Giá cước sụt 50%, nhiều doanh nghiệp vận tải rao bán xe

Trâm Anh - 13:23, 03/01/2018

TheLEADER"Nhiều doanh nghiệp vận tải chấp nhận mức giá bằng 50%, thậm chí bất chấp bị xử phạt khi chở quá tải trọng để bù chi phí” - ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết.

Giá cước sụt 50%, nhiều doanh nghiệp vận tải rao bán xe
Vận tải hàng hoá từ cảng Cát Lái, TP.HCM.

Nhận xét về tình hình kinh doanh vận tải hàng hóa tại TP.HCM năm 2017, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: “Năm qua, tốc độ tăng trưởng sản phẩm tại TP.HCM hơn 79% (cao hơn năm 2016 và cao hơn cả nước). Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành kinh doanh vận tải.

Số lượng phương tiện vận tải tăng vọt

Số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho thấy, số lượng phương tiện tăng vọt ở mức 27,8% đối với xe container và 76% đối với xe tải dưới 3,5 tấn đã tạo nên độ chênh lớn, dư thừa so với thực trạng và tăng trưởng sản lượng hàng hóa của năm 2017. Tỷ lệ tăng thấp nêu trên so với tỷ lệ tăng vọt của phương tiện vận tải hàng hóa đang gây mất cân đối giữa nhu cầu và năng lực vận tại, tạo khủng hoảng thừa nghiêm trọng.

Nguyên nhân số phương tiện vận tải tăng vọt được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải lý giải là do tình hình kinh tế phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng, cùng với việc kiểm soát tải trọng phương tiện đã ổn định…

“Đối phó với tình trạng khủng hoảng thừa phương tiện, để có được lượng hàng hóa và duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhiều hình thức. Trong đó, có hình thức giảm giá, chỉ nhận mức giá bằng 50% so với trước hoặc dưới giá thành để giữ khách hàng hoặc hình thức khác là chở quá tải trọng cho phép”, ông Chánh cho biết.

Theo nhận định của một số thành viên Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM, tình hình chở quá tải hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 12%. Nhưng nếu doanh nghiệp vận tải thua lỗ, cạnh tranh nhau hạ giá thành, chấp nhận chở quá tải để bù chi phí thì sẽ làm gia tăng nguy cơ bùng phát trở lại tình trạng phương tiện chở quá tải. Từ đó, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và khiến công tác xử lý, kiểm soát phương tiện của cơ quan chức năng càng khó khăn.

Chi phí chồng chất

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trong năm qua ngành kinh doanh vận tải hàng hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động nhiều mặt làm tăng chi phí đầu vào.

Ông Lâm Đại Vinh, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải nêu ý kiến: Hiện nay, doanh nghiệp vận tải vừa phải đóng phí BOT vừa đóng phí bảo trì đường bộ với khoảng 17 triệu đồng/xe/năm là quá cao. Dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp đua nhau rao bán xe vì nếu càng duy trì càng lỗ, phương tiện không có hàng để chạy cũng phải chịu các khoản phí cố định tính trên đầu xe. Việc giảm các loại phí đối với doanh nghiệp vận tải là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ cần giảm chi phí dịch vụ vận tải cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Chánh cho biết, trong năm 2018 cần khắc phục được gánh nặng về giá cả nguyên liệu, phí bảo trì đường bộ cộng với phí BOT... thì doanh nghiệp vận tải mới phát triển được.

Một khó khăn khác đối với các doanh nghiệp vận tải hiện nay là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng gây ùn tắc kéo dài. Thực tế, qui định biển báo giờ cấm có nơi chưa thật phù hợp; một số thủ tục hành chính còn gây cản trở, khó khăn nhưng chậm sửa đổi.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết trong năm 2017 vừa qua, Thanh tra Giao thông đã xử phạt gần 4.270 vụ vi phạm chở quá tải, tăng 9,6% số vụ so với cùng kỳ năm 2016, với số tiền phạt lên tới gần 47 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết Sở ghi nhận các ý kiến, khó khăn của doanh nghiệp và sẽ có văn bản cùng với Hiệp hội Vận tải TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉnh sửa những bất cập cho phù hợp trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hoạt động tốt trong năm 2018.

Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ gấp rút triển khai những dự án hạ tầng để sớm xử lý được tình trạng ùn tắc giao thông gây ảnh hưởng hoạt động, chi phí phát sinh đối với doanh nghiệp vận tải.