Người viết tiếp giấc mơ của ‘vua tàu thuỷ’ Bạch Thái Bưởi

Đặng Hoa - 09:00, 10/11/2019

TheLEADERKhông ngừng đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm và cách làm trong khi vẫn luôn giữ vững triết lý kinh doanh bằng sự tử tế là chìa khoá để nhà sáng lập Lux Group Phạm Hà thành công trên con đường viết tiếp câu chuyện du thuyền lấy cảm hứng từ di sản với tinh thần quý tộc của tiền nhân.

Người viết tiếp giấc mơ của ‘vua tàu thuỷ’ Bạch Thái Bưởi
Anh Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

Cùng bố đi trên Nam tàu lớn chạy dọc hai miền Nam Bắc mà Việt Nam đã mua từ Na Uy sau giải phóng để đưa người dân tìm đường kiếm kế sinh nhai vào giữa những năm 80, cậu bé đậm chất quê Phạm Hà năm đó dường như được khai mở tầm nhìn về thế giới bên ngoài. Chưa bao giờ trái tim và khối óc của cậu rung động đến vậy, rung động vì được khám phá đất nước Việt Nam tươi đẹp vô cùng. Một giấc mơ du thuyền đã được hình thành từ thuở thơ bé.

Lớn lên, nhờ khả năng ngoại ngữ tốt và yêu thích du lịch, anh Phạm Hà bén duyên với ngành dịch vụ này kể từ khi vẫn còn là sinh viên. Được tiếp cận với khách du lịch người nước ngoài, được dùng ngôn ngữ của họ để giới thiệu văn hoá, con người Việt Nam khiến anh rất thích thú. Vào thời điểm đó anh đã chiêm nghiệm được rằng, cuộc đời là những chuyến đi, hạnh phúc là hành trình mà không phải đích đến. Làm du lịch, anh cảm thấy hạnh phúc vì có thể làm cho người khác hạnh phúc.

Hành trình cùng bố trên chuyến tàu lớn cập bến Sài Gòn năm đó sau này đã khiến anh nhận ra rằng, mỗi điểm đến mới sẽ mang lại một cách nhìn mới, tầm nhìn mới và tư duy mới, từ đó khiến con người trở nên mới mẻ. Cái hay của du lịch không chỉ là đi từ điểm này đến điểm khác mà là một hành trình của trải nghiệm, là mối quan hệ và vốn sống.

Nhờ sớm có được tài sản lớn là tầm nhìn và tư duy, con đường khởi nghiệp vào năm 2004 của anh cũng khác biệt hoàn toàn so với những người còn lại. Anh Hà chọn “ngõ nhỏ vào nhà sang” khi khách trung lưu và sang trọng dần biết đến Việt Nam như một điểm đến mới lạ hấp dẫn.

Việt Nam bắt đầu kinh doanh du lịch từ những năm 90 khi mở cửa đón chào những làn sóng đầu tư FDI và khách du lịch nước ngoài nhưng trong khoảng hơn một thập kỷ sau đó, các công ty lữ hành vẫn chạy đua giành giật khách Tây ba lô bằng giá trong khi sản phẩm giống nhau, dịch vụ lại không có chất lượng.

Anh Hà quyết định đi con đường riêng của mình bằng việc sáng lập Luxury Travel, tập trung vào phân khúc sang trọng còn bị bỏ ngỏ, tạo trải nghiệm phù hợp, đánh đúng mong muốn của khách hàng và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này với số vốn xuất phát điểm chỉ vỏn vẹn 1.000 USD.

Người viết tiếp giấc mơ của ‘vua tàu Thuỷ’ Bạch Thái Bưởi
Với anh Hà, hạnh phúc là một hành trình mà không phải là đích đến

Ý tưởng táo bạo này từng khiến nhiều người hoài nghi, thậm chí cho rằng anh điên rồ và quá liều lĩnh. Thế nhưng anh Hà vẫn quyết tâm sống chết với nó. Anh quả quyết, nếu muốn thành công thì chắc chắn phải tìm cho mình một hướng đi mới, phải là người đi tiên phong trong một lĩnh vực và phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Hơn nữa, những ngày đầu khởi nghiệp, người bố xuất thân từ một người lính từng vào sinh ra tử thời chiến tranh đã truyền cho anh rất nhiều động lực, sức mạnh và niềm tin. “Phải thoát ly con ạ”, “con làm được đấy”, “thắng không kiêu bại không nản”, “sống tốt con nhé” là những điều bố anh đã từng nói, ông luôn tin tưởng con mình, khuyến khích anh làm những điều anh thích và giỏi nhất. Ông đã thôi thúc anh tự tin bước những bước đầu tiên để anh biết rằng nếu sợ hãi thì sẽ không bao giờ làm được.

