FPT Software vào cuộc đua nước rút doanh thu 1 tỷ USD

Việt Hưng - 17:50, 12/09/2023

TheLEADERKhông chỉ chú trọng vào lĩnh vực phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nước và quốc tế, FPT Software giờ đây đã hiện thực hóa được ước mơ của nhiều thế hệ người Việt với chip bán dẫn "Make in Vietnam".

Tháng 9 này, FPT Software đã đặt chân tới thành phố Guadalajara - được mệnh danh là Silicon Valley của Mexico, với việc thành lập một văn phòng mới dự kiến thu hút hơn 500 nhân sự vào năm 2025.

Nhờ có múi giờ tương đồng với các thành phố San Francisco, Los Angeles, và Dallas, Guadalajara được coi là nơi lý tưởng để thành lập các trung tâm phát triển phần mềm phục vụ khách hàng lớn của thị trường Mỹ.

Ngoài ra, thành phố này còn là trung tâm giáo dục tại Mexico, đào tạo hàng ngàn sinh viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin mỗi năm. Đây cũng là lý do cốt yếu khiến nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ luôn ưu tiên xây dựng hệ sinh thái công nghệ tại đây.

"Nhà sản xuất bộ vi xử lý 5G đầu tiên của Intel cũng được phát triển bởi các kỹ sư Mexico", ông Nguyễn Quốc Sử - Giám đốc FPT Mexico chia sẻ.

Cùng với Mexico, văn phòng tại Costa Rica và Colombia sẽ tạo thế kiềng ba chân, vững chắc cho FPT Software tại Mỹ Latinh. Các văn phòng tại đây sẽ cùng thu hút nhân tài tại hơn 30 nước trong khu vực tới làm việc tại 3 văn phòng này.

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, FPT Software đã mở 04 văn phòng trên toàn cầu nhằm chuẩn bị cho cuộc chạy đua nước rút đạt doanh thu 1 tỷ USD vào cuối năm 2023.

FPT Software hiện là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số với nhiều công nghệ đẳng cấp như: trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), điện toán đám mây, blockchain, Internet of Things...

Với hiện diện tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ công nghệ tới hơn 1.000 khách hàng toàn cầu, trong đó có gần 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500 đang hoạt động trên đa lĩnh vực như hàng không vũ trụ, năng lượng, xe hơi, bán lẻ, tài chính ngân hàng, y tế, thương mại điện tử.

Tại FPT, thị trường nước ngoài hiện đóng góp 46% tổng doanh thu. Doanh thu ký mới từ thị trường nước ngoài của FPT đạt 15.017 tỷ đồng tương đương hơn 600 triệu USD, tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ. Trong đó có 13 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.

FPT Software vào cuộc đua nước rút doanh thu 1 tỷ USD
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trao đổi cùng ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT (phải)

Không dừng lại ở tham vọng gia tăng doanh thu, đầu năm nay FPT Software đã mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ - mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International - Mỹ. Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT Software.

Trước đó, vào năm 2014, FPT Software đã thực hiện M&A với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích. Tới năm 2018, FPT Software tiếp tục mua lại 90% cổ phần của Intellinet, một trong số các công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Hiện tại, FPT Software vẫn đang liên tục mở rộng sự hiện diện tại nhiều quốc gia. Các thương vụ M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT Software, hướng tới mục tiêu trở thành Top 50 công ty công nghệ toàn cầu năm 2030.

Đặc biệt, công ty cũng tiến vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip bán dẫn với việc thành lập FPT Semiconductor. Dòng chip bán dẫn đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật cho lĩnh vực y tế.

Sản phẩm được các kỹ sư FPT Software trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Mục tiêu của FPT Semiconductor là triển khai, cung cấp chip "Make in Vietnam" đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.

Sau giai đoạn này, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Ông Nguyễn Vinh Quang - CEO FPT Semiconductor cho biết: "Đây là ước mơ của nhiều thế hệ người Việt. Có thể nhiều người chưa biết, chúng ta đã từng có nhà máy bán dẫn Việt Nam, vào năm 1979, được biết đến với cái tên nhà máy Z181, cung ứng rất nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu".

Tiếp nối truyền thống này, ông Quang cho biết, công ty sẽ đưa các sản phẩm chip bán dẫn đi xa hơn, tới những thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc…

FPT Software vào cuộc đua nước rút doanh thu 1 tỷ USD 1
FPT Software định hướng đi đầu trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam

Tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về Đầu tư và đổi mới sáng tạo, định hướng đi đầu trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam của FPT Software một lần nữa được ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Người đứng đầu tập đoàn đã đề xuất Chính phủ Mỹ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia chip bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành này, cam kết nỗ lực góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ cao.

Với nguồn lực hiện tại, Đại học FPT đã thành lập Khoa vi mạch bán dẫn, nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Trước đó, FPT Software đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng đào tạo nhân lực công nghệ cao, giúp kỹ sư công nghệ nâng cao năng lực về Data, AI, Cloud, IoT, Blockchain… qua nền tảng học trực tuyến Udacity nổi tiếng.

Các kỹ sư FPT Software sẽ có gần 9.000 suất học bổng các khóa học Nanodegree trên Udacity. Số học bổng này nằm trong thỏa thuận hợp tác trong vòng 3 năm giữa FPT Software và Udacity.

Trong năm 2021, hai bên đã tiến hành chương trình đào tạo nhóm kỹ sư khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu với tỷ lệ tốt nghiệp là 94% và hơn 3.000 dự án học viên được hoàn thành trong thời gian 12 tháng.

Đồng thời, doanh nghiệp đã thành lập FPT Software Academy - học viện chuyên đào tạo năng lực công nghệ phần mềm cho sinh viên, nhân sự ngành công nghệ thông tin.

Học viện này được hình thành dựa trên kinh nghiệm thực tiễn đào tạo nội bộ cho hơn 15.000 nhân viên của công ty trong 10 năm qua.

FPT Software Academy hướng tới đối tượng sinh viên sắp tốt nghiệp, mới ra trường, nhân sự trẻ trong ngành, các đối tượng cần hoàn thiện năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu tại các công ty công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay.

Hơn 60% thời lượng các khóa học thiết kế dành cho việc thực hành, học viên sẽ tham gia làm các dự án giả lập, hoặc có cơ hội thực chiến tại các dự án lớn của FPT Software giúp người học nắm bắt lý thuyết và áp dụng hiệu quả vào công việc.