hãng lữ hành Luxury Travel, thưa ông?

Ông Phạm Hà: Luxury Travel là một thành viên của Lux Group, chuyên đón khách quốc tế đến Việt Nam. Phần lớn khách của chúng tôi đến từ châu Âu, Mỹ, Úc và New Zealand. Với chúng tôi, bình thường mới là phục vụ khách nội địa với chuẩn châu Âu.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp nào thích ứng nhanh thì sẽ tồn tại sau đại dịch Covid-19. Chúng tôi sử dụng quy luật Pareto 80/20. Trong đó, 80% nhân sự và thời gian dành cho thị trường nội địa và mảng MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) nội địa; 20% chuẩn bị cho sự phục hồi để đón khách quốc tế đến bất kỳ lúc nào.

Bình thường mới với chúng tôi cũng là tái cơ cấu doanh nghiệp để tinh gọn hơn. Chúng tôi thực hiện số hóa toàn bộ doanh nghiệp, nghiêm túc nhìn nhận sức khỏe doanh nghiệp, sửa chỗ sai, nghĩ mới làm khác, đồng lòng đưa doanh nghiệp vượt bão. Chúng tôi cắt bỏ những rườm rà không cần thiết, tập trung vào giá trị cốt lõi và thế mạnh của doanh nghiệp nhằm tạo ra những trải nghiệm du lịch sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao.

Trước và sau dịch, hoạt động của Lux Group đã thay đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hà: Trước dịch bệnh chúng tôi đã rất thụ động. Có tới 99% khách hàng của chúng tôi là khách quốc tế đến Việt Nam và chúng tôi ngụp lặn trong vùng an toàn đó khi doanh thu luôn tăng trưởng 30% mỗi năm, làm không hết việc.

Tuy nhiên, dịch bệnh đến đã chặn đứng luồng khách quốc tế buộc chúng tôi phải thay đổi và trở lên linh hoạt hơn, đa di năng hơn trong lĩnh vực du lịch nội địa, vận tải, du thuyền sang trọng. Chúng tôi nhận thấy một thị trường nội địa 100 triệu dân là đồng bào mình, nói tiếng Việt, là những người mà chúng tôi hiểu rõ về văn hóa, sở thích du lịch. Họ cũng có nhu cầu rất lớn về du lịch cao cấp, khác biệt.

Chính vì vậy Lux Group tạo ra phòng nội địa và website riêng tập trung vào phân khúc trung và cao cấp là du khách sang trọng Việt Nam. Với kinh nghiệm quốc tế đã có, chúng tôi tạo ra những trải nghiệm mới và phù hợp với đối tượng nhóm nhỏ, gia đình, những du khách sang chảnh lần đầu trải nghiệm sang trọng.

Những trải nghiệm du thuyền như ở Emperor Cruises Nha Trang, Hạ Long hay du thuyền Heritage Bình Chuẩn Cat Ba Archipelago của chúng tôi đáp ứng nhu cầu tìm tòi, mộng mơ, khám phá, thư giãn, trải nghiệm và hòa mình vào di sản văn hóa và thiên nhiên. Các du thuyền của Lux Group đã được đặt hết từ nay đến tháng 9/2020.

Sau khi dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát ở Việt Nam, phân khúc khách hàng hạng sang mà ông hướng đến trước đây cũng như hành vi của họ có thay đổi gì nhiều hay không?

Ông Phạm Hà: Nhiều trải nghiệm du lịch sang trọng trước đây chỉ dành cho khách nước ngoài giờ đây cũng đã trở nên hấp dẫn hơn cho người Việt Nam. Thế giới sang trọng được thể hiện từ sở thích, phong cách, sản phẩm trải nghiệm và thời gian du lịch. Chúng tôi có được dữ liệu khách hàng và hiểu sâu sắc những mong muốn của khách hàng sang trọng, từ đó tạo ra những trải nghiệm đích thực, độc đáo.

Giải bài toán hút du khách nội địa sang trọng hậu dịch Covid-19
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group

Đây cũng là phân khúc và tệp khách hàng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có sức mua lớn, phục hồi nhanh nhất sau giãn cách xã hội. Nhu cầu và cách đi du lịch của du khách sau dịch cũng thay đổi. Họ thường đi ngắn ngày, di chuyển bằng đường bộ, mua các gói combo đơn giản để nghĩ dưỡng, đi du thuyền là xu thế mới, đặt tour gần với ngày đi, sử dụng xe riêng, nhiều khách đặt tour trên mạng và đặt từ điện thoại thông minh.

Ông định nghĩa như thế nào về dịch vụ sang trọng? Và điều này có thay đổi hay không sau đại dịch?

Ông Phạm Hà: Du lịch sang trọng tất cả là trải nghiệm và dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao. Chúng tôi định nghĩa sang trọng bao gồm nhà sang, những đồ tư trang sang trọng và dịch vụ sang trọng. 

Trong ngành dịch vụ, du lịch sang trọng và siêu sang trọng là một phần trong thế giới dịch vụ sang trọng. Du khách có nhà đẹp sẽ đi xe sang và trải nghiệm du lịch sang trọng. Phân khúc này bao gồm những du khách có tiền, cần trải nghiệm mới lạ và độc đáo thể hiện đúng đẳng cấp và phong cách của họ.

Sau đại dịch, nhóm khách này có xu hướng muốn tới các điểm đến an toàn, gần và giá cũng phải hợp lý hơn mặc dù họ có tiền.