Luôn là người đi tiên phong

Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp vào đầu những năm 2000 còn khó khăn gấp bội phần. Chỉ nắm trong tay số vốn ít ỏi, thể chế và chính sách thay đổi thường xuyên, internet còn là một thứ quá mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm bấy giờ trong khi đối tượng khách mà anh định vị ngay từ ban đầu là khách sang trọng đến từ nước ngoài buộc anh phải tìm cách làm mới.

Khi rất nhiều người vẫn chưa biết Internet là gì, chưa biết dùng nó ra sao thì anh Hà đã xác định dùng Internet để kiếm tiền: “Không có Internet sẽ không có công ty”. Chính anh là người đã mày mò đi làm website có tích hợp trả tiền bằng thẻ tín dụng, mở ra định hướng tiếp cận khách hàng trên nền tảng web. Ngay từ thời điểm 2004 khi thương mại điện tử bước đầu được biết đến ở Việt nam, khách du lịch trên thế giới muốn đến Việt Nam đã có thể đặt tour và thanh toán trực tuyến thông qua trang web của Luxury Travel.

Website của Luxury Travel là một trong số rất ít website của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ sau bốn năm, Luxurytravelvietnam.com đã lọt vào top 10 website thương mại điện tử tiêu biểu do Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (EcomViet) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá.

“Tôi dám bỏ thói quen truyền thống để nghĩ lớn, có tư duy vượt giới hạn. Nếu mình tiên phong và trở nên giỏi nhất trong một lĩnh vực thì sẽ có thể chiếm lĩnh thị trường. Thành công của tôi có được nhờ có sự đổi mới, sáng tạo và liều”, anh Hà cho biết.

Đó còn là những khó khăn trong đợt khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó cũng là những khó khăn khi khách tìm đến quá đông trong khi cơ sở hạ tầng, các cơ sở lưu trú ở Việt Nam vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khiến công ty phải trả thêm chi phí để thuê khách sạn 5 sao cho khách bởi khi khách quá đông, khách sạn chẳng còn quan tâm đến việc bán buôn cho các công ty du lịch.

Một trong những câu chuyện nóng nhất trong ngành du lịch Việt được bàn đến nhiều nhất gần đây là nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, thách thức này còn lớn gấp bội phần vào thời điểm 15 năm về trước. 

Anh Hà phải tuyển mới và đào tạo những bạn trẻ có ngoại ngữ nhưng chưa có chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành. Anh còn dạy các kỹ năng bán hàng và tất cả các kỹ năng mềm cần có, thậm chí phải cầm tay chỉ việc viết từng email gửi cho khách. Nhưng anh nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất đối với nhân sự trong ngành du lịch vẫn luôn là thái độ.

“Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên cũng như một tờ giấy trắng, những người đã đi làm thì như tờ giấy nham nhở khó vẽ lại. Để đào tạo, tôi thích các bạn mới tốt nghiệp hơn vì thái độ sẽ là thứ đầu tiên được vẽ lên tờ giấy trắng đó. Trong ngành dịch vụ, thái độ là cái quan trọng nhất và cũng khó đào tạo nhất”, anh Hà cho biết.

Dùng cảm xúc để chinh phục khách hàng sang trọng

Đối với Chủ tịch Lux Group, khách hàng không chỉ là người sử dụng dịch vụ mà còn có cả khách hàng nội bộ là nhân viên. Muốn làm hài lòng được khách bên ngoài thì trước hết phải làm hài lòng khách hàng nội bộ.

“Quan điểm quản trị của tôi là phục vụ nhân viên để họ phục vụ khách hàng thật tốt”, anh Hà chia sẻ.

