Nhà đầu tư kỳ vọng The CrownX, FPT Software tiếp nối VinFast IPO tại Mỹ

Dũng Phạm - 16:37, 02/09/2023

TheLEADERThe CrownX có thể được IPO trong năm 2024 hoặc 2025 khi điều kiện thị trường thuận lợi còn FPT Software có thể IPO để phục vụ tham vọng trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu khu vực.

Sau khi niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ hôm 15/8, hãng xe điện VinFast của Tập đoàn Vingroup trở thành biểu tượng mới của các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường bước ra thế giới.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast cho biết "trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast". 

Tuy nhiên, điều này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với VinFast mà còn mở đường cho hành trình chinh phục thị trường vốn quốc tế của nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Ngày 24/8, chỉ đúng 10 ngày sau phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VinFast trên Nasdaq với mã “VFS”, Công ty Cổ phần VNG (VNG) cũng ra thông báo VNG Limited - cổ đông lớn nhất nắm 49% cổ phần của VNG - đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký lên Uỷ ban giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ. 

Dự kiến, VNG Limited sẽ chào bán ra công chúng (IPO) tại sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch “VNG”. Công ty này muốn huy động 150 triệu USD trong đợt IPO dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9/2023

Như vậy, ước mơ mà ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập và Chủ tịch VNG chia sẻ từ năm 2010 về kế hoạch đưa cổ phiếu VNG niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế sắp trở thành hiện thực. Năm 2017, công ty từng ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq ở Mỹ, tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn cho đến hiện tại.

Sau thành công của sự kiện niêm yết VinFast và thông báo của VNG, giới đầu tư tiếp tục gọi tên những doanh nghiệp Việt Nam từng có ý định vươn tầm ra thị trường vốn toàn cầu.

Hành trình “Go Global” của doanh nghiệp Việt
VinFast mở đường cho hành trình vươn tầm quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam

Tiềm năng nhất trong danh sách này phải nhắc tới là The CrownX của Masan Group. Masan hiện đang có tham vọng phát triển nền tảng bán lẻ, The CrownX, thành kênh dịch vụ tiêu dùng tích hợp, dựa trên nền tảng F&B, hệ thống bán lẻ Winmart, đối tác với Techcombank, và tiềm năng M&A các thương hiệu tiêu dùng khác.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan cho biết đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của The CrownX có thể được triển khai trong năm 2024 hoặc 2025 khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn.

Đến nay, Masan đã thuyết phục thành công nhiều tên tuổi lớn trong thị trường tài chính quốc tế như SK Group (Hàn Quốc), Alibaba (Trung Quốc), Platinum Orchid (thuộc của Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi) hay SeaTown Master Fund (công ty con của Temasek Holdings) … làm đối tác chiến lược và cùng hiện thực hoá tham vọng vươn tầm của mình.

Với nền tảng kinh doanh cơ bản, thị phần bao phủ sâu rộng với nhiều loại sản phẩm, mảng kinh doanh bán lẻ hấp dẫn cùng uy tín, thương hiệu mang tầm quốc tế đã được khẳng định, kỳ vọng về khả năng niêm yết quốc tế thành công của Masan trong thời gian tới là khả quan.

Năm 2023, Masan dự kiến ​​doanh thu thuần hợp nhất năm đạt từ 90.000- 100.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 31% so với năm 2022. Trong đó, The Crownx được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính với tỷ trọng đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần năm 2023.

Cái tên tiếp theo thu hút sự quan tâm của giới đầu tư chính là đại gia ngành công nghệ - Công ty Cổ phần Tập đoàn FPT (FPT). Theo đó, cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho biết tập đoàn có thể chi hàng trăm triệu USD cho M&A để mở rộng độ phủ, thiết lập đồng minh trên toàn cầu, đặc biệt ở các khu vực như Mỹ, châu Á, châu Âu và Mỹ La tinh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thay vì niêm yết cổ phiếu để tiếp cận thị trường vốn, đại gia ngành công nghệ Việt lại có chiến lược tấn công “trực diện” vào thị trường Mỹ với bệ phóng là nguồn lực dồi dào sau nhiều năm tích lũy.

Theo đó, đầu năm nay, FPT Software đã công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ - mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International - Mỹ. Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT Software, hướng đến mục tiêu công ty công nghệ tỷ đô toàn cầu vào năm 2023.

Trước đó, vào năm 2014, FPT Software đã thực hiện M&A với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích. Tới năm 2018, FPT Software tiếp tục mua lại 90% cổ phần của Intellinet, một trong số các công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Hiện tại, FPT Software vẫn đang liên tục mở rộng sự hiện diện của mình tại nhiều quốc gia. Các thương vụ M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT Software, đạt doanh số 1 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2023 và trở thành Top 50 công ty công nghệ toàn cầu đến năm 2030.

Thực tế, trong năm 2022, thị trường quốc tế đã mang về kết quả nổi trội cho FPT với tổng doanh số ký mới đạt gần 1 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ nhờ hoạt động M&A tăng trưởng mạnh với doanh thu gấp 5, lợi nhuận gấp 10, lần đầu tiên có khách hàng 100 triệu USD.

Dù mục tiêu vươn tầm quốc tế là hiện hữu, tuy nhiên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT đánh giá hiện lợi ích từ việc IPO quốc tế lại chưa rõ ràng trong khi thủ tục làm rất “kinh hoàng”. Vì vậy,"nếu một ngày thấy rõ thì chúng tôi sẽ làm" và dù FPT chưa cần IPO trên thị trường quốc tế những vẫn có thể định hình là công ty toàn cầu, ông Trương Gia Bình khẳng định.

Dù được thực hiện với nhiều con đường và cách thức khác nhau, nhưng có thể thấy mục tiêu “Go Global” của tập đoàn hàng đầu của Việt Nam ngày càng rõ nét, đặc biệt là việc bước chân vào thị trường tài chính Mỹ, nhằm huy động vốn cho các kế hoạch kinh doanh tham vọng.

Hội nhập mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định mình trên bản đồ thế giới. Thành công bước đầu của VinFast cũng như nhiều tập đoàn đầu ngành như VNG, Masan, FPT … được kỳ vọng sẽ tiếp tục thổi bùng lên “ngọn gió đông” thúc đẩy tiềm năng vươn tầm quốc tế của các doanh nghiệp trong nước.