Nhiều đơn vị du lịch đã buộc phải giảm giá, khuyến mãi, với những gói du lịch giảm sâu, thậm chí hơn 50% so với giá ban đầu nhằm mục đích kích cầu. Với các sản phẩm du lịch của ông thì sao? Bài toán chi phí sẽ được xử lý như thế nào?

Ông Phạm HàNgành du lịch không thể giảm giá nếu ngành hàng không vẫn giữ giá. Câu chuyện là phải hợp tác để cùng giảm thì mới kích được cầu, nhiều người mới có thêm nhu cầu và khả năng chi trả cho trải nghiệm du lịch. Những thứ yếu sẽ bị cắt giảm khi người dân gặp khó khăn về kinh tế. Tôi nghĩ để thực hiện được mục đích tồn tại thì các doanh nghiệp du lịch giờ đây phải xem vấn đề dòng tiền là ưu tiên.

Khi bán voucher trải nghiệm trên du thuyền 5 sao Emperor Cruises và Heritage Cruises với mức giá giảm 50% trong tháng 5/2020, chúng tôi đã bán hết 5.000 phiếu chỉ trong 15 ngày. Có thể thấy sức mua rất lớn. Nhiều doanh nghiệp phía Bắc mua voucher gói với khách sạn hoặc khu nghỉ mát thành những gói du lịch trải nghiệm cao cấp cho thị trường phía Bắc. 

Ngành du lịch không thể giảm giá nếu ngành hàng không vẫn giữ giá. Câu chuyện là phải hợp tác để cùng giảm thì mới kích được cầu.
Ông Phạm Hà
Chủ tịch HĐQT Lux Group

Đây là lúc doanh nghiệp du lịch, các nhà cung cấp cần đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt, tạo nhiều sản phẩm trải nghiệm với mức giá hợp lý để tạo dòng tiền, tạo công ăn việc làm, tăng giá trị và lợi ích cho du khách, giữ uy tín cho đường dài để trở thành những cái “hiệu” được “thương”.

Các chiến lược được ông hướng đến để khắc phục hậu quả sau dịch Covid-19 là gì?

Ông Phạm Hà: Có lẽ chúng ta không cần phải nói thêm về tác động khủng khiếp của Covid-19 đối với ngành du lịch. Nhìn một góc độ khác, tôi lại thấy trong nguy có cơ. Đây là cơ hội cho cả các cá nhân và doanh nghiệp để nhìn lại mình, sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, sửa sai và tạo đà tốt hơn sau khi dịch bệnh đi qua và các đường bay được nối lại.

Chúng tôi có thời gian đào tạo lại đội ngũ, tinh chỉnh nhân sự sao cho phù hợp, chuẩn hóa quy trình, quy chuẩn, làm mới và tạo sản phẩm trải nghiệm thực sự mới, số hóa doanh nghiệp. 

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thích ứng với thị trường để tồn tại và văn hóa doanh nghiệp được phát huy. Chúng tôi dành thời gian để xem lại giá trị cốt lõi, tầm nhìn sứ mệnh của doanh nghiệp, luôn chủ động để phát triển bền vững trong những năm tới. Cơ hội hoàn toàn như nhau cho tất cả doanh nghiệp dù quy mô lớn hay nhỏ. Doanh nghiệp nào tồn tại qua giai đoạn này sẽ phát triển mạnh mẽ.

Ông đánh giá như thế nào về các chính sách kích cầu cho du lịch hiện nay? Ông có góp ý thêm điều gì không?

Ông Phạm Hà: Tôi thấy du lịch Việt Nam đang hơi thiếu một nhạc trưởng. Các địa phương và doanh nghiệp cũng đang loay hoay mạnh ai ấy làm, tùy thế và lực. Như tôi nói, du lịch không thể giảm giá nếu vận chuyển hàng không không giảm. Giai đoạn này, các doanh nghiệp cần hướng đến mục đích tồn tại thay vì lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho nhân viên cùng nhau vượt qua khó khăn. Cần có sự liên kết chặt với nhau trên tinh thần cùng tồn tại, phải sống sót qua mùa dịch.

Trong một thế giới bất ổn và tương lai chưa xác định như hiện nay, không ai biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc và du lịch quốc tế trở lại như xưa. Chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt nam” lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi hồi đầu thế kỷ 20 rất hay, mang tính truyền cảm hứng và phù hợp không chỉ trong giai đoạn này mà cả về sau này để khuyến khích người Việt Nam đi du lịch.

Dự báo lạc quan nhất của ông với sự phục hồi của du lịch Việt Nam là gì?

Ông Phạm Hà: Lạc quan nhất thì Việt Nam sẽ đón khách quốc tế quay trở lại vào quý IV năm nay. Kinh nghiệm của tôi từ dịch SARS năm 2003 cho thấy mặc dù rất lạc quan nhưng sự phục hồi của du lịch cũng không thể nhanh được.

Hành trình sẽ là: dịch bệnh xuất hiện - phong tỏa - dỡ bỏ phong tỏa - cho đi lại - mở lại đường bay nội địa và du lịch nội địa - mở lại đường bay quốc tế và khách quốc tế đến. Biến lớn nhất là dịch bệnh vẫn lây lan, và chắc chắn không thể bay được từ tháng 7/2020.

Như vậy, chúng ta phải tập trung vào du lịch nội địa đến hết tháng 9 hoặc cuối năm nay. Kém lạc quan hơn, Việt Nam chúng ta không đón thêm được một vị khách du lịch trong năm 2020 và phải chờ 2021 hoặc đến khi tìm thấy vắc-xin chống dịch.

Xin cảm ơn ông!