Người viết tiếp giấc mơ của ‘vua tàu Thuỷ’ Bạch Thái Bưởi 1
Anh Hà đối xử với đồng nghiệp như cách họ phục vụ những vị khách hàng sang trọng

Dù mặc những bộ veston lịch lãm, thết đãi thực khách bằng những món sơn hào hải vị nhưng khi về đến công ty, anh Hà lại trở về với cuộc sống đời thường với chiếc áo phông, quần jean và đôi giày thể thao năng động. 

Anh duy trì một mối quan hệ bình đẳng giữa sếp và nhân viên, lãnh đạo cấp cao cũng phải chấm vân tay hay trong bữa ăn ngoài giờ, nhân viên ngồi cùng lãnh đạo là chuyện bình thường.

“Tôi là người lãnh đạo không có quyền lực mà tôi cũng chẳng cần quyền lực. Lãnh đạo là nghệ thuật gây ảnh hưởng và tầm nhìn để mọi người đi theo và đạt được tầm nhìn. Luôn là chính mình, yêu thì bảo yêu, ghét thì bảo ghét, mọi người được lắng nghe và được tôn trọng ý kiến”, anh Hà chia sẻ.

Ở vị trí lãnh đạo, anh Hà luôn ví mình như người lái xe buýt với sứ mệnh mang lại hạnh phúc, hướng đến 5 chữ P trong Tiếng Anh gồm passion (đam mê), people (con người), purpose (mục đích rõ ràng), planet (vì môi trường), profit (lợi nhuận). Ngành du lịch và dịch vụ làm việc với con người và phục vụ con người.

“Đi nhanh chưa chắc đi đúng nhưng đi đúng thì chắc chắn sẽ đi nhanh”, anh Hà tâm niệm.

Anh cho nhân viên nhận thức được rằng người trả lương hay ông chủ duy nhất trong công ty chính là khách hàng. Muốn giải quyết được câu chuyện cơm áo gạo tiền và có cuộc sống tốt đẹp hơn thì phải có nhiều khách hàng, phải làm khách hàng hài lòng, thoả mãn và sung sướng bằng cách cung cấp dịch vụ tốt. Có như vậy, khách mới quay lại nhiều lần, mới giới thiệu thêm nhiều vị khách giàu có khác.

Theo lãnh đạo Lux Group, xây dựng văn hoá doanh nghiệp là việc cần làm, trong đó, tất cả mọi người đều phải thấu hiểu tư duy về người trả lương, từ tư duy dẫn đến hành động. Giờ tan làm ở Lux Group là 5h30 chiều nhưng nhiều người vẫn thường xuyên ở lại làm tới gần 9h tối để hoàn thành công việc một cách tự nguyện. Bí quyết của anh Hà là trao quyền, tin tưởng nhân viên thì công việc mới chạy tốt.

“Với tôi, tin mới dùng. Đã tin thì phải trao quyền, nhưng muốn trao quyền thì phải biết chính xác họ muốn gì. Mấu chốt là phải tìm được những người giỏi hơn mình về làm cho mình”, anh Hà nói.

Nhiệm vụ của người lãnh đạo lúc này là cùng nhân viên đặt ra mục tiêu và nỗ lực tìm cách đạt được mục tiêu đó. Trao quyền giúp nhân viên tạo ra sự sáng tạo và đột phá. Khi đã tuyển dụng, phải tạo được môi trường để nhân viên phát huy tài năng, phải lắng nghe và đưa vào thực hiện những ý tưởng mới nếu khả thi và mang lại hiệu quả cao.

Lãnh đạo bằng sự tử tế là chìa khoá để anh Hà giữ được nhân tài bởi không đào tạo nhân viên chắc chắn sẽ rời đi, còn đào tạo, mang lại phúc lợi tốt và tạo môi trường cho nhân viên thì không có lý do để họ rời đi vì suy cho cùng những doanh nghiệp có thói giật người cũng không thể nào có được tâm hồn và trái tim thật lòng của những nhân viên đó.

‘Nỗ lực của tôi là tạo ra một môi trường sáng tạo, trao quyền, công bằng và khen thưởng. Từ đó khuyến khích mọi người đóng góp năng lực và điểm mạnh nhất của mình cho tổ chức và mọi người đều vui vẻ và hạnh phúc”, anh Hà nói.

