Giá trị song hành để xuất khẩu gia vị thắng lớn

Hoàng Đông - 06:39, 30/09/2023

TheLEADERNâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu là 2 yếu tố cần đạt được để giúp xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị nâng cao giá trị, tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường lớn trên thế giới.

Giá trị song hành để xuất khẩu gia vị thắng lớn
Hồ tiêu Việt Nam đang chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn. Ảnh: TTXVN.

Năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam tổng giá trị khoảng 1,4 tỷ USD, gần phục hồi về mức so với trước đại dịch Covid-19. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, hồ tiêu và gia vị từ Việt Nam đang chiếm lĩnh cả 3 thị trường lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc.

Đạt được thành công lớn, tuy nhiên, để tiếp tục duy trì thị phần, nâng cao giá trị gia tăng, đem về lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp cũng như bà con nông dân, theo bà Liên, ngành tiêu và gia vị đang đứng trước bài toán phải không ngừng nâng cao chất lượng và tiến tới xây dựng thương hiệu.

Trong đó, nâng cao chất lượng là yêu cầu bắt buộc, bởi lẽ các thị trường lớn như EU sẽ liên tục cập nhật, bổ sung thêm các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với hàng hóa nhập khẩu. “Hiện nay EU đang đặt ra hơn 500 tiêu chuẩn đối với hồ tiêu, tạo sức ép lớn cho chuỗi sản xuất nhưng có khi đang có vài tiêu chuẩn khác đang trên bàn dự thảo”, bà Liên lấy ví dụ.

Chủ tịch VPSA bổ sung, việc nâng cao chất lượng thông qua cải tiến quy trình, liên kết sản xuất thực tế cũng là điều bắt buộc phải làm để “cung cấp những gì thị trường cần”. Do đó, sản phẩm không những ngon hơn, sạch hơn mà còn phải đáp ứng tính bền vững.

Đạt được chất lượng và tính bền vững là hàng hóa có thể rộng cửa xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Tuy nhiên, để “bám rễ” một cách chắc chắn ở những thị trường này, đòi hỏi hồ tiêu và cây gia vị phải xây dựng được thương hiệu.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu và gia vị lớn như Phúc Sinh, Vĩnh Hiệp đang xây dựng tốt thương hiệu trên thị trường thế giới, được người tiêu dùng đánh giá cao. Một số doanh nghiệp khác có tiềm lực yếu hơn nhưng cũng đang “liệu cơm gắp mắm”, từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Tuy nhiên, theo bà Liên, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu tiêu và cây gia vị top đầu thế giới, chiếm lĩnh các thị trường lớn, do đó ngành hàng này cần có một thương hiệu chung mang tính quốc gia.

Giải quyết bài toán kép là nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, bà Liên đề xuất với Bộ Công thương về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, trong đó đặc biệt ưu đãi cho những doanh nghiệp chế biến sâu.

“Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp chế biến sâu nông sản như Ấn Độ hay Sri Lanka. Đây là chính sách sẽ giúp thúc đẩy ngành chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa gia tăng thu nhập cho bà con nông dân”, Chủ tịch VPSA nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị đại diện ngành tiêu và cây gia vị cũng kỳ vọng vào việc Bộ Công thương tăng cường công bố thông tin phản ánh thị trường một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, đặc biệt là cho những doanh nghiệp không thuộc hiệp hội để tránh thường hợp doanh nghiệp chịu thiệt thòi do không kịp nắm bắt thông tin.

Ông Ngô Trung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cũng nhìn nhận, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản là thiếu vốn.

Về điều này, ông Khanh cho biết, Bộ Công thương vừa qua đã xây dựng báo cáo về thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, dự kiến sớm trình lên Chính phủ, trong đó có đề xuất về việc xây dựng nguồn tín dụng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích các bên.

“Đề xuất là doanh nghiệp nếu có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu rõ ràng, hợp lý thì sẽ được tiếp cận tín dụng”, ông Khanh nói.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái kết nối chủ thể trong chuỗi xuất khẩu, từ doanh nghiệp, hiệp hội đến ngân hàng, các cơ quan địa phương, trung ương. Theo ông Khanh, liên kết chuỗi lỏng lẻo cũng là một khó khăn lớn đặt ra cho doanh nghiệp nông sản.