Mục đích lớn nhất anh đặt ra là 99% khách hàng phải thoả mãn với trải nghiệm du lịch của công ty. Khách hàng chưa phải là thượng đế cho đến khi nhân viên phục vụ họ như thượng đế và anh đối xử với đồng nghiệp như cách họ phục vụ những vị khách hàng sang trọng.

Theo anh Hà, không có một định nghĩa sang trọng chung cho tất cả mọi người, mỗi người sẽ có một cách nhìn khác nhau tuỳ theo nhu cầu. Chẳng hạn, một người đã từng đi đến hơn 60 quốc gia như anh Hà thì sang trọng là trải nghiệm mới và cá nhân hoá sở thích dù nhỏ nhất vẫn được đáp ứng.

Ở Lux Group, sang trọng được định nghĩa là tổng thể những trải nghiệm mang tính cá nhân hoá cao. Muốn chinh phục khách hàng sang trọng, mấu chốt là phải hiểu rất rõ khách hàng để có thể cung cấp trải nghiệm theo đúng mơ ước của khách và chạm vào cảm xúc của họ với những ngạc nhiên thú vị.

“Khách hàng chỉ mua khi sản phẩm của ta đáp ứng gần nhất nhu cầu của họ. Phải hiểu khách hàng thì mới bán được hàng”, anh Hà nói.

Anh Hà cho biết, khách sang trọng chỉ chiếm từ 5-10% trong tổng lượng khách đến Việt Nam. Khác với khách du lịch đại trà thích đi theo đoàn, khách du lịch cao cấp thường đi riêng theo nhóm nhỏ với những yêu cầu và đòi hỏi cao như tính riêng tư, những trải nghiệm riêng biệt, độc, lạ, tốt nhất của điểm đến.

Du lịch xa xỉ không còn là một khái niệm bó hẹp trong khuôn khổ các tiện ích cao cấp như khách sạn 5 sao mà là sự trải nghiệm thú vị từ những chuyến du ngoạn đó, mang lại cơ hội khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa khác nhau theo một cách thức rất riêng, độc đáo, hiếm có, khó tìm và phải đáng nhớ.

Khách hàng cao cấp là những người có tiền, có học thức, từng trải, đi nhiều, biết nhiều và biết chính xác mình muốn gì nên anh Hà phải nỗ lực đào tạo cho nhân viên cũng như thường xuyên nâng cấp và thay đổi sản phẩm để có những tố chất tương tự.

Du lịch là một hành trình chính vì vậy Lux Group luôn chú trọng tạo cảm xúc cho khách hàng một cách nhất quán trong mọi điểm chạm kể từ khi biết đến công ty, tìm website, trao đổi với nhân viên, đặt tour,…. Khách hàng luôn cảm nhận được sự “sang trọng” trong từng điểm chạm, tạo nên bản sắc và thương hiệu cho doanh nghiệp.

“Thương hiệu cũng như một lời hứa, khách hàng mua lời hứa của thương hiệu. Nếu đáp ứng được kỳ vọng và vượt qua kỳ vọng thì không chỉ khiến khách hài lòng mà còn có thể mang đến cảm giác wow cho khách”, anh Hà chia sẻ.

Kinh doanh thành tín, nhân nghĩa và trách nhiệm như tinh thần cụ Bạch Thái Bưởi

Nói về tinh thần doanh nhân, anh Phạm Hà đặc biệt ngưỡng mộ tinh thần quý tộc của cụ Bạch Thái Bưởi. Tinh thần quý tộc có nội hàm cao quý là thành tín, đạo nghĩa, ý thức trách nhiệm.

Tinh thần quý tộc của cụ thúc đẩy khai phá văn minh đồng bào để xứ An Nam chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp phát triển đất nước, tạo một tầng lớp quý tộc đủ mạnh để canh tân đất nước, cạnh tranh với người Hoa và người Pháp.

Người viết tiếp giấc mơ của ‘vua tàu thuỷ’ Bạch Thái Bưởi 2
Giấc mơ du thuyền thưở bé của anh Hà giờ không còn là giấc mơ

Nhờ cụ mà anh Hà có nguồn cảm hứng xây dựng thương hiệu Du Thuyền Di Sản Heritage Cruises phong cách boutique mang hồn di sản, đậm chất văn hoá, lịch sử, mỹ thuật và những tinh hoa Bắc Bộ. Du thuyền độc đáo này thiết kế dựa vào những bưu ảnh cổ sưu tập được với tinh thần tàu Bình Chuẩn mà cụ đã hạ thuỷ cách đây hơn 100 năm vào ngày 7/9/1919. 

Chuyến tàu lịch sử của xứ An Nam với sứ mệnh đúng như tên tầu Bình Chuẩn từ Cửa Cấm sẽ cập cảng Sài gòn ngày 17/9/1920 trong sự cổ vũ chào đón của giới thương gia và tự hào dân tộc “le premier bateau Annamite à Saigon”- tầu người An Nam đầu tiên cập cảng Sài gòn.

“Mình có văn hoá, truyền thống và cả tinh thần quý tộc quý tộc ngay từ đầu thế kỷ 20. Đó là lý do để khách du lịch đến và hiểu văn hoá, lịch sử rồi yêu một đất nước thay vì chỉ đến và về”, anh Hà nhìn nhận.

Cụ Bạch Thái Bưởi cũng là người đã thực hiện nghiêm túc 10 tôn chỉ trên thương trường: thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hoá. Những giá trị và bài học kinh doanh còn nguyên giá trị để soi rọi và vận dụng cho cuộc cách mạng 4.0 hiện nay để quản trị doanh nghiệp hiệu quả và kinh doanh thành công trên thương trường.

“Tiền chỉ là một công cụ, cái lớn nhất là mình mang lại được gì cho xã hội. Khi kinh doanh mà chộp giật thì không bao giờ thành công, chiến thuật chộp giật thì có thể đúng nhưng chiến lược mà chộp giật thì chắc chắn thất bại”, anh Hà nói.

Với anh Hà, tiền bạc chỉ là mục đích cuối cùng, đam mê và tình yêu là những lý do đầu tiên đưa anh đến với du lịch và giúp anh gắn bó và quyết tâm với ngành dịch vụ này cho đến bây giờ. Phải mê anh mới làm.

Anh Hà thừa nhận mình là người say mê văn hoá và nghệ thuật. Sưu tập tranh là sở thích cá nhân để cân bằng cuộc sống và công việc bởi anh cho rằng đôi khi nên sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống tốt hơn, sáng tạo và hạnh phúc trọn vẹn hơn. Anh luôn làm cái mình thích và thích cái mình làm. Anh đặc biệt thích tranh của họa sĩ Phạm Lực vì có thể chạm vào cảm xúc. Xem tranh của Phạm Lực, anh Hà sống lại tuổi thơ ấu của mình, ký ức chiến tranh của bố mẹ và những câu chuyện văn hoá lịch sử Việt Nam được kể qua mầu sắc, đường nét, hình khối mê hoặc.

Đó cũng là lý do hàng trăm bức tranh của hoạ sỹ Phạm Lực được trưng bày một cách tinh tế trên những du thuyền mang thương hiệu Emperor Cruises ở Nha Trang và Hạ Long mà anh Hà là cổ đông như một bảo tàng nhỏ để giới thiệu cho du khách sang trọng thưởng lãm và trở thành du thuyền nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam.

Anh Hà cho biết du khách vô cùng thích thú ý tưởng độc đáo này và sắp tới anh sẽ tổ chức đấu giá nghệ thuật trên du thuyền. Anh cũng vừa hoàn thành cuốn sách thứ hai về họa sỹ Phạm Lực có tên “Một Đời Nghệ Thuật”, tiếp sau cuốn đầu tiên là “Picasso Việt Nam, tranh và đời”.

Nhà sáng lập Lux Group tâm niệm: “Một cuộc sống thoả mãn tốt hơn là một cuộc sống thành công bởi lẽ thành công của chúng ta do người khác đánh giá. Sự thoả mãn của chúng ta do mình cảm nhận bằng chính tâm hồn, trí tuệ và con tim của mình”.

Bài viết đã được đăng tải trên ấn phẩm đặc biệt DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua đặc san, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.vn

Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ

Điện thoại: 024 3244 4359

TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1

Điện thoại: 08867 08817